Hé lộ bức tranh ngân hàng 2023: Đan xen những mảng màu sáng tối
Tính đến thời điểm này, đã có khoảng 18 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý IV/2023, hoặc công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm. Theo đó, bức tranh ngân hàng năm 2023 có sự đan xen những gam màu sáng – tối.
Lợi nhuận phân hóa mạnh
Theo báo cáo tài chính mới công bố, ACB là ngân hàng vừa nối dài thêm danh sách các ngân hàng báo lãi trên 10.000 tỷ đồng trong năm 2023. Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý IV của ACB đạt 5.043 tỷ đồng, tăng 39,6% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế năm 2023, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 20.068 tỷ đồng, tăng 17,2% so với năm 2022.
Trước đó, ngoài big 4 (Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank) thì còn có 3 nhà băng báo lãi trên 10.000 tỷ đồng, gồm: MB (hơn 26.200 tỷ), Techcombank (gần 22.900 tỷ đồng) và VIB (hơn 10.700 tỷ đồng).
Bốn ngân hàng Nhà nước tuy chưa công bố báo cáo tài chính, song kết quả kinh doanh sơ bộ cho thấy bức tranh khá sáng sủa. Đơn cử như Vietcombank, ước lợi nhuận trước thuế đạt hơn 41.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 10% và tiếp tục giữ vị trí quán quân.
Tiếp đến là BIDV với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 27.400 tỷ đồng; VietinBank hơn 24.000 tỷ đồng; Agribank cũng ước tính lãi khoảng 25.300 - 25.400 tỷ trong năm...
Ngoài ra, một số cái tên khác cũng dự kiến lãi trên 1.000 tỷ đồng, như: VPBank, SHB và HDBank.
Dù vậy, bức tranh ngân hàng năm 2023 không chỉ gam màu sáng, mà đã có sự phân hóa mạnh, không ít ngân hàng dù lợi nhuận cao nhưng vẫn đi lùi so với năm trước đó. Đơn cử như Techcombank, lợi nhuận cả năm đã giảm 10% so với năm 2022.
Hay TPBank cũng ghi nhận lãi trước thuế giảm tới 67% trong quý IV và giảm 29% trong cả năm 2023, chỉ còn 5.590 tỷ đồng. PGBank lỗ 5 tỷ đồng trong quý IV và cả năm lợi nhuận cũng sụt giảm 30%.
Các ngân hàng sụt giảm lợi nhuận mạnh nhất đến thời điểm này là: BVBank giảm tới 84% lãi, chỉ còn hơn 71 tỷ đồng cả năm 2023; ABBank giảm gần 70%, còn 513 tỷ đồng. NCB tiếp tục ghi nhận lỗ 436 tỷ đồng trong quý IV và 666 tỷ đồng cả năm 2023.
Nợ xấu tăng, áp lực trích lập dự phòng lớn
Theo lý giải chung của các nhà băng, lợi nhuận năm 2023 không như mong đợi chủ yếu do tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp chưa ổn định và chưa có nhiều khởi sắc. Cùng với đó, các ngân hàng thực hiện nhiều chính sách ưu đãi về lãi suất và thực hiện các biện pháp giảm lãi, giảm phí hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân.
Đối với NCB, trong quý cuối cùng của năm thu nhập lãi thuần ghi nhận lỗ hơn 20 tỷ đồng. Ngân hàng cho biết, khó khăn chung của nền kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình hoạt động của khách hàng NCB. Đồng thời, lãi suất tiền gửi năm 2023 tăng cao so với năm 2022, đặc biệt là các khoản tiền gửi khách hàng có lãi suất huy động cao giai đoạn trước 30/9/2023 đã ảnh hưởng đến chi phí lãi của ngân hàng.
Tại ABBank, đại diện ngân hàng này thừa nhận kết quả kinh doanh năm 2023 không như mong đợi phản ánh hai thực tế: Một là sự khó khăn của thị trường đã ảnh hưởng sâu rộng tới hệ thống tài chính ngân hàng; Hai là bộ máy tổ chức và cơ chế hoạt động của ABBank chưa hiệu quả khiến kết quả kinh doanh chưa tương xứng với tiềm năng...
Khó khăn chung của nền kinh tế cũng khiến nợ xấu các ngân hàng có xu hướng tăng mạnh, từ đó gia tăng áp lực trích lập dự phòng rủi ro.
Tại Techcombank, nợ xấu tăng gần gấp đôi về giá trị tuyệt đối, từ mức 3.032 tỷ đồng lên mức gần 6.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu tăng tương ứng từ mức 0,74% lên 1,19%.
Theo đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh từ 691 tỷ đồng quý IV năm 2022 lên 1.634 tỷ đồng quý IV/2023. Tính chung cả năm Techcombank đã phải dành ra 3.921 tỷ đồng để dự phòng rủi ro, tăng hơn gấp đôi so với con số 1.936 tỷ đồng năm 2022.
Còn tại TPBank, tổng nợ xấu tại ngày 31/12/2023 ghi nhận hơn 4.200 tỷ đồng, gấp 3 lần đầu năm, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ mức 0,84% đầu năm lên 2,05%.
Ngân hàng đã phải dùng tới 1.970 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng trong quý IV, gấp 17 lần cùng kỳ năm trước, tương đương tăng 1.855 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, Ngân hàng phải trích lập 3.946 tỷ đồng, gấp 2,1 lần năm trước.
VIB năm 2023 cũng tăng cường trích lập dự phòng với mức trích lập gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước, dù nợ xấu giảm nhẹ xuống mức 2,2%.
MSB cũng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro lên mức 1.647 tỷ đồng, tăng 244% so với năm 2022 trong bối cảnh tổng nợ xấu tính đến cuối năm của ngân hàng này ghi nhận 4.280 tỷ đồng, cao gấp đôi đầu năm.
Nhiều nhà băng cũng ghi nhận nợ xấu tăng mạnh, như BaoViet Bank 1.654 tỷ đồng, tăng 49% so với đầu năm; BacABank gần 916 tỷ đồng, tăng đến 78% so với đầu năm; PGBank 906 tỷ đồng, tăng 22%; NCB 16.470 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận