Hé lộ bức tranh lợi nhuận ngân hàng năm 2021
Trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nói chung, kết quả kinh doanh sơ bộ từ báo cáo tài chính chưa kiểm toán cho thấy nhiều ngân hàng ghi nhận lãi lớn trong năm qua.
Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, Vietcombank vẫn tiếp dẫn đầu về quy mô lợi nhuận với con số lãi trước thuế đạt 27.376 tỉ đồng, tăng 19%. Ngân hàng BIDV cũng phá kỷ lục về số lãi với 13.602 tỉ đồng, tăng đến 51%.
Nhà băng dẫn đầu ở nhóm ngân hàng tư nhân là Techombank, với lãi trước thuế đã xấp xỉ mức 1 tỉ đô la Mỹ, tương ứng 23.238 tỉ đồng, tăng đến 47% so với cùng kỳ.
Tại VPBank, khoản lợi nhuận từ việc bán công ty tài chính tiêu dùng FE Credit cho nhà đầu tư ngoại cũng giúp ngân hàng báo lãi lớn, mang về 20.352 tỉ đồng. Tính chung, hoạt động đầu tư và thoái vốn tại công ty con đóng góp 24.000 tỉ đồng lợi nhuận.
Tuy nhiên, kết quả lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPBank đạt 14.580 tỉ đồng, tăng 12% nhưng chỉ tương đương 88% kế hoạch, do thị trường cho vay tiêu dùng trong năm qua bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.
Dù vậy, nếu chỉ xét riêng con số của ngân hàng mẹ thì lợi nhuận trước thuế lại tăng hơn 4 lần so với năm 2020. Trong đó, lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng mẹ là gần 14.011 tỉ đồng, tăng 50,6%.
Trong năm 2021, kết quả kinh doanh sơ bộ ở nhiều ngân hàng tư nhân khác cũng ở mức rất cao. Chẳng hạn như lợi nhuận trước thuế của MB tăng 55%, LienVietPostBank tăng 50%, VIB tăng 38%, ACB tăng 25%, OCB tăng 25%.
Ở nhóm ngân hàng quy mô nhỏ hơn, lợi nhuận cũng tăng mạnh. Chẳng hạn MSB báo lãi trước thuế tăng gấp đôi, SeaBank báo tăng 89%. Ngân hàng Bản Việt báo lợi nhuận đạt 311 tỉ đồng, vượt 7% kế hoạch.
Dù vậy, bức tranh lợi nhuận cũng có những ngân hàng tăng trưởng chậm lại, thậm chí tăng trưởng âm. Chẳng hạn như ở Vietinbank, lợi nhuận trước thuế lũy kế cả năm 2021 đạt 17.589 tỉ đồng, tăng 2,7% so với năm trước. Con số ở Eximbank khoảng 1.205 tỉ đồng, giảm khoảng 10%. Ngân hàng Quốc Dân lợi nhuận cả năm chỉ đạt 4 tỉ đồng, giảm 50% so với năm trước đó.
Theo đại diện Vietinbank, lý do tăng trưởng chậm lại là vì tín dụng trong năm ngoái tiếp tục tăng trưởng ở mức vừa phải do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong khi đó ngân hàng tiếp tục duy trì chính sách không nới lỏng các điều kiện tín dụng để kiểm soát chặt chẽ rủi ro.
Trong năm ngoái, tín dụng ở nhiều ngân hàng sơ bộ tăng mạnh. Chẳng hạn như Techcombank, dư nợ tăng 22,1% so với cuối năm 2020, theo đúng hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân, tăng 45,5%, còn khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng doanh nghiệp lớn (bao gồm cho vay và trái phiếu doanh nghiệp) tăng 16,6%.
Tại Ngân hàng MSB, tín dụng tăng trưởng trên 20% theo chỉ tiêu. Ở VPBank, tăng trưởng tín dụng ngân hàng mẹ đạt tới 20,2%, còn dư nợ tín dụng hợp nhất tăng 18,9%.
Nhờ tín dụng tăng trưởng tốt, thu nhập lãi thuần của các ngân hàng cũng tăng mạnh. Kết hợp với nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, đã đóng góp lớn vào thu nhập cuối cùng.
Theo đại diện Ngân hàng Bản Việt, đóng góp chính vào việc hoàn thành lợi nhuận đến từ sự tăng trưởng về quy mô tài sản và tăng trưởng quy mô tín dụng, thu nhập từ xử lý nợ và quản lý chặt chẽ chi phí hoạt động của ngân hàng.
Cắt giảm chi phí cũng là lý do chủ yếu mà nhiều nhà băng đưa ra để lý giải cho kết quả kinh doanh đạt mức cao. Theo VPBank, chi phí hoạt động trong năm qua thậm chí đã giảm xấp xỉ 6% so với một năm trước. Chỉ số CIR (chi phí trên thu nhập) giảm từ 29,2% cuối năm 2020 xuống 24,2% cuối năm 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận