24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Kim Liên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hé lộ bất ngờ về BMS - Công ty thổi giá thiết bị ở Bệnh viện Bạch Mai

Sau khi Phạm Đức Tuấn bị khởi tố, bắt giam, vào ngày 3/9/2020, Công ty BMS có quyết định bổ nhiệm bà Phạm Thị Thanh Thủy (chị ruột Phạm Đức Tuấn) giữ chức vụ Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.

Ngày 8/9, nguồn tin của Nhadautu.vn cho hay, Cơ quan CSĐT (C03) Bộ Công an đang điều tra mở rộng vụ án, Công ty Cổ phần Công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và Công ty Cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (Công ty VFS) có thủ đoạn gian dối, câu kết hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai, nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của người bệnh.

Cơ quan tố tụng còn mở rộng điều tra liên doanh liên kết trong đấu thầu thiết bị y tế, có dấu hiệu "quân xanh quân đỏ" do Phạm Đức Tuấn và người thân quản lý doanh nghiệp.

Doanh thu hàng trăm tỷ đóng thuế hơn 100 triệu đồng

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Công ty BMS được thành lập vào năm 2005. Tuy nhiên, tại ngày 16/6/2020, công ty này đã được đổi tên thành Công ty Cổ phần Năng lượng và Giá trị Cuộc sống, trụ sở đặt tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

BMS đăng ký kinh doanh 26 ngành nghề, với đủ các thể loại như: Bán buôn máy móc, sửa chữa thiết bị điện tử, sản xuất thiết bị y tế, bán lẻ thuốc, đại lý đấu giá hàng hóa, bán lẻ ô tô, sản xuất điện,….

Ban đầu, Chủ tịch kiêm đại diện pháp luật tại đây là Phạm Đức Tuấn (sinh năm 1979). Sau khi Tuấn bị khởi tố, bắt giam, vào ngày 3/9/2020, công ty này có quyết định bổ nhiệm bà Phạm Thị Thanh Thủy (chị ruột Phạm Đức Tuấn) giữ chức vụ Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Người ký quyết định này là bà Cao Thị Chuyên (mẹ của Phạm Đức Tuấn và Phạm Thị Thanh Thủy).

Theo dữ liệu của phóng viên, doanh thu của công ty tăng liên tục từ năm 2016 đến nay: cụ thể năm 2016 đạt 505 tỷ, sang năm 2017 tăng lên 685 tỷ và 2 năm gần nhất đạt 733 tỷ và 752 tỷ đồng. Tuy vậy, BMS lại báo cáo mức lợi nhuận thấp đến mức khó tin, chỉ hơn 100 triệu đồng mỗi năm: năm 2016 và 2017 đạt 100 triệu đồng, năm 2018 đạt 130 triệu và 2019 đạt 180 triệu đồng.

Tại thời điểm cuối năm 2019, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của BMS đạt lần lượt là 419 tỷ và 92 tỷ đồng (vốn điều lệ 80 tỷ).

Trên sàn chứng khoán hiện có 2 doanh nghiệp kinh doanh thiết bị y tế, liên kết đầu tư với bệnh viện tương tự BMS là CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) và CTCP Sản xuất kinh doanh dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ (AMV).

JVC từng có kết quả kinh doanh rất tốt cho đến khi xảy ra biến cố với cựu chủ tịch HĐQT Lê Văn Hướng. Trong khi đó, AMV sau khi được tái cấu trúc hướng vào hoạt động kinh doanh thiết bị y tế 2 năm gần đây đã ghi nhận kết quả rất ấn tượng.

Năm 2018, AMV ghi nhận 461 tỷ doanh thu và 219 tỷ lợi nhuận; con số tương ứng của năm 2019 là 518 tỷ và 223 tỷ - tức tỷ suất lợi nhuận ròng lên đến 40-50%.

Công ty gia đình bao sân thiết bị y tế

Ngoài BMS, doanh nhân sinh năm 1979 Phạm Đức Tuấn còn sở hữu ba công ty khác là Công ty TNHH Enegry and Life Value (viết tắt E&LV), CTCP Đầu tư Tuấn Ngọc Minh (viết tắt Tuan Ngoc Minh JSC) và CTCP Khoa học Công nghệ mới BMS (viết tắt BMS New). E&LV được thành lập vào tháng 3 vừa qua, đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất vật tư y tế với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, giám đốc là ông Phạm Đức Tuấn.

Còn BMS New chỉ mới được thành lập vào ngày 15/7/2020 hoạt động chủ yếu trong mảng bán buôn máy móc. Công ty này có số vốn 80 tỷ đồng, cổ đông sáng lập gồm: Cao Thị Chuyên (nắm 36,8% VĐL), Phạm Đức Tuấn (nắm 62,5% VĐL) và Phạm Hồng Nghĩa (0,625%). Trong đó ông Phạm Hồng Nghĩa chính là bố ruột của Phạm Đức Tuấn và ngoài BMS New, ông Nghĩa còn là Giám đốc của CTCP Y tế Thành Ân (vốn điều lệ 11 tỷ đồng).

Riêng đối với Tuan Ngoc Minh JSC, công ty này ra đời vào cuối năm 2008, trụ sở đặt tại quận Tây Hồ, Hà Nội. Vốn điều lệ ban đầu của công ty này đạt 1,5 tỷ đồng, cổ đông sáng lập gồm: Cao Thị Chuyên (mẹ Phạm Đức Tuấn, nắm giữ 16,67% vốn điều lệ), Phạm Đức Tuấn (66,67%) và Phạm Hồng Nghĩa (16,67%).

Tại ngày 26/11/2018, vốn điều lệ công ty này đã ở mức 50 tỷ đồng, Giám đốc kiêm đại diện pháp luật là ông Phạm Đức Tuấn.

Liên quan đến hệ sinh thái của nhóm doanh nghiệp này còn có Công ty TNHH Trang thiết bị Y tế BMS. Công ty này có trụ sở đặt tại quận 10, TP.HCM. Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật tại đây là bà Phạm Thị Thanh Thủy.

Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, bắt đầu từ tháng 7/2012, Y tế BMS đã tiến hành đăng ký đảm bảo tài sản tại nhiều nhà băng lớn, lần gần nhất là ngày 28/8/2020, công ty này đã thế chấp quyền đòi nợ từ hợp đồng ký kết cho gói thầu mua sắm vật tư của Bệnh viện Nhân dân 115 tại Ngân hàng TMCP Quân đội chi nhánh Sài Gòn.

Thổi giá thiết bị từ 7,4 tỷ lên 39 tỷ

Trước đó, ngày, 1/9, C03 đã khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty BMS và các đơn vị có liên quan.

Đồng thời, C03 ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Đức Tuấn (SN 1979), Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty BMS và Ngô Thị Thu Huyền (SN 1983), Phó Giám đốc Công ty BMS; quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Lê Hoàng (SN 1978), Thẩm định viên Công ty VFS.

Các bị can nêu trên đều bị khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tối 4/9, trả lời báo chí tại cuộc họp chí thường kỳ Chính phủ, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng - Người phát ngôn của cho hay kết quả điều tra bước đầu C03 xác định một số cá nhân ở Công ty BMS và Công ty VFS có hành vi câu kết nâng khống giá trị hệ thống thiết bị y tế, chiếm đoạt tiền của người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Cụ thể, trong quá trình lắp đặt hệ thống robot hỗ trợ thần kinh, theo tờ khai hải quan ghi nhận nhập khẩu hệ thống robot hỗ trợ thần kinh có giá trị khoảng 7,4 tỷ đồng, bao gồm cả VAT.

Tuy nhiên, các đối tượng này đã câu kết với nhau nâng giá của hệ thống lên 39 tỷ đồng, được hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý, đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai.

"Giá của hệ thống robot là 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao máy 1 ca bệnh là hơn 4 triệu đồng. Với giá họ khai là 39 tỷ đồng thì người bệnh phải chi trả chi phí khấu hao máy là 23 triệu đồng/ca", Thiếu tướng Xô nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tô Ân Xô, trong các năm từ 2017-2019, Bệnh viện Bạch Mai đã thanh toán 550 ca, số tiền chênh lệch được các đối tượng hưởng lợi là trên 10 tỷ đồng. Hiện nay, C03, đang tập trung điều tra, làm rõ các hành vi vi phạm của các bị can, mở rộng điều tra tìm ra sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả