menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Thúy Hiền

Hậu hội nhập và bài toán lựa chọn ngành nghề có lợi thế

Dù đã chủ động nâng cao nội lực trong nhiều năm qua, song đứng trước những chính sách bảo hộ cũng như sự hỗ trợ tối đa cho ngành mía đường của Chính phủ các nước ASEAN, toàn bộ mắt xích trong chuỗi sản xuất mía đường Việt Nam đã, đang và sẽ đứng trước nguy cơ gặp khó khăn sau hội nhập...

Câu chuyện đang xảy ra với ngành mía đường cho thấy, cùng với hội nhập, nhiều ngành hàng đang phải cạnh tranh không cân sức với sản phẩm nước ngoài thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam.

Rà soát tổng thể, tìm ngành hàng cạnh tranh

Ông Nguyễn Văn Lộc - nguyên TGĐ Công ty Đường Biên Hoà cho biết, lịch sử đã chứng kiến “cái chết” của ngành đường ở một số quốc gia, tiêu biểu nhất là Cuba những năm 1980-1990. Giai đoạn đó, Cuba xuất khẩu tới 8 triệu tấn đường/năm, và mía đường là ngành xương sống của quốc gia này. Tuy nhiên sau khi mở cửa và nếm phải đòn hội nhập, ngành mía đường của Cuba đã “chết” tức tưởi. Mặc dù những năm đó kim ngạch xuất khẩu đường của Cuba chiếm tới 20% tổng lượng đường xuất khẩu trên toàn thế giới, song đến nay đường sản xuất trong nước lại không đủ ăn.

Ông Lộc cho biết thêm, đòn đánh trong trường hợp này cũng tương tự với những gì mà ngành mía đường Việt Nam đang và sẽ phải nếm trải sau khi ATIGA có hiệu lực, đó là giá đường trên thị trường quốc tế thấp hơn giá thành sản xuất, khiến ngành mía đường Cuba chỉ cầm cự được 2 năm rồi ngậm ngùi đóng cửa.

Có chung nỗi lo này, TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế cho biết, trong quá trình hội nhập, 4 ngành hàng mà chúng ta vương vấn nhất chính là mía đường, chăn nuôi, thép và ôtô. Mặc dù cho rằng, đây không phải là lúc lật lại vấn đề chủ trương mở cửa hội nhập là đúng hay sai, bởi nếu không có mở cửa hội nhập, Việt Nam không thể đạt được các thành tựu phát triển như hiện nay; song theo ông Thành các ngành hàng cần phải có chương trình rà soát tổng thể để đong đếm lợi ích và tác động bất lợi.

Ví như với ngành mía đường, phải hướng tới việc trong vòng 3 - 6 tháng tới chúng ta sẽ phải làm gì? Cùng với đó, cần đánh giá lại năng lực cạnh tranh của ngành mía đường trong bối cảnh cạnh tranh chung cũng như với tương quan giữa các ngành hàng khác mà Việt Nam có lợi thế.

Ông Thành phân tích, các điều khoản đàm phán khó khăn và kéo dài nhất trong hội nhập về cơ bản là để giải quyết vấn đề của người nông dân. Vì vậy, câu hỏi lớn nhất cần đặt ra trong trường hợp này là liệu trong tương lai lâu dài chúng ta có giải quyết vấn đề của nông dân bằng mía đường hay không? Nếu từ mía đường thì làm thế nào để người nông dân có thể sống và phát triển bằng ngành này? Còn nếu chúng ta không làm được tất cả những điều đó thì phải điều chỉnh và chuyển hướng.

Chỉ ra ngành hàng mà Việt Nam bảo vệ kiên quyết nhất chính là mía đường trong quá trình đàm phán các FTA, TS. Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, khi trở về từ bàn đàm phán, nhiều quốc gia cho rằng nông nghiệp Việt Nam sẽ không đứng vững nhưng ngược lại, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu nông sản hàng đầu.

Ngành chăn nuôi và mía đường đã thay đổi quyết liệt, với sự tham gia của nhiều DN, trong đó có cả DN FDI. Vì vậy đòi hỏi kéo dài thời gian bảo vệ đối với ngành mía đường lúc này là không hợp lý. Tuy nhiên ông Sơn cũng cho rằng về phía Nhà nước, chính sách đưa ra thì tốt nhưng thực hiện lại chậm, vô hình trung đã gây ra khó khăn đối với ngành mía đường nói riêng và các ngành sản xuất nông nghiệp nói chung.

Tự cứu mình trước khi Nhà nước cứu

Theo các chuyên gia, câu chuyện với ngành mía đường đặt ra nhiều vấn đề hậu hội nhập cần tính toán ngay từ bây giờ. Giải pháp lúc này là Nhà nước có cơ chế lựa chọn ngành nghề để hỗ trợ hay buộc phải cơ cấu lại, loại ra khỏi cuộc chơi những ngành nghề mà Việt Nam không đủ sức cạnh tranh?

TS. Võ Trí Thành chia sẻ quan điểm, trong 1 năm hay 6 tháng tới, ngành mía đường phải tự mình cứu mình là chính, trước khi tính đến câu chuyện đàm phán lại. Để làm điều đó, chậm nhất trong 3 tháng tới các DN ngành này phải chỉ ra được khó khăn thực sự của ngành mía đường để cứu ngay lập tức.

“Nhà máy nào chết và nguyên nhân của cái chết ấy nằm ở đâu? Chết vì nhập khẩu theo hạn ngạch hay vì nhập lậu? Nếu nhập lậu thì chúng ta có giải pháp hay không? Nghiên cứu này cần thiết để cứu khó cho ngành mía đường trong bối cảnh hiện nay và cũng là cái để đặt lên bàn nếu phải tiến tới phương án đàm phán lại”, ông Thành khuyến nghị.

Đồng thời, ông Thành cho rằng cần phải rà soát lại các quyền hỗ trợ hiện nay của chúng ta dành cho ngành nông nghiệp, dành cho người nông dân. Nếu người nông dân sống ở các vùng sâu, vùng xa, điều kiện khó khăn, chúng ta có quyền hỗ trợ chi phí vận tải; hoặc hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ là loại hỗ trợ được sử dụng thoải mái mà không vi phạm cam kết hội nhập... Trong trường hợp phải tiến tới đàm phán lại, ông Thành cho rằng đây không phải là vấn đề mới. Trước đây chúng ta cũng từng có tiền lệ với ngành ô tô. Vì vậy, Bộ Công thương cần nghiên cứu lại để từ đó có những chuẩn bị cho việc đàm phán lại nếu cần thiết.

TS. Đặng Kim Sơn cũng nhấn mạnh rằng ngành mía đường cần phải tự cứu mình. Trước mắt, theo ông Sơn, cần giải quyết khó khăn của nông dân, cứu nông dân trước, rồi sau đó hỗ trợ doanh nghiệp sau. Còn để đặt vấn đề khởi kiện, chúng ta phải chờ khi thực thi FTA, có nhập khẩu thì mới có bằng chứng về tác động bất lợi tới ngành sản xuất trong nước. Như vậy sẽ phải mất vài năm mới chứng minh được chuyện phá giá, vi phạm luật chơi.

TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, những diễn biến thực tế đối với ngành mía đường cho thấy, từ các chương trình hành động của cơ quan quản lý Nhà nước tới cuộc sống còn độ trễ. Vì vậy, mặc dù tính toán về tác động của hội nhập trên khía cạnh con số là rất đúng, nhưng áp dụng thực tế vào một ngành hàng lại rất khác.

Vì vậy, ông Kiên cho rằng cần sớm rà soát lại về tác động của hội nhập đối với các ngành hàng quan trọng của Việt nam để nắm bắt tình hình, nghiên cứu, căn cứ vào đó khuyến nghị cho cơ quan quản lý Nhà nước về các chính sách phát triển phù hợp.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả