Hanoimilk gian nan vượt khó
Trong khi các doanh nghiệp cùng ngành như Vinamilk, Nutifood, TH Truemilk…“ăn lên làm ra”, CTCP Sữa Hà Nội (Hanoimilk- HNM) lại đang đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Hanoimilk từng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu ngành sữa Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2008 “cơn bão melamine” tràn vào Việt Nam, đã khiến Hanoimilk rơi vào vòng xoáy khó khăn cho đến nay.
Dự báo tốc độ tăng trưởng từng ngành hàng
Áp lực nợ vay đè nặng
Sau giai đoạn có lãi 2011-2016, những tưởng Hanoimilk phục hồi trở lại, nhưng lại thua lỗ hơn 18 tỷ đồng năm 2017, đến năm 2018 chỉ lãi gần 1,2 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính quý 1/2019, doanh thu thuần đạt hơn 40,4 tỷ đồng, tăng hơn 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán cao, chi phí tài chính và chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp lớn, nên Hanoimilk chỉ lãi ròng hơn 166 triệu đồng.
Áp lực trả nợ của Hanoimilk rất lớn khi nợ phải trả lên tới gần 320 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ 185 tỷ đồng. Theo đó, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức hơn 172%.
Hanoimilk đang vay ngắn hạn 179 tỷ đồng, trong đó 26,3 tỷ đồng tại BIDV – CN Tây Hà Nội; 8 tỷ đồng tại Ngân hàng liên doanh Việt Nga – Sở Giao dịch; gần 40 tỷ đồng tại Vietcombank và gần 105 tỷ đồng còn lại là vay các cá nhân.
Hiện tại, cổ phiếu HNM của Hanoimilk đang nằm trong diện bị kiểm soát đặc biệt từ UBCK và chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần, do Hanoimilk chậm trễ công bố thông tin báo cáo tài chính.
Nhiều dự án nằm đợi vốn
Không chỉ đối mặt với “cơn bão melamine”, đầu tư dàn trải cũng khiến cho doanh nghiệp này sa lầy vào nợ nần. Hanoimilk từng đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực như bất động sản, ô tô, siêu thị, chứng khoán,…
Để cứu vãn tình hình khó khăn, Hanoimilk đã đầu tư dự án đổi mới công nghệ, tăng công suất Nhà máy sản xuất sữa chua với tổng mức đầu tư dự kiến 349 tỷ đồng, nhằm tăng công suất sản xuất sữa chua lên mức 320 tấn/ngày để phục vụ nhu cầu trong nước. Ngoài ra, Hanoimilk cũng lên kế hoạch đầu tư 313 tỷ đồng vào dự án đổi mới công nghệ, tăng công suất Nhà máy sản xuất sữa UHT, tăng công suất mặt hàng này lên mức 300 tấn/ngày để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
166
triệu đồng là tổng lợi nhuận sau thuế quý 1/2019 của Hanoimilk, nhưng vẫn tăng tới hơn 61% so với cùng kỳ 2018.
Ngoài ra, Hanoimilk đã đầu tư hơn 72 tỷ đồng để thực hiện dự án trồng cỏ nuôi bò tự nhiên tại Mê Linh, Hà Nội, với mục đích tạo nguồn sữa cho hoạt động của các nhà máy.
Về nguồn vốn thực hiện các dự án này, bên cạnh nguồn vốn tự có và vay vốn ngân hàng, Hanoimilk đã lên kế hoạch phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi theo hình thức phát hành riêng lẻ để thực hiện các dự án đầu tư. Tuy nhiên, giá cổ phiếu giảm quá thấp, chỉ hơn 3.000đ/cp và Hanoimilk bị lỗ ròng năm 2017, nên kế hoạch này phải gia hạn sang năm 2019-2020. Điều này dẫn tới các dự án của Hanoimilk phải nằm đợi vốn.
Gỡ khó cách nào?
Trao đổi với DĐDN, ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT Hanoimilk vẫn đặt niềm tin vào sự phát triển của doanh nghiệp, nhất là những tài sản, công nghệ mà Hanoimilk đang sở hữu. “Điều cần nhất của Hanoimilk lúc này là có nhà đầu tư chiến lược song hành để vực dậy tình hình kinh doanh bết bát của công ty”, ông Hà Quang Tuấn cho biết.
Các chuyên gia tài chính cũng cho rằng, trong bối cảnh của Hanoimilk hiện tại, giải bài toán về tài chính vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu, nhưng để tìm kiếm được một nhà đầu tư chiến lược song hành cùng Hanoimilk trong lúc này không phải là một chuyện dễ dàng.
Trong khi đó, áp lực cạnh tranh trên thị trường sữa Việt cũng rất khốc liệt, “miếng bánh” thị phần đang chủ yếu thuộc về các ông lớn, như Vinamilk tiếp tục dẫn đầu với khoảng gần 60% thị phần, TH true Milk cũng đặt mục tiêu chiếm 50% thị trường sữa tươi vào 2020…
Do vậy, các chuyên gia tài chính nhấn mạnh rằng, lúc này Hanoimilk nên cơ cấu lại nợ vay, thay vì đầu tư dàn trải. Và ĐHCĐ lần thứ 18 này, Ban Lãnh đạo Hanoimilk chắc hẳn cũng phải "đau đầu" với việc giải trình về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này, cũng như đưa ra các giải pháp giúp Hanoimilk vượt qua khó khăn hiện nay.
Thách thức với ngành sữa Việt Theo Hiệp hội sữa Việt Nam, hiện nay, năng suất sữa của Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á, trung bình cả nước trên 5,1 tấn/chu kỳ, trong khi Thái Lan 3,2 tấn/chu kỳ, Indonesia 3,1 tấn/chu kỳ, Trung Quốc 3,4 tấn/chu kỳ. Điều này cho thấy ngành chế biến và sản xuất sữa và các sản phẩm từ sữa hoàn toàn có thể cạnh tranh và xuất khẩu khả quan ở khu vực Đông Nam Á. Một trong những lợi thế phát triển của ngành công nghiệp sữa Việt Nam là số lượng đàn bò sữa và sản lượng sữa tươi cung cấp tiếp tục tăng trưởng ở mức ấn tượng trong những năm trở lại đây. Số lượng bò sữa trong năm 2018 gấp 1,2 lần so với năm 2016 và dự kiến đạt mức 500.000 con vào năm 2020. Hiện tại, mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở Việt Nam còn thấp, chỉ khoảng 17 lít/người/năm, chưa bằng một nửa so với Thái Lan, 1/3 so với Singapore và kém xa mức tiêu thụ sữa của nhiều nước châu Âu. Với nhu cầu tiêu thụ sữa ngày càng gia tăng, mức tiêu thụ sữa bình quân được dự báo sẽ đạt mức 28 lít/người/năm vào năm 2020. Đây sẽ là dư địa tăng trưởng cho các doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước. Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) cảnh báo, trong các năm tới, do thuế giảm, kim ngạch nhập khẩu sữa của Việt Nam sẽ tăng mạnh. Người tiêu dùng có cơ hội sử dụng sữa ngoại giá rẻ hơn, nhưng các doanh nghiệp sữa trong nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp ngoại ngay trên sân nhà. Thậm chí, nếu không có chiến lược kinh doanh hiệu quả, rất có thể các doanh nghiệp sữa nội địa sẽ mất dần thị phần của mình. “Các doanh nghiệp sữa nội địa cần cải thiện chất lượng nguyên liệu, giảm thiểu chi phí sản xuất, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, nâng cao tiềm lực tài chính và uy tín thương hiệu cũng như sự kết nối trong ngành…”, BCSI nhấn mạnh. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận