24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
My Lăng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hành trình của doanh nghiệp tư nhân Việt: Từ số 0 tròn trĩnh tới bước nhảy vọt

Việt Nam đang dần có nhiều hơn các doanh nghiệp bài bản, có vị thế trên thị trường. Câu hỏi đặt ra lúc này là, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ thế nào trong giai đoạn tới?...

Đối với nhiều chuyên gia kinh tế, hành trình của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là hành trình đi lên từ "không" đến "có", sau rất nhiều lần vấp ngã để tạo thành thế "kiềng ba chân".

Gắn bó với nền kinh tế từ thời Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty của những năm 1990, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, doanh nghiệp tư nhân Việt dù phải trải qua nhiều sai lầm, đổ vỡ, mất mát và cả trả giá, song các nhà tiên phong vẫn liên tục xuất hiện, tìm tòi, đột phá và không ít trong số đó vẫn tồn tại vững mạnh cho đến bây giờ.

Từ số 0 tròn trĩnh

Số 0 "tròn trĩnh" là hình ảnh đầu tiên mà TS.Cung nghĩ tới đầu tiên khi nói về khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam cách đây hơn 30 năm. Khái niệm này, theo ông, chỉ mới xuất hiện và tồn tại khi bước vào thời kỳ đổi mới với chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần.

Một số 0 tương tự cũng được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan liên tưởng khi nhìn lại khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt những ngày đầu. "Bởi sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khu vực này vẫn không được thừa nhận tồn tại. Chỉ khi bước vào thời kỳ đổi mới, kinh tế tư nhân mới được người ta nhắc đến", bà nói.

Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy, chỉ 5 năm sau đổi mới, khu vực tư nhân đã cho thấy sự năng động vượt trội. Đó là tốc độ phát triển bình quân hằng năm của khu vực ngoài nhà nước là 6,2%, trong khi khu vực nhà nước chỉ đạt 1,9%. Tỷ trọng kinh tế nhà nước là 31,8%, ngoài nhà nước là 64,6%, đầu tư nước ngoài là 3,6%. Mặc dù vậy, số lượng doanh nghiệp tư nhân trong thời kỳ đầu vẫn ở mức khá khiêm tốn khi người dân vẫn còn dè dặt trong thành lập doanh nghiệp khi vẫn còn nhiều rào cản trong nền kinh tế.

Chỉ đến khi Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty được ban hành vào năm 1990, bước ngoặt trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam mới thực sự được tạo ra. Tới năm 1996 tổng cộng đã có khoảng 21.000 doanh nghiệp tư nhân, 9.000 công ty trách nhiệm hữu hạn, 210 công ty cổ phần được thành lập, một con số rất ấn tượng. Trong khi đó, số hộ kinh doanh gia đình cũng tăng từ 840.000 hộ năm 1990 lên 2,2 triệu hộ vào đầu năm 1996.

Tuy vậy, bước nhảy vọt trong tư duy của lãnh đạo Nhà nước với việc ban hành Luật Doanh nghiệp 1999 mới thực sự tạo ra "làn sóng" doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam cho tới ngày nay. "Năm 1999, Luật Doanh nghiệp được Quốc hội thông qua và đi vào thực hiện 1 năm sau đó đã thay đổi gần như bộ mặt của kinh tế tư nhân Việt Nam", bà Lan nhận định.

Từ năm 2000 trở đi, mỗi năm có từ 20.000 doanh nghiệp, rồi tăng thành 25.000 – 30.000 doanh nghiệp ra đời và dần lên đến khoảng 100.000 doanh nghiệp vào năm 2015 khi Luật Doanh nghiệp 2014 được ban hành và thực thi. Đặc biệt, vào các năm 2016, 2017 và 2018, số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục lên cao và thiết lập các kỷ lục mới 110.000, 126.000 và 131.100 doanh nghiệp đã tạo ra một nguồn "nhiệt lượng" đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam.

Quá trình phát triển của doanh nghiệp cũng đồng thời gắn với quá trình hội nhập đất nước. Luật Doanh nghiệp năm 1999 ra đời cũng giúp Việt Nam vừa kịp bắt nhịp với Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA). Từ đây, doanh nghiệp Việt đã lao ra bên ngoài để tìm kiếm cơ hội. "Theo dòng chảy đó, kinh tế tư nhân đã dần khẳng định được mình. Từ việc không được thừa nhận, đến "bán" thừa nhận ở những ngày đầu, đến nay, khu vực này được nhấn mạnh là động lực quan trọng của nền kinh tế", bà Lan nhận định.

Đến sự trỗi dậy mạnh mẽ

Dòng chảy phát triển của khu vực tư nhân qua mỗi thời kỳ đều gắn chặt với nhiều tên tuổi. Nếu như thời kỳ đầu, người ta nhắc đến kem đánh răng Dạ Lan, giày dép Biti"s, nước rửa chén Mỹ Hảo, bánh Kinh Đô... thì hiện giờ, đó là những cái tên như Vietjet Air, VinGroup, FPT, TH True Milk, VPBank, Trung Nguyên... Sự lớn mạnh của những doanh nghiệp này đã góp phần đưa Việt Nam "tăng tốc" trên bản đồ kinh tế thế giới.

Số liệu thống kê cho thấy, kinh tế tư nhân là thành phần chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP trong suốt giai đoạn 1995 - 2017, dao động từ 38 - 43%. Tuy nhiên trong những năm gần đây tỷ trọng có xu hướng giảm, từ 43% (1995), 39% (2010) và 38% (2017).

Nguyên nhân do sự sụt giảm của khu vực cơ sở kinh tế cá thể, nhưng ngược lại tỷ trọng của khu vực doanh nghiệp thuộc tư nhân tăng 7,4% (1995) lên 9% (2005), giảm còn 7,9% (2015) rồi tăng trở lại lên 8,64% (2017). Trong khi đó, kinh tế tập thể có sự giảm mạnh từ 10% (1995) xuống 8,6% (2000), 4% (2010) và 3,8% (2017).

Nhưng vấn đề, theo ông Cung, là ngoài sự đóng góp vào tăng trưởng GDP của Việt Nam, sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân với các tên tuổi lớn đã tạo ra thế đối trọng, thế "kiềng ba chân" với khu vực doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp FDI, giúp gia tăng cạnh tranh lành mạnh trong các ngành nghề.

"Chẳng hạn, sự có mặt của Vietjet Air đã làm thị trường hàng không Việt Nam năng động hơn, rồi sự góp mặt của Tập đoàn VinGroup vào thị trường bất động sản cạnh tranh ở phân khúc hạng sang. Mới đây là sự đổ bộ của hệ thống ngân hàng tư nhân như VPBank, HDbank, Techcombank... đã làm "bức tranh" mới nổi của khu vực kinh tế tư nhân trở nên sôi động chưa từng thấy", ông Cung nói.

Đã có nhiều ngành nghề mới xuất hiện, trong đó khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò chủ đạo như phần mềm, Internet, bất động sản, sắt thép, cà phê, thực phẩm... Thậm chí, còn vượt qua các khu vực doanh nghiệp nhà nước trong cùng lĩnh vực và tạo được tên tuổi, uy tín trên thị trường như Tập đoàn FPT, Kinh Đô, TH True Milk, Tập đoàn Trung Nguyên...

Việt Nam cũng đã xuất hiện tỷ phú đôla mà điển hình là ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo được Forbes xếp hạng 500 người giàu nhất thế giới. Các thương hiệu của tập đoàn tư nhân như Trường Hải, Vietjet Air, Masan, FPT... đã vượt tầm quốc gia vươn ra thế giới.

Vì thế, theo ông Cung, sự xuất hiện của thành phần kinh tế tư nhân đã chấm dứt chuỗi thời gian "một mình một chợ" của khu vực doanh nghiệp nhà nước trong nhiều năm liền và trong quá trình khu vực kinh tế nhà nước đang tái cấu trúc, cổ phần hóa, thu hẹp dần lĩnh vực hoạt động, khu vực kinh tế tư nhân hay cụ thể là các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn đang có vai trò quan trọng hơn trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian tới.

Kế tiếp sẽ là như thế nào?

Cho đến thời điểm này, các doanh nghiệp tư nhân đã nhiều lần lột xác. Rất nhiều cái tên như kem đánh răng Dạ Hương... đã không còn hiện diện trên thị trường. Sự khắc nghiệt của thị trường, của cạnh tranh và hội nhập đang thực hiện chức năng sàng lọc của nó. Số liệu thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, cùng với kỷ lục số doanh nghiệp thành lập mới thì cũng có một sự gia tăng mạnh mẽ số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và rời bỏ thị trường.

Nhờ đó, Việt Nam đang dần có nhiều hơn các doanh nghiệp bài bản, có vị thế trên thị trường. Câu hỏi đặt ra lúc này là, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ thế nào trong giai đoạn tới?

Theo ông Cung, sẽ rất khó để đoán được doanh nghiệp nào sẽ lên, doanh nghiệp nào sẽ xuống, thậm chí là các doanh nghiệp đang thành công hiện nay sẽ đi tiếp thế nào. Thế nhưng, theo ông, có những yếu tố mang tính quy luật và Việt Nam sẽ không tránh khỏi. "Đó là thể chế nào thì doanh nghiệp sẽ phát triển theo thế ấy".

Để thúc khu vực tư nhân, người đứng đầu CIEM khuyến nghị cần phải tập trung xử lý 5 vấn đề trọng tâm là gánh nặng chi phí và thời gian tuân thủ, rủi ro pháp lý, an toàn trong kinh doanh, cạnh tranh công bằng và quản trị tốt để làm thay đổi động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

"Trong các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ đã chú trọng tạo môi trường nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân. Chắc chắn kinh tế tư nhân sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn và nó sẽ là "đầu kéo" chủ lực của cả nền kinh tế nếu từ nghị quyết đến thực thi được đồng bộ", ông Cung nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả