Hành khách ùn ùn trả vé tàu Tết, đường sắt phải cắt bớt tàu
Đến ngày 4/2, đã có hơn 62.000 vé tàu dịp Tết Nguyên đán khách trả lại, đường sắt thiệt hại hơn 52 tỷ đồng. Do lượng trả vé cao, đường sắt đã phải dừng khai thác một số tàu theo kế hoạch chạy Tết.
Một ngày có gần 16.000 khách đến trả lại vé tàu
Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt nhiều địa phương thực hiện cách ly người về từ các địa phương có dịch bệnh, nên nhiều khách phía Nam đã đến trả lại vé tàu Tết.
Theo lãnh đạo Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, 3 ngày nay, tại các ga Sài Gòn, Biên Hòa, Dĩ An lượng khách (chủ yếu là công nhân trong cá khu công nghiệp, khu chế xuất, sinh viên) đến trả vé ồ ạt do lo ngại dịch Covid-19, không về quê ăn Tết được.
“Tính đến ngày 4/2, đã có 62.373 vé tàu dịp Tết khách trả lại, với số tiền đường sắt hoàn lại hơn 52,8 tỷ đồng. Trong đó, ngày cao điểm là 3/2, khách đã trả lại tới hơn 15.300 vé”, ông Lê Quốc Trung, Phó TGĐ Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết.
Ông Lê Quốc Trung thừa nhận, lượng vé tàu bị khách trả lại tăng đột biến sau khi có ca nhiễm tại tỉnh Bình Dương và đã gây khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp vận tải đường sắt.
“Trước khi bùng phát dịch lần 3, vẫn có khách trả vé, một ngày khoảng 7.000 vé các mác tàu do 2 công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn, Hà Nội quản lý. Tuy nhiên, với việc có ngày cao điểm khách trả hơn 10.000 vé, số tiền phải hoàn cho khách lên đến 13 tỷ đồng, vì thế dẫn đến có thời điểm thiếu tiền cục bộ vì chưa điều tiết kịp”, ông Trung cho hay.
Lãnh đạo Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn thừa nhận, áp lực trả vé dồn dập, tiền bán vé đã trả cho chi phí sản xuất như: phí điều hành, mua nhiên liệu, vật tư, trang thiết bị phục vụ trên tàu...nên trả ngay một lúc sẽ khó khăn.
“Thời điểm khó khăn này, ngành Đường sắt mong khách hàng thông cảm, chia sẻ. Đơn vị nào cũng vậy, chi phí phải bỏ ra cũng đã chi rồi, khách trả vé nhưng tàu vẫn phải chạy vì vẫn có khách đi”, ông Trung nói.
Điều chỉnh, bỏ một số đoàn tàu trong dịp Tết
Thông tin từ Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (VNR), đường sắt bắt đầu thực hiện kế hoạch vận tải cao điểm Têt Nguyên đán từ ngày 1/2, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tới nay các tàu chạy cũng chỉ lấp đầy khoảng 50% số ghế. Do đó, đường sắt quyết định thay đổi hành trình và bỏ 1 số đoàn tàu trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Cụ thể, tàu SE29 xuất phát ga Hà Nội ngày 8/2 sẽ dừng tại ga Vinh (thay vì hành trình tới ga Sài Gòn).
Tạm dừng chạy tàu SE30 xuất phát ga Sài Gòn các ngày 10, 19, 20/2; dừng tàu SE16 xuất phát Sài Gòn các ngày 19, 20/2; dừng tàu SE10 xuất phát ga Sài Gòn các ngày 27, 28/2; dừng tàu SE29 xuất phát Hà Nội các ngày 21, 22/2; dừng tàu SE15 xuất phát Vinh các ngày 20, 21/2.
Hành khách có vé tàu bị tạm dừng sẽ được chuyển vé sang các đoàn tàu khác. Hiện vé tàu đi lại dịp cao điểm Tết Nguyên đán còn rất nhiều, đặc biệt sau khi nhiều hành khách trả lại vé. Những vé khách trả lại này sẽ tiếp tục được đường sắt bán ra cho người có nhu cầu.
Cụ thể, ngày 4/2, tàu trước Tết còn 14.000 vé xuất phát từ ga Sài Gòn, Biên Hòa đi ga Đồng Hới đến ga Hà Nội; sau Tết còn 24.000 vé xuất phát từ ga Hà Nội tới ga Đồng Hới đi ga Biên Hòa và ga Sài Gòn.
Ở khu vực phía Bắc, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó TGĐ Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho hay, do lượng khách giảm, công ty đã phải giảm đôi tàu tuyến Hà Nội - Hải Phòng, tạm dừng tàu khách SP3/SP4 tuyến Hà Nội - Lào Cai.
"Lượng khách trả vé tàu từ Hà Nội đi Vinh, Đồng Hới cũng có nhưng không nhiều. Công ty đang theo dõi sát sao nhu cầu của khách để điều chỉnh phương án chạy tàu phù hợp", bà Hà nói.
Còn phía trong Nam, lãnh đạo Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, ngành Đường sắt đang theo dõi tình hình nhu cầu khách đi tàu, nếu ngày nào vắng quá sẽ bãi bỏ tàu, chuyển chỗ cho hành khách sang tàu khác và thông báo đến hành khách.
“Phải điều chỉnh chạy tàu và cách thức bán vé hợp lý, sát với thực tiễn sao cho vừa đảm bảo quyền lợi của hành khách, doanh nghiệp giảm được chi phí, giảm bớt khó khăn”, Phó TGĐ Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn nói.
Trước tình khách trả lại vé nhiều, ngành Đường sắt phải điều chỉnh quy định đổi, trả vé. Theo đó, hành khách có thể bảo lưu tiền vé để đi bất kỳ mác tàu nào trong năm 2021, nếu không đi thì hết năm 2021 sẽ trả nguyên tiền. Trường hợp khách vẫn muốn trả vé thì phải chịu mức phí đổi, trả theo quy định hiện hành và đường sắt sẽ hoàn tiền vé "chậm" trong vòng 90 ngày.
Lãnh đạo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho rằng, khách trả vé tàu kiểu lỗ chỗ, không phải nguyên đoàn hay nguyên toa mà bỏ chuyến, dồn toa được. Không như máy bay chỉ có 1 điểm đi, 1 điểm đến, tàu hỏa dừng đón, trả khách tại mấy chục ga trên tuyến Bắc - Nam, hành khách đi nhiều cung chặng khác nhau nên rất khó sắp xếp, vẫn phải chạy tàu mà đã chạy là phải chi phí.
“Thực ra giải pháp này chỉ tương đối thôi, cũng là cực chẳng đã. Đây là lần đầu tiên đường sắt phải áp dụng”, lãnh đạo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam nói./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận