Hàng xách tay “lách luật”
Dù đã có chế tài mạnh xử phạt đối tượng kinh doanh hàng xách tay không chứng từ, không khai báo hải quan, nhưng nhiều người vẫn bất chấp, tìm đủ mọi cách “lách luật”.
Từ ngày 15/10/2020, Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực. Theo đó, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000 đồng đến 50 triệu đồng, tùy giá trị hàng hóa nhập lậu; tổ chức vi phạm bị phạt 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Mức xử phạt sẽ tăng lên gấp đôi nếu hàng nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế...
Nghị định 98 được kỳ vọng là “đòn” mạnh trấn áp các đối tượng đang bị lợi dụng kẽ hở của luật pháp thu lợi bất chính từ việc kinh doanh mặt hàng này.
Tuy nhiên, nhiều đối tượng kinh doanh hàng xách tay vẫn “nhờn” luật. Đơn cử như mới đây, Apple vừa ra mắt bốn mẫu iPhone 12 bao gồm iPhone 12 Mini nhỏ nhất, iPhone 12 tiêu chuẩn và hai bản nâng cấp 12 Pro và 12 Pro Max. Ngay sau buổi ra mắt, rất nhiều cửa hàng chuyên bán iPhone xách tay đều cho khách hàng đặt cọc trước các phiên bản iPhone 12. Mức đặt cọc dao động từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Hay các mặt hàng thực phẩm chức năng, sữa, mỹ phẩm, giày dép, túi xách… vẫn được các tiểu thương bán trên mạng bình thường, nhưng không ghi rõ “hàng xách tay”, mà chỉ khi khách hỏi mới nói rõ.
Theo chia sẻ của một tiểu thương chuyên bán hàng Úc xách tay trên facebook, với khách lẻ, các hoạt động buôn bán trên mạng vẫn diễn ra bình thường. Tất cả việc trao đổi giờ được chuyển dịch vào các nhóm, diễn đàn và không công khai ra ngoài như trước.
Còn đối với việc buôn bán trên các sàn thương mại điện tử, các tiểu thương cũng “né” sự kiểm duyệt của các cơ quan chức năng bằng cách viết “lái” tên mặt hàng. Chẳng hạn như túi xách Dior thì sẽ lẩn tránh bằng từ “Dio” hoặc “D.I.O.R”… đồng thời làm mờ, lấy vật che logo hàng chính hãng...
Thậm chí, một nhóm chuyên bán hàng châu Âu trên mạng còn sẵn sàng chia sẻ cách không bị lực lượng chức năng “tuýt còi” như sẽ giao dịch tại một điểm không phải là cửa hàng chính. Hay đối với các cửa hàng thì sẽ tháo gỡ biển hiệu buôn bán hàng xách tay ngoại nhập, chuyển sang bán hàng online, hoặc “núp” bóng kinh doanh mặt hàng khác, khi nào có khách hỏi sẽ bán.
Theo lực lượng quản lý thị trường (QLTT), hiện việc đối phó với kinh doanh hàng xách tay không dễ do sản phẩm được người bán để trong nhà, lực lượng QLTT muốn kiểm tra trường hợp này phải có quyết định khám nơi ở được chủ tịch quận ký.
Ngoài ra, cái khó với hàng xách tay, nhập lậu là phải làm rõ yếu tố biên giới (bắt hàng tại cửa khẩu, biên giới) mới khởi tố được, còn khi hàng chở về lưu trong kho thì hầu như chỉ xử phạt hành chính. Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính cũng gặp không ít khó khăn, bởi người bán hàng xách tay thường thuê điểm kinh doanh, nên khi ra quyết định xử phạt hành chính thì các cá nhân, tổ chức vi phạm dễ dàng đi trốn.
Ông Nguyễn Đức Lê – Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT (Tổng cục QLTT) – cho biết, thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ xây dựng các chương trình, kế hoạch, phối hợp với các đơn vị như hải quan, thuế, các đơn vị chức năng tăng cường đấu tranh ngăn chặn việc vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới cũng như các cơ sở kinh doanh gắn mác các loại hàng xách tay Nhật, Mỹ, Pháp, Úc trên thị trường nội địa…
Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP, tất cả hàng nhập khẩu không có giấy phép nhập khẩu, không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan... đều được xếp vào diện hàng hóa nhập lậu. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận