24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Thế Kiên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hàng xách tay đối phó quy định mới

Trước giờ "G" siết chặt, phạt nặng các vi phạm đối với mặt hàng xách tay, nhiều dân buôn kháo nhau tìm cách đối phó. Nhiều nơi cất bảng hiệu nhưng kinh doanh vẫn sôi động.

Hàng xách tay đối phó quy định mới

Nhân viên một cửa hàng bán đồ xách tay lấy hộp laptop chào bán với giá rẻ cho khách - Ảnh: BÔNG MAI

Từ ngày 15-10 tới đây, kinh doanh hàng xách tay có thể bị xử phạt đến 200 triệu đồng. Dù cho rằng việc tăng chế tài là cần thiết để công bằng cho sản xuất trong nước, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ.

Sôi động và lên phương án đối phó

0 giờ ngày 14-10 (giờ Việt Nam) mới diễn ra sự kiện Apple trình làng sản phẩm iPhone 12, trong khi các hệ thống bán lẻ là đại lý chính thức của Apple tại Việt Nam vẫn im lặng thì nhiều cửa hàng bán lẻ chuyên các sản phẩm Apple xách tay lại rất sôi động, tất bật.

Giám đốc tiếp thị một hệ thống bán lẻ tính toán iPhone 12 sẽ có tại cửa hàng ngay tối 15-10. Khách hàng đặt cọc trước còn có quà tặng kèm hấp dẫn bao gồm cốc cáp sạc mà Apple đã quyết định không tặng kèm đủ bộ theo máy…

"Cam kết iPhone 12 tại cửa hàng chúng tôi là hàng chính hãng, mang xuất xứ từ Mỹ và Hong Kong" - vị giám đốc tiếp thị nói.

Về tin nghị định mới sắp có hiệu lực, tại trang Hội buôn bán hàng xách tay từ châu Âu với hơn 42.000 thành viên, nhiều tài khoản liên tục đăng xả hàng xách tay. Các cuộc thảo luận, "mách nước" cách đối phó diễn ra liên tục.

Như tài khoản P.T chia sẻ: "Nghị định 98, các em đọc kỹ. Tránh buôn bán lâu nay, hôm nay chỉ 1 ngày mất trắng". Trong khi đó, tài khoản M.H.L "bật mí": "Giờ giao sỉ hơi khó, vì số lượng lớn, dễ bị kiểm tra. Bán nhỏ lẻ thì có thể bảo là mua hộ"...

Ghé một cửa hàng chuyên bán đồ xách tay mỹ phẩm, thời trang ở Q.3 (TP.HCM), thắc mắc vì sao cửa lớn lại đóng, người bán tại đây cho biết việc quy định mức phạt nặng hơn, gần đây nhiều cơ quan chức năng kiểm tra nên không yên tâm mở bán.

Để đối phó, dù rao bán rất nhiều mặt hàng xách tay như dây nịt, túi xách... trên mạng, nhưng ở cửa hàng chỉ trưng bày hầu hết là mắt kính. Muốn mua các mặt hàng khác thì đặt qua Facebook.

Vẫn còn nhiều chiêu lách thuế

Trái ngược với tâm lý lo lắng, không ít cửa hàng vẫn tự tin với các chiêu bán hàng xách tay trốn thuế.

Tại tiệm máy tính xách tay nằm ở mặt tiền đường 3-2 (Q.10), thái độ niềm nở, anh L. (người bán hàng) đưa ra chiếc hộp máy tính Macbook Pro loại 13.3 inch đời 2019. Theo anh L., máy xách về Việt Nam bán giá gần 11 triệu đồng, rẻ hơn giá niêm yết trên công ty chính hãng 7,1 triệu đồng.

Theo anh L., nhập theo dạng chính ngạch phải tốn phí vận chuyển, thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế nhập khẩu hàng... "Cộng những chi phí đó lên, mỗi một khoản đã lệch nhau gần 2-3 triệu, thậm chí 5-6 triệu. Còn sản phẩm cửa hàng không đóng thuế" - anh L. nói.

Anh L. còn chia sẻ cách né thuế: hải quan chỉ tính hàng chưa xài và hàng xài rồi. Khi bị kiểm tra, muốn cho đánh thuế không nhiều thì bỏ hộp ra, hi sinh cái hộp, lấy máy "zin" với sạc về thôi.

Tương tự, chủ yếu bán sữa, thực phẩm chức năng được xách tay từ Nhật Bản và Hàn Quốc, đại diện trang mạng "Chuyên hàng xách tay Nhật, Hàn..." có địa chỉ tại Q.Phú Nhuận (TP.HCM) cho biết khả năng sẽ tính toán kê khai nộp thuế cho các sản phẩm có giá trị cao - từ 600.000 đồng trở lên, sản phẩm giá trị thấp sẽ bỏ sỉ cho đại lý ngay khi hàng về để tránh rủi ro.

Không dễ xử lý

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho rằng tăng mức chế tài theo nghị định mới là cần thiết. Tuy nhiên, việc tăng chế tài là chưa đủ, do hoạt động kinh doanh hàng xách tay trốn thuế hiện diễn ra phổ biến, khó kiểm soát.

Ông Trần Văn Tùng - cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương - cho rằng để quản lý hoạt động kinh doanh hàng xách tay hiệu quả hơn, cần ngăn chặn từ gốc. Biên giới siết chặt kiểm tra thì hoạt động kinh doanh hàng lậu, trốn thuế trong nội địa giảm mạnh.

Theo nhiều chuyên gia, hiện việc đối phó với kinh doanh hàng xách tay không dễ do sản phẩm được người bán để trong nhà, lực lượng quản lý thị trường muốn kiểm tra trường hợp này phải có quyết định khám nơi ở được chủ tịch quận ký. Có quyết định này không dễ.

Theo phản ảnh của đơn vị quản lý thị trường các địa phương, cái khó hiện nay với hàng xách tay, nhập lậu là phải làm rõ yếu tố biên giới (bắt hàng tại cửa khẩu, biên giới) mới khởi tố được, còn khi hàng chở về lưu trong kho thì hầu như chỉ xử phạt hành chính.

Ngoài ra, việc xử phạt hiện nay gặp khó, đặc biệt vi phạm trong kinh doanh hàng xách tay do người bán thường thuê điểm kinh doanh nên đến khi ra quyết định xử phạt hành chính thì các cá nhân, tổ chức vi phạm dễ dàng đi trốn. Trường hợp này, nếu tòa án tuyên bố mất tích thì mới tịch thu hàng hóa, còn không phải đi xác minh rất phức tạp.

Đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho rằng cần có giải pháp đồng bộ, siết loại nhóm sản phẩm được phép xách tay về, hoặc tùy loại sản phẩm có thể giảm số lượng được phép xách tay đối với người nhập cảnh...

Nhiều rủi ro với hàng xách tay

Tại một cửa hàng chuyên bán đồ xách tay từ Úc (Q.1), hàng loạt sản phẩm như sữa bột, thực phẩm chức năng được chào bán. Tuy nhiên, khi đề nghị chứng minh hàng chính hãng, cửa hàng này nói sẽ gửi hóa đơn tổng cho xem, không có hóa đơn lẻ từng món. Cửa hàng gợi ý chúng tôi vào... mạng xã hội để hỏi kinh nghiệm về chất lượng.

Theo đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM, ngoài hồ sơ chứng từ, mỹ phẩm muốn nhập về phải được Bộ Y tế cấp số lô, số mã sau khi thẩm định chất lượng. Tuy nhiên, do việc cấp phép trên không dễ nên nhiều mỹ phẩm Trung Quốc, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc giá rẻ được người bán nhập lậu rồi "đội lốt" hàng Mỹ, Nhật, móc túi người dùng.

Nhiều chiêu né phạt

Trên không gian mạng, để lọt qua khâu kiểm duyệt của Facebook và cơ quan chức năng, nhiều người bán hàng xách tay "bật mí" cách viết trại, thêm các dấu vào tên thương hiệu. Chẳng hạn Lacoste thành Lascot_e... đồng thời làm mờ, lấy vật che logo hàng chính hãng.

Ngoài ra, giải pháp "chuyển hộ khẩu" hàng xách tay bán từ cửa hàng về trữ và bán tại nhà, tăng bán hàng online... cũng được một số dân chuyên bán hàng xách tay cho biết sẽ áp dụng.

Siết quy định, không tạo bất bình đẳng

Hàng xách tay đối phó quy định mới

Khách hàng tìm hiểu, mua hàng tại một hệ thống bán hàng điện tử xách tay - Ảnh: Đ.THIỆN

Về tiêu chuẩn hành lý, theo nghị định 134/2016, người nhập cảnh có hành lý mang theo người, hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi được miễn thuế nhập khẩu cho từng lần nhập cảnh theo định mức.

Với rượu từ 20 độ trở lên, một người được mang 1,5 lít hoặc rượu dưới 20 độ là 2 lít hoặc đồ uống có cồn, bia tối đa không quá 3 lít. Với thuốc lá, người nhập cảnh được mang tối đa 200 điếu thuốc lá, 20 điếu xì gà…

Ngoài thuốc lá, rượu và đồ dùng cá nhân được mang theo phù hợp với mục đích chuyến đi, người nhập cảnh được mang hàng hóa (trừ hàng cấm nhập khẩu) có tổng trị giá hải quan không quá 10 triệu đồng.

TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, cho rằng cần phải siết chặt quản lý kinh doanh đối với hàng xách tay, hàng hóa không rõ nguồn gốc. Bởi nó gây thiệt đơn, thiệt kép cho nền kinh tế. Ông Thịnh đặt vấn đề hàng xách tay sao có nhiều thế, mua bán tràn lan suốt bao năm nay?

Với Nhà nước có thể thất thoát thuế rất lớn. Còn với các doanh nghiệp, họ bị thiệt hại nặng nề do sản phẩm khó cạnh tranh nổi với hàng trốn thuế. Điều này còn gây bất bình đẳng, không công bằng cho môi trường đầu tư của VN.

Thường các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào một quốc gia nào đó, theo ông Thịnh, ngoài việc xem xét các chính sách về thuế, phí, đất đai, họ còn đánh giá chính sách ngăn chặn, kiểm soát gian lận thương mại, hàng giả.

L.THANH

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả