24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phượng Hồng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hàng Việt ngày càng chinh phục tốt người tiêu dùng

Đến nay, doanh nghiệp đã ý thức được việc phải chinh phục người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm, giá thành hấp dẫn và mẫu mã đa dạng… Đây là khẳng định của bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - khi trả lời phỏng vấn

Xin bà cho biết đánh giá về kết quả của Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (CVĐ) giai đoạn 2014-2020, đặc biệt trong việc kết nối cung - cầu hàng hóa thời gian qua?

CVĐ được triển khai từ năm 2009 và Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ được triển khai từ năm 2014 tới nay đã mang lại những kết quả rất rõ ràng trong việc phát triển mạng lưới phân phối hàng Việt Nam rộng khắp trên toàn quốc; đưa tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống phân phối hiện đại lên hơn 80% và kênh truyền thống lên hơn 60%. Đặc biệt, đã tạo ra những mối kết nối chặt chẽ từ sản xuất cho đến tiêu dùng, từ các doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị xãhội, địa phương… Đây chính là nền tảng để có thể triển khai được những hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong 4 đợt dịch kéo dài từ đầu năm 2020 cho tới nay.

Chúng tôi cũng đánh giá rất cao việc các doanh nghiệp bán lẻ đã tham gia cùng Bộ Công Thương trong các chương trình triển khai Đề án trước đây. Trong dịch bệnh, đây chính là những doanh nghiệp đi tiên phong, người lao động trong ngành bán lẻ cũng là những chiến sĩ dũng cảm trên "mặt trận"cung ứng hàng hóa cho người dân. Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng đóng vai trò tiên phong trong kết nối tiêu thụ hàng hóa nông sản, hàng sản xuất trong nước bị thừa do không thể xuất khẩu được trong những giai đoạn khó khăn nhất do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Theo bà, sau 6 năm triển khai Đề án, nhận thức của doanh nghiệp trong việc sản xuất và phân phối hàng Việt Nam để phục vụ cho tiêu dùng nội địa đã có sự chuyển biến như thế nào?

Ý thức của doanh nghiệp đã chuyển mạnh sang việc phải chinh phục được người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm, bằng ứng dụng khoa học - công nghệ, giải pháp quản lý tiên tiến để giảm giá thành, nâng cao chất lượng, mẫu mã và dịch vụ hậu mãi để phục vụ cho người dân ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, có những doanh nghiệp lâu nay vốn hướng đến thị trường xuất khẩu nay đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến thị trường trong nước bằng những hàng hóa đạt chuẩn của những quốc gia khó tính. Đồng thời, phát triển được mạng lưới phân phối tại thị trường trong nước hoặc kết nối thành công với những doanh nghiệp phân phối khác.

Chúng tôi cũng nhận thấy rằng đã có sự chủ động hơn trong việc kết nối cung - cầu giữa hệ thống phân phối bán lẻ hàng hóa với các doanh nghiệp sản xuất hoặc là giữa các doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp cung ứng nguyên, nhiên vật liệu và nguồn nhânlực cao cấp trong nước. Từ đó, giúp hàng hóa Việt Nam ngày càng có tỷ lệ nội địa hóa cao hơn. Ví dụ như các ngành hàng có thế mạnh: Dệt may, da giày đã cố gắng đẩy được tỷ lệ nội địa hóa lên trên 50% và đang phấn đấu đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ để đạt được đến tỷ lệ 60 - 70% trong những năm tới đây.

Bản thân các doanh nghiệp cũng đã nhận thức được việc cần phải xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình; chủ động tham dự vào các sự kiện lớn về quảng bá hàng Việt Nam để quảng bá nhiều hơn cho hàng hóa trong nước tới người tiêu dùng trong nước cũng như kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước để đấu tranh với những hành vi gian lận thương mại hay cạnh tranh không lành mạnh.

Được biết, Đề án sẽ tiếp tục kéo dài giai đoạn 2021 - 2025, vậy điểm nhấn trong giai đoạn này là gì, thưa bà?

Sau khi triển khai có hiệu quả trong giai đoạn 2014 - 2020 thì đầu tháng 3 năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt kéo dài Đề án giai đoạn 2021-2025 với rất nhiều điểm mới. Đề án đã lồng ghép những cơ chế chính sách, chương trình kinh tế - xã hội trong việc triển khai với những nguồn lực mạnh hơn, có sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, có sự tham gia của các doanh nghiệp, đặc biệt là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong việc phát động phong trào "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam".

Thêm vào đó, Chương trình tinh hoa hàng Việt Nam cũng sẽ là điểm nhấn trong truyền thông trong giai đoạn 5 năm tới. Truyền thông về tinh hoa hàng Việt Nam là truyền thông về những thương hiệu Việt có chất lượng, đạt được các chứng chỉ hoặc những đặc sản vùng miền mang ý nghĩa về văn hóa, lịch sử của Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã vào cuộc trong việc đưa đến người tiêu dùng phân khúc hàng Việt Nam có chất lượng cao sẽ có cơ hội lựa chọn những sản phẩm tinh hoa.

Một điểm mới nữa là sẽ áp dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số trong triển khai CVĐ trong giai đoạn tới như: Phát triển các điểm bán hàng online, chuyển đổi xúc tiến thương mại, chuyển đổi về truyền thông…

Đặc biệt, thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường sẽ triển khai nhiều hoạt động để xử phạt về hàng nhái, hàng giả, hàng lậu, hàng gian lận thương mại để bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam.

Xin cảm ơn bà!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả