Hàng Việt chinh phục thị trường khó tính
Thời gian gần đây, nhờ chất lượng được nâng cao, hàng hóa Việt Nam đã liên tục chinh phục các thị trường khó tính.
Vinamilk là một trong những doanh nghiệp (DN) đã tiên phong đầu tư công nghệ, sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu (XK) đến những thị trường khó tính. Tiếp nối sữa tươi organic, sữa đậu nành hạt, mới đây, Vinamilk tiếp tục XK lô sản phẩm cao cấp sữa tươi tiệt trùng chứa tổ yến đầu tiên đi Singapore.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - đánh giá, điểm sáng trong XK những năm vừa qua là hàng hóa Việt Nam không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các FTA. Nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao khả năng cạnh tranh trên các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Australia, Singapore, Anh...
Đơn cử, sau khi Hiệp định EVFTA được ký kết, XK hàng hóa sang khu vực này liên tục có sự tăng trưởng. Chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch XK sang EU đã đạt 6,3 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước. Dù EU là thị trường rất khó tính, song DN Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận và tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, khiến xuất siêu trong 2 tháng đầu năm với thị trường EU là 4 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước.
Mới đây, Phòng Sở hữu trí tuệ, Cục Công nghiệp thực phẩm (Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản) đã có thông báo về vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật. Cùng với việc được được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở châu Âu sau khi EVFTA có hiệu lực vào năm 2020, đã mở ra cơ hội cho trái vải thiều gia tăng kim ngạch XK ngay trong niên vụ 2021.
Theo Bộ Công Thương, việc tận dụng cơ hội để XK hàng hóa sang các thị trường khó tính là điểm tích cực, song các thị trường này cũng đòi hỏi rất cao về tiêu chuẩn và chất lượng hàng hóa. Đơn cử, thách thức đối với cộng đồng DN là các cam kết thuế quan của EVFTA được xây dựng dựa trên lộ trình. Vì vậy, trong dài hạn, mức thuế quan nhập khẩu đối với hàng hóa của Việt Nam vào thị trường EU sẽ ngày càng ưu đãi hơn chứ chưa thể có một “cú sốc” giảm thuế hay tăng trưởng vượt bậc về kim ngạch. Ngoài ra, để hiểu đúng, đầy đủ và thực thi có hiệu quả quy tắc xuất xứ trong EVFTA, cộng đồng DN cũng cần thời gian để thích nghi, chuyển đổi quá trình sản xuất, đặc biệt trong nguồn cung cấp nguyên vật liệu. Ngoài ra, rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ...
Hoặc, thị trường Mỹ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về pháp lý, nhất là các biện pháp phòng vệ thương mại. Thị trường Nhật Bản rất ưa chuộng nông sản Việt Nam nhưng lại có những tiêu chuẩn cao về vệ sinh, an toàn thực phẩm… Do đó, trong thời gian tới, DN Việt bắt buộc phải tìm hiểu, nắm bắt rõ thông tin về thị trường, từ thị hiếu người tiêu dùng đến những quy định, tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm.... Bên cạnh đó, xây dựng các chuỗi liên kết bền vững để dễ dàng áp dụng công nghệ vào sản xuất, đẩy nhanh số lượng, kiểm soát chất lượng sản phẩm XK, chinh phục tốt các thị trường.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình đào tạo, truyền thông nội dung về xuất xứ hàng hóa, điều kiện tiếp cận thị trường đến DN. Trong đó, thực hiện đa dạng hóa hình thức đào tạo, ứng dụng đào tạo trực tuyến để có thể tiếp cận đến nhiều DN.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận