Hàng vào Trung Quốc ngày càng khó
Hình ảnh những chiếc xe tải lót rơm chở dưa hấu nối đuôi nhau lên Lạng Sơn sẽ ngày càng ít đi, mà tất cả đều phải đi theo con đường chính ngạch: có ký kết hợp đồng, giao hàng tại cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế, có kiểm soát về chất lượng, kiểm dịch...
Thị trường Trung Quốc đã, đang và sẽ không còn chỗ cho "con đường" xuất khẩu cũ. Trung Quốc đang xây tường rào trên toàn tuyến biên giới nhằm giám sát chặt chẽ xuất khẩu tiểu ngạch. Xu thế kiểm tra, thúc đẩy hàng hoá đi theo con đường chính ngạch là không thể đảo ngược.
Đó là cảnh báo được đưa ra tại hội thảo quốc tế: “Phổ biến cách tiếp cận và quy định mới của thị trường Trung Quốc đối với nông sản, thực phẩm nhập khẩu” do Vụ thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn vừa tổ chức tại thành phố Lạng Sơn.
TRUNG QUỐC CHIẾM 30% TỔNG NÔNG SẢN XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM
Theo Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn, ông Nguyễn Đình Đại, Lạng Sơn là địa bàn trung chuyển hàng hoá của cả nước, gồm 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính và 9 cửa khẩu phụ. Mặc dù trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện chỉ có 4/12 cặp cửa khẩu đang thực hiện thông quan hàng hoá nhưng hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn diễn ra sôi động.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 10 tháng năm 2021 đạt 3,452 tỷ USD, tăng 52,7% so với cùng kỳ. Trong đó xuất khẩu đạt 1,090 tỷ USD tăng 11,2%. Riêng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 920 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ.
Một số mặt hàng hoa quả xuất khẩu chủ yếu qua Lạng Sơn như thanh long đạt 480 ngàn tấn, xoài đạt trên 325 ngàn tấn, mít trên 355 ngàn tấn… Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam.
"Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, không chỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 ra thế giới mà còn là thị trường quan trọng bậc nhất của Việt Nam với các sản phẩm nông sản và thực phẩm". Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- châu Phi (Bộ Công Thương)
Với nhu cầu nhập khẩu nông sản chất lượng cao của Trung Quốc đang gia tăng đã góp phần thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản trong nước phục hồi sau những ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19.
Nhìn vào cơ cấu xuất khẩu hàng Việt Nam ra thế giới nói chung, nông sản thực phẩm mang lại lợi ích cho người nông dân là lớn nhất. Đây cũng là một trong những nhóm hàng được lãnh đạo chính phủ quan tâm thúc đẩy làm sao để tạo điều kiện thuận lợi nhất, xuất khẩu được nhiều nhất…
Trong tổng số gần 50 tỷ USD xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc mỗi năm thì xuất khẩu nông sản chiếm 7 tỷ USD và chiếm 30% tổng nông sản xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Công Thương Lạng Sơn cho rằng, hoạt động sản xuất và xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam đang gặp rất nhiều thách thức.
Cụ thể, tháng 4/2021 Tổng cục hải quan Trung Quốc đã ban hành Lệnh số 248, 249 về quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu có hiệu lực từ 1/1/2022 tới đây. Do đó, doanh nghiệp và nhà quản lý cần đảm bảo thích ứng với những yêu cầu mới.
BẮT BUỘC PHẢI THAY ĐỔI PHƯƠNG THỨC XUẤT KHẨU
Theo ông Sơn, là sản phẩm tiềm năng cho xuất khẩu sang thị trường láng giềng, nhưng nông sản, thực phẩm cũng là mặt hàng thường xuyên gặp phải các rào cản tại thị trường nước ngoài. Vì kim ngạch xuất khẩu lớn, nên bất kỳ sự thay đổi nào của thị trường này cũng sẽ khiến cho doanh nghiệp, nhà sản xuất, người nông dân Việt Nam bị ảnh hưởng.
Song theo đánh giá của Bộ Công Thương, Lệnh 248 và 249 không phải là điều quá mới với một số doanh nghiệp, nhưng lại là trở ngại với không ít doanh nghiệp.
Ông Sơn cho rằng, với một nền kinh tế lớn như Trung Quốc thì việc họ đặt ra Lệnh 248, 249 là đương nhiên. Là một quốc gia giàu có, không thể nào họ tiêu dùng những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo về yêu cầu an toàn thực phẩm…
Nắm bắt được khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu khi Trung Quốc thay đổi chính sách, nên thời gian qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã nỗ lực giúp doanh nghiệp, người sản xuất hiểu được điểm mới của 2 Lệnh này.
Nhưng từ nhận thức đến hành động lại có khoảng cách nhất định. Ông Sơn dẫn dụ: “ngay khi chúng ta đang tổ chức hội nghị hôm nay thì ở cửa khẩu Chi Ma, Tân Thanh vẫn có lượng hàng tương đối lớn vẫn đang chờ nối đuôi nhau xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong khi đó, cửa khẩu Hữu Nghị rất lớn thì lượng hàng ùn ứ hầu như không có”.
Hiện quy mô thương mại trao đổi cư dân biên giới hai nước vẫn lớn hơn nhiều so với hình thức chính ngạch. Đơn cử, như xuất khẩu dưa hấu theo tiểu ngạch của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm 98% lượng nhập khẩu của Trung Quốc từ nước ngoài nhưng toàn bộ đều qua trao đổi cư dân, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng.
Hình ảnh những chiếc xe tải lót rơm chở dưa hấu nối đuôi nhau lên Lạng Sơn sẽ ngày càng ít đi, mà tất cả đều phải đi theo con đường chính ngạch: có ký kết hợp đồng, giao hàng tại cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế, có kiểm soát về chất lượng, kiểm dịch.
Cụ thể hơn, ông Sơn cho biết, theo lệnh 248, toàn bộ doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải đăng ký với Hải quan Trung Quốc.
Trong đó, nhóm 1 gồm 18 nhóm mặt hàng phải đăng ký thông qua các cơ quan quản lý Nhà nước. Nhóm 2 là thực phẩm ngoài 18 mặt hàng thuộc nhóm 1 đăng ký trực tiếp với Hải quan Trung Quốc thông qua website singlewindow.cn.
Lệnh 249 gồm các nội dung: yêu cầu đánh giá sự phù hợp; đưa ra nguyên tắc quản lý nhập khẩu với thực phẩm chưa có tiêu chuẩn quốc gia; đưa ra nguyên tắc quản lý nhập khẩu với thực phẩm sử dụng nguyên liệu mới; thay đổi về yêu cầu ghi nhãn; cơ sở sản xuất phải tự chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm với thực phẩm mình sản xuất; lần đầu tiên chính thức chấp nhận phương án đánh giá trực tuyến…
Như vậy thị trường Trung Quốc đã, đang và sẽ không còn chỗ cho chúng ta tiếp tục "con đường" cũ. Xu thế kiểm tra, thúc đẩy hàng hoá đi theo con đường chính ngạch là không thể đảo ngược.
Trung Quốc đang xây tường rào trên toàn tuyến biên giới với những đường mòn, lối mở… nhằm giám sát chặt chẽ xuất khẩu tiểu ngạch. Đồng nghĩa với việc xuất khẩu của chúng ta theo hình thức thương mại tiểu ngạch ngày càng bị thu hẹp lại.
Hơn nữa hiện Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới đang tiến hành kiểm tra, xét nghiệm SARS-CoV-2 với bao bì thực phẩm, trái cây, thuỷ sản đông lạnh nhập khẩu vào nước này. Không còn cách nào khác, nếu muốn xuất khẩu doanh nghiệp Việt Nam phải quản lý chất lượng sản phẩm của mình theo đúng quy định của nước sở tại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận