Hàng tỷ USD đổ vào công nghiệp chế biến, chế tạo: Khởi đầu làn sóng đầu tư mới
Trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, thì FDI vào Việt Nam vẫn tăng trưởng. Ðể tiếp tục hút dòng vốn này, hàng loạt quy định về thủ tục đầu tư vừa được “dọn sạch”.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đổ vào Việt Nam đạt gần 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn FDI thực hiện ước đạt 7,1 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhiều dự án được cấp phép, tăng vốn
Cả nước có 613 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trải rộng suốt 18 ngành, lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 6,1 tỷ USD, chiếm hơn 43% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với hơn 5,4 tỷ USD, chiếm hơn 38% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đó là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với hơn 1 tỷ USD...
Không chỉ tăng về tổng vốn, nhiều dự án trị giá tỷ USD đã được cấp phép từ đầu năm tới nay. Tiêu biểu, tháng 3/2021, tỉnh Long An trao quyết định chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy điện LNG Long An I&II với tổng mức đầu tư 3,1 tỷ USD. Dự kiến, nhà máy điện Long An I sẽ đi vào vận hành tháng 12/2025, nhà máy điện Long An II vận hành vào tháng 12/2026. Vào đầu tháng 1/2021, dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II của Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) cũng được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Dự án Nhiệt điện Ô Môn II có công suất 1.050MW, với tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD.
Lãnh đạo thành phố Hải Phòng cũng vừa trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tăng thêm 750 triệu USD cho Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) của Công ty trách nhiệm hữu hạn LG Display Việt Nam. Với tổng mức đầu tư lên đến 3,25 tỷ USD, đây là dự án có vốn đầu tư nước ngoài cao nhất trên địa bàn thành phố. Dự án đã bắt đầu triển khai và đến tháng 5 sẽ chính thức đi vào sản xuất. LG Display dự kiến tuyển thêm 5.000 lao động, đóng góp khoảng 5 triệu USD vào ngân sách nhà nước mỗi năm. Nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm màn hình OLED TV, OLED nhựa cho các thiết bị, màn hình LCD…
Ngoài ra, nhiều dự án lớn cũng được cấp phép trong các tháng đầu năm như: Dự án Nhà máy Fukang Technology (Singapore) vốn đầu tư đăng ký 293 triệu USD với mục tiêu sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay tại Bắc Giang. Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam (Hồng Kông), tổng vốn đầu tư đăng ký 498 triệu USD với mục tiêu sản xuất tấm quang năng và sản xuất thiết bị điện khác tại Quảng Ninh. Dự án chế tạo lốp xe Radian (Trung Quốc) tại Tây Ninh, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 312 triệu USD.
Dòng vốn FDI vào lĩnh vực chế biến chế tạo, sản xuất và phân phối điện sẽ góp phần tạo động lực cho nền kinh tế trong tương lai. Đánh giá về dòng vốn FDI, Tổng cục Thống kê cho rằng, sự phát triển của chính các nhà đầu tư FDI lớn, công nghệ cao tại Việt Nam sẽ là bước khởi đầu cho làn sóng đầu tư mới.
Gỡ vướng thủ tục
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng vừa ban hành quyết định, theo đó, bãi bỏ hàng chục thủ tục trong lĩnh vực đầu tư, nhằm gỡ vướng cho quá trình đầu tư tại Việt Nam; đồng thời ban hành kèm 65 bộ thủ tục mới theo hướng thông thoáng hơn.
Trước đây, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư, việc quyết định chủ trương đầu tư gây mất khá nhiều thời gian do phải trình qua cấp thẩm định. Việc bỏ thủ tục quyết định chủ trương đầu tư sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí rất lớn khi cả nước mỗi năm có hàng nghìn dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài và trong nước.
Lược bỏ thủ tục đầu tư không cần thiết sẽ thúc đẩy thời gian cấp phép dự án. Gần đây, nhiều địa phương đã cấp phép dự án với thời gian “thần tốc” chỉ 24 giờ. Tiêu biểu như, UBND tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho những dự án đầu tiên thuộc tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công - Việt Hưng có quy mô 300ha trong chưa đầy 24 giờ.
Ðánh giá về dòng vốn FDI, Tổng cục Thống kê cho rằng, sự phát triển của chính các nhà đầu tư FDI lớn, công nghệ cao tại Việt Nam sẽ là bước khởi đầu cho làn sóng đầu tư mới.
Theo báo cáo thẩm định của Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Ninh, quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư cho những dự án đầu tiên của tổ hợp triển khai chưa đầy 24 giờ kể từ khi ban này tiếp nhận hồ sơ đầu tư đầy đủ của 2 dự án thành phần. Đây là kỷ lục mới về thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Quảng Ninh.
“Chúng tôi đã thực hiện dự án đầu tư ở rất nhiều tỉnh thành, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi làm thủ tục được cấp giấy chứng nhận đầu tư của dự án trong vòng 24 giờ, quả thực rất ấn tượng”, đại diện chủ đầu tư dự án cho biết.
Cùng với đó, Bộ KH&ĐT công bố 65 thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam từ cấp trung ương, cấp tỉnh và thủ tục do ban quản lý khu công nghiệp, chế xuất thực hiện. Các thủ tục hành chính này đều nhằm mục đích tạo thuận lợi thông thoáng cho hoạt động đầu tư của người dân, doanh nghiệp, chủ đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận