Hàng trăm tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp khả năng thành “trái phiếu rác”
Hiện tại, các doanh nghiệp trên thế giới đang đối diện tỷ lệ bị hạ bậc tín dụng ở mức chưa từng có, mà nguyên nhân trực tiếp xuất phát từ hoạt động kinh doanh đình trệ bởi đại dịch Covid-19, khiến hàng trăm tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp có nguy cơ trở thành “trái phiếu rác”.
Theo số liệu từ CreditSights, hơn 92 tỷ USD trái phiếu của 11 doanh nghiệp đã bị hạ bậc, trở thành “trái phiếu rác” (hay còn được biết đến với thuật ngữ Fallen Angel) trong tháng 3/2020. Nhiều chiến lược gia tín dụng đánh giá, con số này có thể tăng lên gấp đôi, thậm chí nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Trong đó, nhiều tổ chức kinh tế hàng đầu đã đưa ra con số ước tính giá trị các trái phiếu bị hạ bậc ở mức “khủng”.
Chẳng hạn, Morgan Stanley cho rằng, năm 2020, sẽ có 300-350 tỷ USD trái phiếu trở thành trái phiếu rác. Con số này của Citigroup là 250-300 tỷ USD, JPMorgan là 215 tỷ USD, trong khi Barclays đánh giá số trái phiếu hạ bậc trong khoảng 175-200 tỷ USD.
“Chúng tôi đánh giá số lượng trái phiếu trở thành trái phiếu rác sẽ tăng nhanh chóng trong năm 2020 so với những năm trước đây”, Shobhit Gupta, chiến lược gia tại Barclays Plc nói và nhấn mạnh, tình hình sẽ tệ nhất tại lĩnh vực năng lượng bởi giá dầu lao dốc.
Hiện tại, S&P Global Ratings và Moody;s Investor Service đang hạ bậc xếp hạng tín dụng của các doanh nghiệp Mỹ ở tốc độ nhanh nhất trong hơn 1 thập kỷ qua.
Trong đó, S&P đã hạ bậc xếp hạng trong dài hạn với hơn 280 doanh nghiệp trong quý I/2020, điều chỉ từng xảy ra tại cuộc khủng hoảng 2008.
Con số này với Moody’s là hơn 180 công ty, trong đó 160 trái phiếu bị đẩy xuống nhóm trái phiếu rác. Fitch Ratings cũng hạ bậc của hơn 100 doanh nghiệp.
Việc trái phiếu bị hạ bậc xếp hạng tác động tới cả tổ chức phát hành và nhà đầu tư. Việc hạ bậc khiến các chi phí đi vay trở nên đắt đỏ hơn, ảnh hưởng tới khả năng hoàn thành các kế hoạch tái cấu trúc vốn của tổ chức phát hành.
Việc trái phiếu trở thành trái phiếu rác có thể tạo nên làn sóng bán ra, bởi nhà đầu tư không muốn nắm giữ các tài sản nhiều rủi ro, hoặc không còn đáp ứng các tiêu chuẩn đầu tư.
Với việc hạ bậc tín nhiệm đang diễn ra mạnh mẽ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tung ra “chiếc phao cứu hộ” với một số doanh nghiệp có trái phiếu đột ngột rơi vào nhóm rủi ro cao bằng việc mở rộng thêm chương trình mua vào trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm cả nhóm trái phiếu rác.
Cụ thể, Fed sẽ mua tài sản nợ của các công ty được xếp hạng đầu tư tính tới ngày 22/3, sau đó bị hạ xuống mức không thấp hơn BB-.
“Fed, Bộ Tài chính Mỹ, cũng như Quốc hội Mỹ đang cung cấp những hỗ trợ chưa từng có đối với thị trường tín dụng. Mặc dù vẫn sẽ xảy ra tình trạng vỡ nợ tín dụng hoặc thua lỗ, nhưng lợi ích mà các chương trình này mang lại sẽ giúp đỡ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Ít nhất, họ được đứng dưới ô trong khi trời mưa lớn”, Bill Zox, giám đốc đầu tư tài sản mang lại thu nhập cố định tại Diamond Hill Capital Management chia sẻ.
Tuy nhiên, mốc thời gian 22/3 đã trở thành lằn ranh giữa kẻ được cứu vớt và nhóm thất bại bởi bị hạ bậc tín dụng vào khoảng thời gian trước đó. Trong số những doanh nghiệp hưởng lợi phải kể tới Ford Motor Co, Macy’s Inc. Cũng nhờ diễn biến này, giá trái phiếu của Ford dù bị hạ bậc đánh giá, nhưng vẫn leo dốc.
Trong khi đó, Occidental Petroleum Corp lại không được may mắn như vậy. Công ty năng lượng này có 35 tỷ USD trái phiếu bị hạ bậc xuống mức BB+ vào ngày 20/3, trong một bước đi sớm của hãng xếp hạng Moody’s Investors Service.
Chính bởi vậy, các trái phiếu này không đủ tiêu chuẩn nằm trong chương trình mua vào của Fed. Occidental cho biết, Công ty đang tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính khác từ Chính quyền Mỹ, nhất là khi ngành năng lượng đang lao đao vì giá dầu lao dốc.
Fallen Angel là thuật ngữ kinh tế đề cập tới các loại chứng khoán bị mất giá. Đối với trái phiếu, Fallen Angel là một trái phiếu đang được xếp hạng ở điểm đầu tư, sau đó bị hạ bậc xuống trái phiếu rác do tình trạng tài chính của nhà phát hành suy yếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận