Hàng trăm tỷ USD chảy vào Việt Nam qua kênh tiền ảo: Kiến nghị sớm có khung pháp lý
Hơn 1.200 tỷ USD đã đổ vào các quỹ ETF tài sản số toàn cầu những tháng đầu năm. Thị trường tiền số được xem là đã bước qua thời kỳ ngủ đông, các tín hiệu tích cực liên tục xuất hiện đang kích thích nhà đầu tư bỏ vốn.
Bất chấp việc Chính phủ Đức bán tháo Bitcoin (BTC) quy mô hàng tỷ USD, thị trường tiền số đã hấp thụ tốt. Giá Bitcoin sau khi sụt giảm về mức trên 53.000 USD/BTC đã phục hồi về mức gần 68.000 USD/BTC cuối tuần qua.
Số lượng nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường tiền số cũng tăng mạnh. Những tháng đầu năm, đã có hơn 1.200 tỷ USD đổ vào các quỹ ETF tài sản số.
“Các nhà đầu tư tổ chức lớn đang chấp nhận khẩu vị rủi ro với các tài sản mới, trong đó có tài sản số. Tiền số được xem là đã bước qua thời kỳ ngủ đông và các tín hiệu tích cực liên tục xuất hiện. Dòng vốn vào các tài sản số sẽ tiếp tục tăng. Nhà đầu tư nhỏ lẻ có sự quan tâm tương tự, tuy nhiên họ đang do dự, dè chừng vì thiếu các xác nhận và trang bị kiến thức rủi ro”, bà Lina Nguyễn, Giám đốc Phát Triển Kinh Doanh, Exness Investment Bank nhận định.
TS. Phạm Anh Khôi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Fintech Hiệp hội Blockchain Việt Nam cũng cho rằng, thị trường tài sản thực được token hóa (Real World Asset - RWA) là cơ hội quý giá, giúp các quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể tham gia vào thị trường vốn toàn cầu với ưu điểm là kênh dẫn vốn hiệu quả, chi phí thấp cho các dự án có tài sản thực tại Việt Nam.
Theo số liệu từ Chainalysis và đã được đại diện Bộ Tư pháp Mỹ chia sẻ cho thấy đã có tới 120 tỷ USD tiền mã hóa được chuyển vào Việt Nam trong vòng 1 năm, tính tới tháng 6/2023. Đáng chú ý, con số này cao gấp gần 5 lần so với con số 25 tỷ USD vào Việt Nam qua đường FDI.
Trên toàn cầu, quy mô thị trường tài sản thực được token hóa dự kiến đạt 16.000 tỷ USD, tương đương 10% GDP toàn cầu vào năm 2030 theo báo cáo của Tập đoàn Tư vấn Boston Consulting Group. Thị trường này thậm chí có thể tăng gấp đôi, lên tới 30.000 tỷ USD trong 4 năm kế tiếp, theo Standard Chartered.
RWA là một trong 4 hợp phần tạo nên tài sản số nói chung, cùng 3 loại hình tài sản khác là Tài sản mã hóa (Crypto assets), Tài sản ảo (Virtual assets) và Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC). RWA được kỳ vọng sẽ giúp các nhà đầu tư và cả các quỹ có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư khi gần như bất kể tài sản, hàng hóa nào có giá trị cũng đều có thể được mã hóa, từ các tác phẩm nghệ thuật, công trình xây dựng, bất động sản,... đến các sản phẩm vô hình như bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ.
Tại Việt Nam, theo TS. Phạm Anh Khôi, do thiếu hành lang pháp lý quản lý Tài sản số, tài sản ảo nên toàn bộ dòng tiền đầu tư vào tài sản số chưa được kiểm soát tốt, gây thất thu về thuế và kéo theo nhiều vấn đề khác như phòng chống rửa tiền, bảo vệ người dùng,...
“Nếu chúng ta sớm có chính sách quản lý chặt chẽ thì thay vì việc đi vào nền kinh tế ngầm chưa được kiểm soát, dòng tiền này có thể sẽ trở thành một động lực tốt giúp thúc đẩy nền kinh tế. Trong đó, lĩnh vực đầu tiên có thể nhận được dòng vốn này chính là RWA do những ưu thế vượt trội của loại hình tài sản này như được đảm bảo giá trị bằng tài sản thực, thanh khoản nhanh và đa dạng hóa danh mục đầu tư”, chuyên gia này khuyến nghị.
Mặc dù vậy, cũng theo các chuyên gia, các nhà đầu tư khi tham gia vào lĩnh vực tài sản số nói chung và RWA cần chuẩn bị kiến thức và hiểu biết về thị trường tài chính, công nghệ và pháp lý, tham vấn các chuyên gia, tổ chức đầu ngành, liên tục đánh giá và cập nhật các rủi ro biến động và pháp lý, lựa chọn nền tảng giao dịch uy tín và đặc biệt là cần có chiến lược đầu tư rõ ràng và đa dạng hóa danh mục để giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa lợi ích.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận