menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Quang Anh

Hàng trăm tỉ 'mắc kẹt' vì vướng luật, cần có định danh cho BĐS du lịch

Theo các chuyên gia, cần có giải pháp gỡ rối cho các dự án bất động sản du lịch đã được đầu tư hàng trăm nghìn tỉ đồng đang “mắc kẹt”, đặc biệt phải có những giải pháp kịp thời bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các bên cũng như nên có định danh chính thức các loại hình bất động sản du lịch.

Hàng trăm tỉ “mắc kẹt” vì vướng luật

Tại Hội thảo “Thị trường bất động sản du lịch Việt Nam - Những nút thắt pháp lý, thực tiễn và giải pháp tháo gỡ” diễn ra sáng nay (6/5) do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức, nhiều chuyên gia kinh tế và pháp luật đã nêu ra những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, bất cập về khung pháp lý cho việc phát triển lĩnh vực bất động sản du lịch (BĐSDL) Việt Nam.

Hàng trăm tỉ 'mắc kẹt' vì vướng luật, cần có định danh cho BĐS du lịch

TS. Nguyễn Văn Quyền phát biểu khai mạc tại hội thảo

TS. Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam (LGVN) cho biết, thông qua Hội thảo, Hội LGVN sẽ tổng hợp và kiến nghị lên Chính phủ và các cơ quan, ban ngành Trung ương để sớm có những giải pháp cấp bách và lâu dài để hoàn thiện hành lang pháp lý cho bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, tháo gỡ cho nhà đầu tư và khơi thông nguồn lực phát triển cho thị trường này.

“Tạo dựng được một khung khổ pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động kinh doanh bất động sản du lịch là yêu cầu cấp thiết cần đặt ra trong bối cảnh ngành du lịch đang đứng trước nhiều cơ hội phục hồi sau tác động của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, nhà đầu tư việc cấp bách trước mắt cần phải làm là sớm có giải pháp gỡ rối cho các dự án đã được đầu tư hàng trăm nghìn tỉ đồng đang “mắc kẹt”, đặc biệt phải có những giải pháp kịp thời bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các bên doanh nghiệp, nhà đầu tư và Nhà nước”, TS. Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh.

“Định danh” cho bất động sản du lịch

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, hiện có hàng trăm dự án dự án BĐSDL nghỉ dưỡng tại nhiều tỉnh thành, hàng trăm nghìn tỉ đồng của du lịch và nhà đầu tư đang “đóng băng”. Hàng nghìn nhà đầu tư thứ cấp (người mua các đơn vị dự án BĐSDL nghỉ dưỡng) chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ).

“Nguyên nhân có một phần từ vướng mắc chính sách, đã tạo ra rào cản thu hút đầu tư phát triển. Các chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa đầy đủ, chưa thống nhất, thiếu đồng bộ, đã và đang là điểm nghẽn trong hoạt động đầu tư kinh doanh của thị trường này”, TS. Nguyễn Văn Đính cho hay.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, BĐSDL dù mới chỉ hình thành và phát triển trong khoảng 5 năm trở lại đây nhưng đã đóng góp tương đương khoảng 21,3% số lượng buồng phòng của các khách sạn 3-5 sao trên toàn quốc. Hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐSDL đang chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp lý chung áp dụng cho hoạt động kinh doanh BĐSDL và các luật liên quan như: Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở và Luật Du lịch...Việc vận dụng các quy định pháp lý của các lĩnh vực khác nhau dẫn tới việc thiếu nhất quán, đồng bộ trong áp dụng của các cơ quan nhà nước, địa phương đã gây ra sự lúng túng trong quá trình xử lý công việc.

Vì thế, TS. Cấn Văn Lực đề xuất cần sớm bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý cho BĐSDL như: Định danh chính thức các loại BĐSDL trong Luật Kinh doanh BĐS, Luật Xây dựng. Giải quyết cấp bách những vướng mắc đang tồn tại, cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành các văn bản dưới luật để hướng dẫn thống nhất các địa phương cấp giấy chứng nhận sở hữu tài sản, chuyển nhượng cho nhà đầu tư theo đúng hồ sơ pháp lý mà doanh chủ đầu tư dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương cấp trước đó. Trong khi chờ Luật đất đai, Luật Nhà ở và Luật kinh doanh BĐS được sửa đổi (dự kiến 2023); cần sớm ban hành nghị định tháo gỡ những vướng mắc hiện nay.

TS. Lê Trường Sơn - Phó Hiệu trưởng Đại học Luật TP.HCM, cho biết: Mức độ quan tâm về đầu tư BĐSDL giảm liên tiếp từ tháng 5 tới đầu tháng 9/2021, từ mức 100% xuống chỉ còn 30%. Tuy nhiên, đà giảm đã dừng kể từ giữa tháng 9 và có xu hướng tăng nhanh kể từ tuần cuối tháng 9/2021 tới nay, đạt mức 67% so với đỉnh tháng 3 năm 2021.

“Thách thức mà đại dịch COVID-19 đặt ra đó là hành lang pháp lý điều chỉnh chuyên biệt về BĐSDL nghỉ dưỡng.Để kích cầu đầu tư và đảm bảo sự an tâm cho người tiêu dùng trong thị trường vốn đa dạng và khá nhiều vụ việc phức tạp, pháp luật cần có những chính sách “ưu đãi” các doanh nghiệp về BĐSDL, có cơ chế minh bạch trong đầu tư vào thị trường BĐSDL. Cần cấp quyền sở hữu cho loại hình BĐSDL nghỉ dưỡng để tạo hành lang pháp lý cụ thể và sự an tâm cho nhà đầu tư với các kế hoạch đầu tư, kinh doanh của mình”, TS. Lê Trường Sơn đề nghị.

Quy hoạch sử dụng đất phải gắn với phân vùng

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho biết: Theo quan niệm của quốc tế, quy hoạch sử dụng đất chính là việc đưa chiến lược phát triển lên không gian mặt đất, bao gồm cả tầng ngầm trong lòng đất, tầng trên không, mặt nước và trong lòng nước. Quy hoạch sử dụng đất phải gắn với việc phân vùng sử dụng đất theo nghĩa này hoặc nghĩa khác (tiêu chí phân vùng). Mặt khác, quy hoạch sử dụng đất phải gắn chặt chẽ với các loại quy hoạch khác.

Từ đây, GS.TSKH Đặng Hùng Võ đưa ra một số đề xuất trong sửa đổi luật đất đai như sau: Chuyển hẳn phương pháp quy hoạch sử dụng đất từ tiêu chí theo mục đích sử dụng đất sang tiêu chí theo phân vùng sử dụng đất. Xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch giữa Bộ KH-ĐT với Bộ TN-MT nhằm hướng dẫn việc kết nối giữa quy hoạch quốc gia ngành du lịch với quy hoạch sử dụng đất có liên quan đến các khu chức năng du lịch, nghỉ dưỡng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
4 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại