Hàng trăm dự án bế tắc vì khoảng trống pháp lý từ 1 bộ luật
Tròn một năm Bộ KHĐT phối hợp với các cơ quan hoàn thiện dự thảo Nghị định của Luật Quy hoạch, tuy nhiên vẫn còn ý kiến chưa thống nhất nên chưa có nghị định dù Luật có hiệu lực từ 1/1/2019.
“Nhiều khả năng khó thực hiện Luật Quy hoạch”
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vướng mắc trong việc thực hiện chuyển tiếp quy hoạch là một số quy hoạch dự kiến thuộc Danh mục quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được lập và đang hoàn thiện thủ tục phê duyệt. Tuy nhiên, do việc sửa đổi, bổ sung 52 luật, pháp lệnh có quy định liên quan đến quy hoạch mới được Quốc hội thông qua nên pháp luật chuyên ngành có liên quan đến các quy hoạch này đã hết hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Vì vậy, các quy hoạch này không thể trình phê duyệt theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Bên cạnh đó, một số quy hoạch ngành quốc gia trước đây được quy định ở luật chuyên ngành nhưng hiện nay quy định của các luật chuyên ngành đã hết hiệu lực kể từ 1/1/2019 và phải thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch.
Trước thực trạng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về việc báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng để xử lý tổng thể việc chuyển tiếp các quy hoạch.
Ghi nhận đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ đã trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất trên, đồng thời lưu ý về việc cần có nội dung chuyển tiếp để xử lý khoảng trống pháp lý từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực đến khi Nghị định có hiệu lực.
Trao đổi với BizLIVE, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ý tưởng của Luật Quy hoạch là ý tưởng đúng, đưa ra bản quy hoạch không có xung đột với nhau, là bản quy hoạch tích hợp, thống nhất giữa quy hoạch chung với quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất... nhưng gặp vướng mắc vì không thống nhất ý kiến giữa Bộ Kế hoạch Đầu tư và các bộ ngành khác có liên quan đến quy hoạch mà cụ thể là Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên môi trường...
“Thủ tướng Chính phủ mới đây đã có ý kiến cần xem giai đoạn tiếp theo đây giữa quy hoạch do các bộ nắm và ý tưởng Luật Quy hoạch thống nhất đó nên đi như thế nào. Hiện nay chưa đạt được sự thống nhất giữa các bộ dẫn đến Luật Quy hoạch có được thực thi không cũng là câu hỏi được đặt ra và nhiều khả năng khó thực hiện”, ông Võ nói.
Đề xuất về phương án, ông Võ cho biết, yêu cầu chỉ cần “chồng” các quy hoạch có thể hiện lên không gian và không có mâu thuẫn, không tạo ảnh hưởng mặt chồng chéo, lãng phí và cũng không gây “nghẽn” cho các dự án cụ thể.
Điện mặt trời “đội sổ” trong những dự án xếp hàng
Văn phòng Chính phủ trong báo cáo về Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch làm tài liệu họp Thường trực Chính phủ ngày 11/4 vừa qua cho biết, thời gian qua đã nhận được ý kiến phản hồi của các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Công Thương phản ánh khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Luật Quy hoạch.
Theo đó, hiện có 39 quy hoạch tỉnh chưa thể triển khai do chưa có hướng dẫn cụ thể; Quy hoạch, kế hoạch sử đất 2016-2020 của 5 tỉnh, thành phố (Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Cà Mau, Hải Dương) không thể ban hành; Khoảng 25 quy hoạch của các ngành (quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch khoáng sản, quy hoạch điện lực, quy hoạch cấp nước vùng kinh tế trọng điểm...) không thể ban hành, khoảng hơn 368 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp không thể triển khai vì vướng quy hoạch (tập trung ở lưới điện (91 dự án), điện mặt trời (210 dự án), xử lý rác phát điện...).
Số liệu báo cáo mới đây của Bộ Công Thương cũng cho biết, hơn một năm trở lại đây, Bộ này đã tiếp nhận đề xuất của hàng trăm nhà đầu tư với tổng cộng khoảng 340 dự án điện mặt trời, điện gió với tổng công suất dự kiến khoảng 28.000 MW, trong đó, điện mặt trời khoảng 26.000MW và số còn lại điện gió.
Tuy nhiên, tính đến hết năm 2018, số dự án được điện gió và điện mặt trời được phê duyệt để bổ sung quy hoạch mới chỉ khoảng 7.500MW. Như vậy, vẫn còn trên 20.000MW điện gió, điện mặt trời đang “xếp hàng”.
Bộ Công Thương cho biết, theo Luật Quy hoạch mới, ngành điện chỉ còn 2 quy hoạch: quy hoạch điện quốc gia và phần điện lực được tích hợp trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương tức là quy hoạch tỉnh đều do Thủ tướng phê duyệt. Bên cạnh đó, theo Luật Điện lực, để triển khai các dự án điện phải theo quy hoạch nên để triển khai tiếp công tác quy hoạch, phát triển các dự án điện hiện nay phải chờ hướng dẫn của Luật Quy hoạch.
Do đó, Bộ Công Thương đã đề nghị, trong giai đoạn chuyển tiếp này Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép Bộ có đủ thẩm quyền để tiếp tục thẩm định bổ sung các dự án nguồn và lưới điện như hiện nay để đáp ứng kịp tiến độ đầu tư công trình điện, đáp ứng nhu cầu cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội.
Bình luận về đề xuất này của Bộ Công Thương, TS. Trần Du Lịch, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, ông “hoàn toàn ủng hộ” đề xuất của Bộ Công Thương. Ông Lịch nói: “Chúng ta không thể do quy định chậm mà dừng các dự án này lại. Chính phủ nên có chủ trương cho phép Bộ Công Thương có đủ thẩm quyền để tiếp tục thẩm định bổ sung các dự án nguồn và lưới điện như hiện nay, cái nào thẩm định, cho triển khai, không chờ và cầu toàn”.
“Các dự án điện mặt trời liên quan đến năng lượng, chiến lược phát triển ngành năng lượng và ngoài ra còn nhiều lĩnh vực, chúng ta phải nỗ lực, những chủ trương là bứt phá và không thể làm chậm, bắt buộc cuộc sống phải dừng lại. Tôi ủng hộ những đề xuất như vậy của Bộ Công Thương”, vị cố vấn kinh tế của Thủ tướng nhấn mạnh thêm.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khi đề cập đến Luật Quy hoạch này cũng cho biết “nếu không xử lý sớm cả nước đình trệ hết vì quy định của Luật”. “Một nhà máy điện giờ muốn đầu tư cũng không được, vì không bổ sung được quy hoạch. Bộ Giao thông vận tải giờ muốn bổ sung một công trình giao thông cũng không làm được vì không có trong quy hoạch. Tất cả vấn đề đều do chúng ta hết, từ chúng ta hết”, ông Dũng nói.
Kể từ ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực các khó khăn, vướng mắc đã được đề cập tại nhiều cuộc họp từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương. Tính đến giữa tháng 4/2019 đã có 10 cuộc họp do Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì và nhiều buổi làm việc của Tổ công tác Thủ tướng với các bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, địa phương ảnh hưởng bởi Luật Quy hoạch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận