Hàng tiêu dùng ngày Rằm tháng Giêng: Thực phẩm ổn định, hoa tăng giá
Giá các mặt hàng tươi sống, các loại quả phục vụ rằm tháng giêng tại Hà Nội và TPHCM nhìn chung ổn định. Trong khi đó, hoa tươi bắt đầu tăng giá so với những ngày trước.
Tại Hà Nội, các loại rau, củ tươi sống được bán chạy nhất trong ngày 14 tháng Giêng là các loại nấm, bắp cải, súp lơ, cà rốt, khoai tây... giá các loại thực phẩm này hầu như không tăng, chỉ riêng súp lơ đang từ 8.000 đồng lên 12.000 - 15.000 đồng/cái
So với thời điểm trước đó một tuần, các mặt hàng hải sản không tăng giá, thậm chí một số mặt hàng còn giảm nhẹ. Chẳng hạn như tôm thường, tuần trước có giá 450.000 đồng/kg, nhưng khảo sát ngày 25/2 (tức ngày 14 âm lịch) đã giảm còn 380.000 đồng/kg.
Giá thịt lợn tại các chợ đang đứng yên, giá dao động khoảng 130.000 - 140.000 đồng/kg
Trong mâm cúng ngày rằm, ngoài các món xào nấu, món canh hay món kho (từ các loại rau củ, quả...), thì nhất thiết mâm cúng phải có trái cây. Theo quan sát cả buổi chợ sáng, các mặt hàng trái cây được rất nhiều khách lựa chọn, nhưng so với ngày thường và ngày trước Tết thì năm nay hoa quả giá ổn định, thậm chí giảm hơn so với thời điểm Tết. Cụ thể như: thanh long trắng có giá 55.000 đồng/kg, thanh long đỏ 50.000 đồng/kg, xoài cát chu 50.000 đồng/kg, dưa hấu 25.000 đồng/kg.
Giá cam xe thồ có giá 8.000 đồng/kg, giá cam tại quầy có giá 13.000 đồng/kg
Các mặt hàng hoa được đẩy giá lên cao trong ngày rằm tháng Giêng. Hoa được nhiều người dân lựa chọn cúng vào ngày rằm nhất là hoa hồng, hoa cúc... giá hoa hồng và hoa cúc đắt gấp đôi so với thời điểm vài ngày trước. Cụ thể: hoa hồng 10.000 đồng/bông, hoa cúc 5.000 đồng/cành
Ghé sang hàng hoa ly, một trong những hoa cũng được nhiều người dân quan tâm, so với ngày bình thường cũng đã "nhảy vọt" lên 15.000 đồng/cành, tăng khoảng 20%.
Bên cạnh các thực phẩm tươi sống, hoa quả thì các loại thực phẩm được chế biến sẵn, mua về có thể sử dụng ngay là chè trôi nước, xôi (gấc, đậu xanh, giò, bánh chưng) cũng được người dân lựa chọn nhiều.
Các chợ truyền thống ở TPHCM như Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), Bà Hoa (Q.Tân Bình), Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân)... các mặt hàng rau củ, trái cây, hoa cúng tấp nập từ sáng sớm.
Hoa trái ngập chợ, đều là hàng tươi mới trong ngày. Bà Minh (quầy hàng trái cây chợ Phú Lâm, Q.6) cho biết: "Rằm tháng Giêng còn gọi là Tết Nguyên tiêu là một trong những ngày rằm lớn nhất trong năm. Nắm bắt nhu cầu khách trong ngày này. Ngay từ trước Tết, chúng tôi đã đặt mối lái các sản phẩm trái cây tươi ngon nhất để đem về chợ. Năm nay giá nhiều mặt hàng trái cây không tăng so với trước Tết bởi sức mua không cao lắm do dịch COVID-19 nên mọi người thắt chặt chi tiêu".
Đồ chay là mặt hàng không thể thiếu trong dịp rằm. Các sản phẩm chay đa dạng không chỉ có đậu hủ mà còn được người bán chế ra nhiều món khác như như chả chay, cá chay... nhìn rất bắt mắt.
Đậu hủ có giá từ 5.000-6.000 đồng/bìa, không đổi so với ngày thường. Người mua tấp nập tại một lò đậu hủ nóng trong chợ.
Trong khi đó, nấm tươi là mặt hàng có giá tăng cao nhất trong ngày này. Cụ thể, nấm rơm giá 140.000 đồng/kg, nấm đùi già 100.000 đồng/kg. So sánh giá hàng ngày, nấm đã tăng gấp 2 lần, thậm chí gấp 3 lần...
"Nấu đồ ăn chay thì không thể thiếu nấm. Nhưng sáng nay ra chợ nghe tiểu thương báo giá mà chóng mặt. Cách đây 3 hôm, tôi mua nấm rơm giá chỉ 60.000 đồng/kg, nay các nơi đều nâng giá lên 140.000-150.000 đồng/kg thì quá đắt" - chị Uyên (ngụ Q.Bình Tân) nói.
Hoa tươi tấp nập về chợ, giá từ 10.000-35.000 đồng/bó.
Bông vạn thọ có giá chỉ 8.000 đồng/cây hút khách mua...
Bưởi cúng nguyên cành có giá từ 50.000-70.000 đồng/kg. Theo giới buôn bưởi, những trái bưởi từ 3-4kg mới có nhiều nước, ăn ngon; còn loại từ 1-1,5kg đa số là bưởi non, chỉ cúng cho đẹp chứ không ăn được.
Quýt Thái có già từ 40.000-50.000 đồng/kg đắt khách bởi màu vàng bắt mắt khi bày trên bàn thờ.
Các loại chè cũng đắt hàng, đặc biệt là chè trôi nước...
Bún, bánh canh, bánh ướt, mì căn... đắt hàng ngày rằm. Người dân xếp hàng chờ mua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận