Hàng Tết ngóng khách
Hàng Tết đã về chợ TPHCM nhiều, tiểu thương, doanh nghiệp kỳ vọng vào những ngày tới dù lượng khách mua sắm vẫn khá thấp.
Tại chợ Bình Tây (quận 5), mời khách dùng thử một số sản phẩm mới, bà Ngọc Ánh (sạp 676) thở dài: “Năm nay bán buôn không được nên tôi không dám nhập hàng, chỉ lấy mỗi món một ít để giữ mối thôi. Khách mua hàng chủ yếu là khách quen, và chỉ mua với số lượng nhỏ”. Bà Ứng Thị Liên, Trưởng ngành hàng bánh kẹo mứt chợ Bình Tây, thừa nhận, chưa bao giờ lại thấy chợ vắng như năm nay. “Khách tỉnh không lên, khách lẻ không buồn ghé. Chợ không chỉ vắng khách mà còn vắng cả người bán” - bà Liên nói.
Tình cảnh đìu hiu cũng diễn ra tại nhiều chợ khác như Bến Thành, Tân Định (quận 1), Phú Lâm (quận 6)… Tại một số chợ đặc sản như chợ Bà Hoa (quận Tân Bình), chợ Campuchia (quận 10), tiểu thương cũng dè dặt khi tung hàng đặc sản. “Nhiều sản phẩm đã tăng giá khoảng 30% nhưng chúng tôi vẫn giữ nguyên giá như năm 2021, thậm chí món tré Huế, bánh chưng, nem chua còn giảm từ 5.000-10.000 đồng/hộp. Giữ giá để hút khách nhưng sức mua rất èo uột”, bà Ba Thu, tiểu thương chợ Bà Hoa, nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Huỳnh Thanh Trường, Trưởng Ban Quản lý chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), cho hay, hàng Tết đã về nhiều tại chợ nhưng sức mua rất yếu, chỉ đạt khoảng 60% so với Tết 2021; giá cả tăng nhẹ từ 5-10% ở tất cả các mặt hàng. Chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp kích cầu như vận động tiểu thương bán hàng đúng giá, sản phẩm chất lượng…, trong khi người dân còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, phải “thắt lưng buộc bụng”.
Kỳ vọng những ngày cuối năm
Ông Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban Quản lý chợ Bình Thới, thừa nhận, sức mua tại chợ những ngày giáp Tết giảm khá nhiều. Tiểu thương kinh doanh trở lại gần như đạt 100%, hàng hóa về chợ đã rất phong phú, giá cả tăng nhẹ. Ban quản lý chợ đang phối hợp Đội quản lý thị trường và Phòng Tài chính kế hoạch quận tổ chức kiểm tra giá. “Thông thường, thời điểm này khách mua sỉ, mua hàng đi các tỉnh sẽ nhiều hơn, còn khách mua lẻ thì từ sau 23 tháng Chạp. Chúng tôi dự báo sức mua những ngày sắp tới có khả năng tăng cao hơn”, ông Tùng nói.
Trước tình hình kinh doanh khó khăn, nhiều chợ đã tận dụng cả kênh trực tuyến lẫn trực tiếp để bán hàng Tết. Tại chợ Bình Thới (quận 11), tiểu thương triển khai mạnh mẽ cách bán hàng qua app, qua điện thoại, giao hàng tận nơi.
Đối với kênh phân phối hiện đại, các chương trình giảm giá, khuyến mãi, tích điểm… thu hút nhiều khách hàng đến mua sắm. Theo ghi nhận, những ngày cuối tuần gần đây, quầy hàng thực phẩm Tết các siêu thị Big C, Co.op Mart, Satra, Aeon… luôn tấp nập khách. Đại diện Saigon Co.op cho hay, hệ thống này đang tổ chức giảm giá khuyến mãi 8 tuần liên tục trước Tết đối với các ngành hàng đồ dùng, may mặc, hóa phẩm, thực phẩm công nghệ… để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh người dân đang thắt chặt chi tiêu. Trong khi đó, hệ thống Satra ước tính tổng lượng lương thực, thực phẩm dự trữ cho 2 tháng Tết trị giá hơn 500 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với Tết năm ngoái.
Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam, nói: “Đến nay, người tiêu dùng vẫn còn khá thận trọng khi mua sắm, lượng khách hàng và sức mua đều chưa bằng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với một số dấu hiệu tích cực của thị trường, chúng tôi nhận định sức mua sẽ tăng dần, đặc biệt vào giai đoạn cận Tết”.
Không chỉ các siêu thị, các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada cũng đang giảm giá rất nhiều mặt hàng. Đại diện Lazada cho biết, đang triển khai chương trình Lễ hội mua sắm Tết 2022. Toàn sàn có hàng triệu sản phẩm được khuyến mãi đến 50% và được áp dụng thêm các mã giảm giá tích lũy.
Theo Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ, dự báo sức mua năm nay sẽ không bằng những năm trước. Tuy nhiên, khả năng người dân, đặc biệt là công nhân, sẽ ở lại thành phố đón Tết nhiều hơn và việc người dân không đi du lịch cũng sẽ góp phần gia tăng tiêu dùng tại TPHCM. Đó là những cơ sở để kỳ vọng sức mua thị trường sẽ tốt dần lên trong những ngày cuối năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận