Hàng Tết các nơi ùn ùn đổ về TP HCM
Các siêu thị đã tăng lượng hàng chuẩn bị, cung ứng lên ít nhất 20%-30% so với ngày thường. Các thương nhân lớn chủ động đầu tư dự trữ hàng hóa...
Kênh phân phối truyền thống với hệ thống 3 chợ đầu mối, hơn 200 chợ lẻ và hàng ngàn cửa hàng tạp hóa chiếm đến khoảng 75% thị phần bán lẻ tại TP HCM. Theo báo cáo của các ban quản lý chợ đầu mối, lượng thực phẩm về chợ trong những ngày cận Tết Quý Mão 2023 dồi dào, dự báo đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Hàng về chợ đầu mối tăng mỗi ngày
Tại chợ đầu mối Hóc Môn, từ đầu tháng chạp đến nay, trung bình mỗi ngày có gần 2.540 tấn rau củ quả, thịt heo về chợ, tăng khoảng 9% so với ngày thường. Ông Lê Văn Tiển, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, dự báo trong 6 ngày cao điểm từ 25-30 tháng chạp (nhằm ngày 16 đến 21-1), lượng hàng về chợ sẽ tăng khoảng 20% so với ngày thường. Trong đó, dự báo ngày 27 tháng chạp sẽ tăng cao nhất, đạt khoảng 4.000 tấn (tăng khoảng 70%). Đối với ngành hàng thịt heo, cao điểm ngày 29 tháng chạp dự kiến đạt 680 tấn/ngày - đêm, tăng 100% so với ngày bình thường.
"Nhìn chung, lượng hàng sẽ bảo đảm cung ứng 100% cho Tết. Đối với ngành hàng rau củ, quả, trái cây, các thương nhân đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa tại các kho lạnh xung quanh chợ, xe container lạnh lưu đậu tại bãi xe, ước khoảng trên 2.000 tấn. Lượng hàng này sẽ luân chuyển thường xuyên để kịp thời bổ sung nguồn hàng tại chợ" - ông Tiển nói. Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại chợ đầu mối, ông Tiển dự báo lượng hàng về chợ Tết năm nay phong phú, dồi dào. Đối với ngành hàng thịt heo, các thương lái, thương nhân dự báo lượng heo thu mua từ các trang trại vẫn bảo đảm cung cấp 100% cho thị trường phục vụ Tết.
Tại chợ đầu mối Thủ Đức, rau củ quả, trái cây và hoa tươi từ các tỉnh lẫn nguồn nhập khẩu về chợ đang tăng từng ngày. Ông Nguyễn Nhu, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, dự báo trong những ngày cao điểm (25-28 tháng chạp), lượng rau dao động từ 1.800-2.000 tấn/ngày, tăng khoảng 20% so với ngày thường; lượng trái cây dao động từ 2.200-4.000 tấn/ngày, tăng khoảng 100% so với ngày thường. Riêng lượng hoa tươi dự kiến dao động từ 250-300 tấn/ngày, tăng gấp 6-7 lần so với ngày thường.
Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) dự kiến lượng hàng trong tuần cận Tết có thể tăng bình quân 20%-35% so với ngày thường, đặc biệt trong đêm 26 và 27 tháng chạp, sản lượng có thể tăng từ 30%-50%, đạt khoảng 3.800-4.800 tấn/đêm.
Ông Phan Thành Tân, Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền, cho hay từ ngày 25 tháng chạp, những mặt hàng sử dụng nhiều trong Tết như cá thu, cá ngừ, tôm sú sống, mực tươi, quýt đường, cải thảo sẽ tăng giá mạnh từ 10%-30%; một số mặt hàng hoa tươi như hoa ly, hoa huệ, cẩm chướng tăng giá gấp 2-3 lần lúc bình thường. Còn lại, hầu hết mặt hàng chỉ biến động nhẹ và một số ít còn giảm giá do sản lượng về nhiều. Riêng mặt hàng thịt súc sản, gia cầm dự kiến năm nay không tăng mạnh, ước dao động khoảng 10% so với hiện nay.
Cua Cà Mau, tôm hùm tăng giá nóng
Ông Trần Văn Trường, chủ hệ thống hải sản Hoàng Gia (TP HCM), cho biết hiện tại sức mua hải sản tăng 20%-30% so với ngày thường chứ không tăng mạnh như các năm. Một phần nguyên nhân là do giá các loại hải sản được ưa chuộng ngày Tết như: cua Cà Mau, tôm hùm, ghẹ, cua hoàng đế nhập khẩu (king crab)… đều tăng giá mạnh vì Trung Quốc mở cửa sau đại dịch nên hút hàng rất mạnh.
"Mức tăng giá phổ biến ở mức 200.000-300.000 đồng/kg khiến hệ thống bắt buộc phải tăng giá ngay cận Tết. Giá tăng thì nông dân phấn khởi nhưng bán lẻ rất khó, nhất là bối cảnh người tiêu dùng Việt thắt chặt chi tiêu" - ông Trường bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Anh Thư, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản và Thương mại tổng hợp Thành Nhơn chuyên xuất khẩu tôm hùm, cua sống sang Trung Quốc cũng xác nhận giá các mặt hàng này đã tăng nóng từ khi Trung Quốc mở cửa (8-1).
"Giá tôm hùm bông thu mua sỉ từ nông dân hiện 1,4-1,6 triệu đồng/kg, tăng 200.000-400.000 đồng/kg; tôm hùm xanh từ 780.000-850.000 đồng/kg, tăng 100.000-150.000 đồng/kg so với tuần trước do khách Trung Quốc đặt mua nhiều để ăn Tết. Tương tự, giá cua Cà Mau cũng tăng 300.000-500.000 đồng/kg, khoảng gấp 2 so với tuần trước, cũng do sức hút của thị trường Trung Quốc. Hiện nay, tôm hùm, cua chủ yếu bán sang Trung Quốc còn các mối kinh doanh hải sản nội địa lấy hàng rất ít vì giá cao, bán ra chậm" - bà Thư nhận xét.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, giá cua biển thương phẩm trên địa bàn tỉnh Cà Mau liên tục tăng mạnh trong những ngày qua. Cụ thể, cua gạch loại 1 được thương lái đến tận vuông thu mua với giá 800.000 đồng/kg tăng gấp đôi so với 1 tuần trước; các loại cua khác cũng ở mức từ 250.000-350.000 đồng/kg. "Nếu tình hình này không có gì thay đổi, cua gạch Cà Mau sẽ đạt mức giá trên 1 triệu đồng/kg vào những ngày giáp Tết. Giá cua tăng cao đã khiến nhiều hộ nuôi phấn khởi và hứa hẹn sẽ có một cái Tết sung túc hơn" - thương lái Nguyễn Văn Nghị nhận định.
Xử lý dứt điểm các chợ tự phát quanh chợ đầu mối
Rạng sáng 15-1, đoàn công tác của UBND TP HCM do Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra tình hình thị trường và công tác chuẩn bị các mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Quý Mão 2023 tại 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn.
Qua khảo sát, đoàn công tác ghi nhận tín hiệu vui là lượng hàng dồi dào, giá cả hàng hóa ổn định. Những mặt hàng đặc trưng, tiêu dùng nhiều dịp Tết có tăng giá nhưng trong biên độ chấp nhận được. Tuy nhiên, cũng qua khảo sát, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết cả 3 chợ đầu mối đều bị chợ tự phát bủa vây, đây là vấn đề đáng quan tâm và cần phải xử lý dứt điểm. Chợ tự phát lấn át chợ đầu mối gây ảnh hưởng rất lớn đến an toàn thực phẩm, an ninh trật tự và nguồn thu thuế của nhà nước. Vì vậy, Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Sở Công Thương thành phố phải làm việc với chính quyền các địa phương để giải quyết dứt điểm vấn đề này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận