Hàng rào thuế quan chẳng còn là lo ngại lớn nhất của Trung Quốc trong thương chiến Mỹ-Trung
Chỉ mới hai tuần trôi qua mà mọi thứ đã đổi thay đến không ngờ.
Cách đây 2 tuần, giới chuyên gia còn “há hốc mồm” về những đòn thuế từ Mỹ và Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại ngày càng căng thẳng. Tổng thống Mỹ Donald Trump nâng thuế đáp trả lại hàng rào thuế quan trả đũa của Trung Quốc, ông gọi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell là “kẻ thù” và Dow Jones tụt 623 điểm, còn Nasdaq Composite khép phiên giảm 3%.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải) |
Hiện nay, dường như tâm lý lạc quan về thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung đã trở lại khi hai bên xác nhận sẽ tổ chức đàm phán thương mại chính thức vào đầu tháng 10/2019 và thậm chí có nguồn tin đáng tin cậy từ Trung Quốc cho biết đàm phán Mỹ-Trung lần này có thể đạt đột phá.
Dường như chính quyền Trump cũng chẳng làm gì để cải thiện tâm lý. Tại thời điểm này, chính những thông tin đáng khích lệ từ Trung Quốc mới là nguyên do đằng sau tâm lý lạc quan hiện tại.
Vậy, điều gì đã buộc Bắc Kinh đột ngột thay đổi giọng điệu?
Đó không phải vì vòng áp thuế mới đã có hiệu lực khi Mỹ-Trung “chơi” trò ăn miếng trả miếng trong cuộc chiến thương mại trong hơn 1 năm qua, và cũng chẳng phải những thông tin kinh tế khi dạo gần đây tin tốt và xấu đan xen với nhau. Thậm chí, điều này cũng chẳng phải do quyết định rút lại hoàn toàn dự luật dẫn độ đầy tranh cãi của nhà lãnh đạo Hồng Kông, Carrie Lam; vẫn còn chưa rõ sự xáo trộn ở Hồng Kông có tác động đến thương mại Mỹ-Trung hay không.
Xét tới thời điểm thay đổi giọng điệu, nhiều khả năng điều khác biệt là cả hai bên đều nhận ra rằng có cách khác để chấm dứt cuộc chiến thương mại – và cái kết khả dĩ đó là con đường mà Mỹ khó có khả năng thua.
Con đường khác được đề cập ở trên chỉ tóm gọn trong một từ: Decoupling (Tách rời).
Nỗ lực tách rời kể trên rất khác với nỗ lực của Mỹ trong việc buộc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế cho các công ty Mỹ. Thay vào đó, họ tập trung vào việc giảm bớt sự phụ thuộc nặng nề của công ty Mỹ vào Trung Quốc về nhu cầu sản xuất hàng hóa.
Ngay cả khi nền kinh tế không quá khép kín đối với nhiều hàng hóa và dịch vụ Mỹ, từ lâu, các chuyên gia đã lên tiếng kêu gọi Mỹ cần phải đa dạng hóa nguồn hàng nhập khẩu. Mặc dù việc tìm kiếm những nguồn hàng mới có thể không làm giảm bớt tình trạng mất cân bằng thương mại của Mỹ, nhưng sẽ giảm bớt rủi ro gây ra sự gián đoạn to lớn cho nền kinh tế Mỹ khi xuất hiện xung đột hoặc các vấn đề khác có liên quan đến một quốc gia nước ngoài.
Vậy, điều gì xảy ra trong khoảng thời gian từ ngày 23/08-06/09?
Nhờ thông tin quan trọng về Google, thế giới có vẻ rõ ràng nhận ra việc tách rời giữa Mỹ và Trung Quốc đã đi từ lý thuyết sang một điều gì đó đang thực sự diễn ra.
Chỉ 5 ngày sau khi thương chiến leo thang, Nikkei Asian Review ghi nhận vào ngày 28/08 rằng Google đang chuyển hoạt động sản xuất điện thoại thông minh Pixel từ Trung Quốc sang Việt Nam trong năm 2019. Chưa hết, Google cũng suy tính việc chuyển một phần lắp ráp loa thông minh sang Thái Lan.
Chẳng phải Google là công ty Mỹ đầu tiên thông báo chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc; hơn 50 công ty lớn khác đã chuyển ra khỏi Trung Quốc hoặc giảm bớt quy mô. Thế nhưng, thời điểm Google thông báo kế hoạch và cách họ gây ảnh hưởng đến Trung Quốc khiến câu chuyện trở nên đáng chú ý hơn.
Hãy nhớ rằng việc tách rời không nhất thiết là yếu tố tích cực đối với nền kinh tế Mỹ. Nó không có nghĩa số lượng việc làm tại Mỹ sẽ tăng, chẳng hạn Google chuyển sang Việt Nam và Thái Lan, chứ không phải Mỹ. Hàng rào thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc cũng chẳng làm Mỹ giàu hơn hay trực tiếp thúc đẩy nền kinh tế Mỹ, cho dù Nhà Trắng có nói gì đi chăng nữa.
Quá trình tách rời Mỹ-Trung được hiểu rõ nhất dưới dạng lợi ích an ninh quốc gia, chứ không phải biện pháp kích thích kinh tế.
Đối với Trung Quốc, xu hướng ngày càng tách rời với Mỹ có thể là kịch bản đáng sợ. Mỹ vẫn đứng nhất thế giới về thị trường tiêu dùng và Mỹ rõ ràng đang tìm nguồn mua nơi khác. Bắc Kinh cần phải nghĩ ra một vài đề xuất để làm chậm lại xu hướng này tại bàn đàm phán hoặc bằng một thỏa thuận dàn xếp với những nhà sản xuất vẫn đang hoạt động ở Trung Quốc.
Trong khi đó, lợi ích từ việc đa dạng hóa thương mại và đà tăng trưởng kinh tế kéo dài của Mỹ đang mang lại lợi thế thời gian cho chính quyền Trump. Điều này nghe có vẻ ngược với suy nghĩ thông thường rằng Trung Quốc và vị Chủ tịch suốt đời Tập Cận Bình có thể chờ Tổng thống Trump mãn nhiệm và có lẽ ông Trump cũng cần có thỏa thuận thương mại trước các cuộc bầu cử năm 2020. Ngoài ra, điều này cũng khác với quan điểm cho rằng Mỹ cần phải thắng cuộc chiến thương mại bằng cách loại bỏ các rào cản bảo hộ thương mại của Trung Quốc.
* Bài viết thể hiện quan điểm của Jake Novak, Chuyên viên phân tích chính trị và kinh tế tại Jake Novak News
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận