Hãng quốc phòng Mỹ: Ông Putin là “nhân viên bán máy bay F-35 giỏi nhất”
Cổ phiếu của các công ty công nghiệp quốc phòng lớn của Mỹ đã tăng mạnh kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch ở Ukraine.
Các công ty quốc phòng thắng lớn
Mới đây, ông Loren Thompson - Giám đốc điều hành kiêm cố vấn ngành công nghiệp quốc phòng tại Viện nghiên cứu Lexington (Mỹ) đã bày tỏ hạnh phúc: "Những ngày vui đã trở lại". Sự cảm thán ấy được ông Thompson đưa ra trong bối cảnh chiến sự ở Ukraine kéo dài và làn sóng chi tiêu quốc phòng ở các nước châu Âu và Mỹ và nổi lên.
Theo Politico, nhờ đó, các công ty quốc phòng Mỹ được “hạnh phúc lây”, điều này được phản ánh của giá cổ phiếu.
Theo thống kê, cổ phiếu của các công ty công nghiệp quốc phòng lớn của Mỹ đã tăng mạnh kể từ khi chiến sự bùng phát vào ngày 24/2. Cổ phiếu Lockheed Martin tăng 28%, từ mức 354 USD/cổ phiếu hồi đầu năm nay lên 453 USD/cổ phiếu vào ngày 25/3. Cổ phiếu của Raytheon Technologies tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước; trong khi cổ phiếu của Northrop Grumman tăng 27%.
Nhưng các công ty quốc phòng không phải là những người duy nhất kiếm được tiền. Theo Business Insider, ít nhất 19 nghị sĩ Mỹ hoặc bạn đời của họ đã và đang nắm giữ cổ phần của Lockheed Martin và Raytheon, những nhà sản xuất tên lửa Javelin và Stinger – các loại vũ khí đang được Ukraine sử dụng rất nhiều để chống lại quân Nga.
Ngày 24/2, khi Nga tiến hành chiến dịch ở Ukraine, Hạ Nghị sĩ Marjorie Taylor Greene của đảng Cộng hòa đã viết trên Twitter: "Chiến sự là một cơ hội kinh doanh lớn".
Tổng thống Putin là “nhân viên bán F-35 đỉnh nhất”
Ngoài tên lửa, máy bay tiêm kích F-35 cũng là “hàng hot” do xung đột Nga và Ukraine.
Reuters cho biết Đức và Canada đã quyết định mua máy bay chiến đấu này. Trong khi Canada quyết định “chốt đơn” 88 chiếc F-35, thì Đức sẽ mua 35 chiếc.
Tư lệnh Không quân Đức, Trung tướng Ingo Gerhartz đánh giá: "F-35 là không thể thay thế khi đối mặt với cuộc tấn công của ông Putin".
Có thể nói, việc ông Putin tiến hành tấn công Ukraine đã khiến nhu cầu quốc phòng, đặc biệt là phòng không ở các nước châu Âu tăng cao.
Về vấn đề này, Richard Aboulafia - Tổng giám đốc Công ty tư vấn hàng không vũ trụ AeroDynamics Consulting - trong một cuộc trả lời phỏng vấn Politico cho biết: "Không nghi ngờ gì nữa, ông Putin là nhân viên bán F-35 giỏi nhất từ trước đến nay".
Theo chuyên gia này, số đơt đặt hàng cho máy bay F-35 có thể lên tới 200 chiếc/ năm, trong khi công suất sản xuất của Lockheed Martin chỉ là 156 chiếc/ năm.
Ngành công nghiệp "vô tình"
Ngay từ hồi tháng Một năm nay, Giám đốc điều hành Lockheed Martin James Taiclet đã công khai tuyên bố rằng, "cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn được khởi động lại" sẽ làm tăng ngân sách quốc phòng và doanh số bán hàng.
Tuy nhiên, việc các công ty quốc phòng “ăn nên làm ra” trong thời kỳ chiến sự cũng vấp phải chỉ trích từ những tổ chức phản chiến. Mới đây, Truthout - một đơn vị truyền thông phi lợi nhuận từng đoạt nhiều giải thưởng ở Mỹ - đã chỉ trích các tập đoàn công nghiệp quốc phòng Mỹ.
Theo tổ chức này, chính "động lực vô tình" của thị trường và "chủ nghĩa đế quốc" đan xen đã thúc đẩy sự mở rộng của NATO, khơi mào chiến tranh từ Đông Âu đến Yemen.
Theo Politico
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận