Hàng quán được bán bia rượu: Kẻ khóc người cười
Bên cạnh các hàng quán phấn khởi khi được chính quyền cho phép hoạt động bình thường trở lại, vẫn còn không ít người bán rầu rĩ khi khó khăn vẫn chồng chất, đặc biệt nhiều nơi vẫn đóng cửa vì chưa được bán bia rượu, thiếu hụt nhân sự...
Ngày 16-11, UBND TP ra văn bản cho phép cơ sở kinh doanh ăn uống tại địa bàn có cấp độ dịch 1 và 2 hoạt động bình thường, mở cửa đến 22h. Theo ghi nhận ngày 18-11, nhiều hàng quán đã "sáng đèn" xôm tụ trở lại, đặc biệt các nhà hàng, quán nhậu trở nên đông đúc hơn trước đó.
"Lai rai" giúp kéo khách trở lại
Tối 18-11, dù chưa tưng bừng như bình thường nhưng dọc cung đường được mệnh danh là "cung đường ăn nhậu" - Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp) - các quán xá đã nhộn nhịp hơn hẳn so với những ngày trước đó, nhiều nhà hàng khách bắc ghế ngồi ngay trên vỉa hè để ăn nhậu.
Đang đon đả mời khách khi bên trong lượng khách đã chiếm khoảng 50% công suất chứa, đại diện một nhà hàng trên cung đường này cho biết khi TP cho bán bình thường trở lại, không giới hạn gì thì 'quán thả ga thôi'. Theo vị này, lượng khách đã tăng khoảng 50% so với thời điểm còn chưa được bán bia rượu và khống chế công suất hoạt động.
Tương tự, 2 bên cung đường này, hàng chục hàng quán có quy mô lớn cũng đã được người bán cho tổ chức kinh doanh trở lại nhộn nhịp với lượng khách tăng lên đáng kể.
Cũng tối 18-11, trên đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh), nhiều nhà hàng tấp nập khách, đặc biệt một số quán bình dân bày bán tràn ra vỉa hè với các món "đặc sản" như chim, gà nướng, cánh gà... khách ra vào tấp nập, trong đó phần lớn là người trẻ, sinh viên.
Anh Phúc (Bình Thạnh) cho biết sau nhiều tháng không gặp, khi nghe tin hàng quán được bán bia trở lại nên anh và nhóm bạn hẹn nhau ra "lai rai".
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 18-11, ông Trần Quốc Thịnh - người sáng lập hệ thống lẩu gà 109 (quận Phú Nhuận) - cho biết hiện 9 chi nhánh của đơn vị đã mở cửa kinh doanh bình thường trở lại, được bán bia rượu nên lượng khách đã đông dần hơn so với trước đó.
Nhiều hàng quán vẫn 'lay lắt', chưa thể hoạt động
Trong khi đó nhiều hàng quán vẫn gặp nhiều khó khăn, thậm chí đóng cửa kéo dài. Đại diện nhà hàng Thiên Hồng Phát (quận Tân Bình) cho biết dù TP đã cho bán bia rượu nhưng lượng khách ngày càng giảm dần nên đơn vị chỉ hoạt động cầm chừng.
Trong khi đó, dù 2 cơ sở được hoạt động như bình thường, bán bia rượu nhưng ông Hà Bình Kha - chủ nhà hàng Hai Châu (Gò Vấp) - cho biết ông phải đóng 1 cơ sở hơn tuần qua do nhiều nhân viên nghi bị nhiễm COVID-19, 1 cơ sở còn lại cũng chỉ hoạt động cầm chừng, bù lỗ do lượng khách chỉ đạt 20-30%.
"Ngoài nhân sự thiếu hụt nhiều, dịch COVID-19 đang bùng lại khiến tâm lý khách hàng ngại đến quán. Lỗ nặng kéo dài chắc hết năm", ông Kha than.
Thê thảm hơn, nhà hàng bò tơ Năm Sánh Quyết Thắng có 7 cơ sở tại TP.HCM nhưng đang chỉ hoạt động được 1 cơ sở, 6 cơ sở còn lại thuộc những khu vực chưa cho hàng quán bán bia rượu. Đại diện đơn vị cho biết họ đang phải "cắn răng" chịu lỗ triền miên bởi chỉ riêng tiền mặt bằng mỗi tháng đã tốn đến 700 triệu đồng dù không bán buôn được gì.
Nhiều hàng quán cho rằng ảnh hưởng hiện nay không chỉ ở các quy định mà do tình hình dịch bệnh COVID-19, thiếu hụt nhân sự… Do đó, dù bán bia rượu nhưng hiệu quả kinh doanh vẫn không khả quan, thậm chí có nguy cơ thụt lùi trong thời gian dài nếu dịch bùng lên.
Khó hiểu với quy định về cấp độ dịch
Theo nhiều người kinh doanh hàng quán, theo văn bản cho phép thí điểm đến 30-11 của TP, đối với hàng quán tại địa bàn được đánh giá cấp độ dịch là cấp 1 và 2 thì được bán bình thường; cấp 3 thì phục vụ tại chỗ không được quá 50% công suất, không bán bia rượu; cấp độ 4 là chỉ được bán mang đi. Tuy nhiên, "định nghĩa" cấp độ dịch hiện nay tại nhiều địa phương vẫn khá mông lung, cảm tính.
"Cùng một con đường nhưng một bên được chính quyền cho bán bia rượu, bên còn lại thì không. Cơ sở nào đưa tới quyết định như vậy? Liệu có đảm bảo sự công bằng?", chủ một nhà hàng tại TP Thủ Đức đặt vấn đề.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận