Hàng nghìn bị hại của địa ốc Alibaba sẽ được bồi thường thế nào
Chuyên gia pháp lý cho rằng, nhiều bị hại của địa ốc Alibaba yêu cầu nhận lại đất là không khả thi, việc lấy tiền cũng phải trải qua quá trình tố tụng kéo dài.
Sau hơn 20 ngày xét xử, vụ án Nguyễn Thái Luyện, 36 tuổi, Chủ tịch Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba (địa ốc Alibaba) và 22 đồng phạm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Rửa tiền đang trong quá trình nghị án. TAND TP HCM sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 29/12.
Đây là vụ án hình sự có số lượng bị hại đặc biệt lớn, tổng cộng hơn 4.000 người. Theo cáo buộc, Luyện và đồng phạm đã sử dụng 12/22 pháp nhân lập 58 dự án "ma" trên đất nông nghiệp ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó tự ý phân lô, tách thửa, bán cho khách hàng chiếm đoạt gần 2.400 tỷ đồng.
Về trách nhiệm dân sự trong vụ án, VKS đề nghị tòa buộc Luyện và vợ Võ Thị Thanh Mai liên đới bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt cho hơn 4.000 bị hại. Để đảm bảo cho việc thi hành án, cơ quan tố tụng tiếp tục kê biên hơn 260 thỏi vàng; 650 thửa đất (tổng diện tích hơn 447 ha); 23 ôtô, xe máy do các bị cáo sử dụng; hơn 1,6 tỷ đồng tiền đặt cọc thuê nhà; phong tỏa hơn 45 tỷ trong 49 tài khoản của cá nhân, công ty do Luyện và đồng phạm thành lập... Tổng số tiền theo kết quả giám định là khoảng 1.600 tỷ đồng, có thể dùng thi hành án.
Quá trình xét xử, Luyện cho rằng không chiếm đoạt tiền của khách hàng, những dự án do mình lập ra là có thật. Trong đó, nhiều thửa đất đã được cơ quan chức năng làm thủ tục tách thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng là đất thổ cư. Do đó, Luyện đề nghị tòa xem xét đối với những khách hàng mua đất đã được cấp giấy chứng nhận là đất thổ cư, được tiếp tục thực hiện các giao dịch dân sự này.
Nhiều bị hại cũng bày tỏ nguyện vọng muốn nhận lại đất dù là đất nông nghiệp. Còn lại đa phần bị hại khác xin nhận lại tiền đã đầu tư vào Alibaba.
Theo luật sư Trương Anh Tú (Công ty luật TNHH Trương Anh Tú), việc một số bị hại của Alibaba yêu cầu tòa cho nhận lại đất là không có cơ sở, khó có thể thực hiện. Bởi đối tượng trong hợp đồng mua bán giữa Công ty Alibaba và người dân là đất ở nằm trong dự án, nhưng tất cả đều là dự án "ma", được tạo dựng trên toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, phần lớn là đất lúa. Vì vậy, đối tượng của hợp đồng là không có thật, hợp đồng không có giá trị pháp lý.
"Đối với đất lúa, điều kiện nhận chuyển nhượng theo quy định của Luật Đất đai cũng rất khắt khe. Thứ nhất, phải có nhu cầu sản xuất nông nghiệp, người dân phải ở địa phương - nơi có đất trong địa bàn cấp xã. Như vậy, hợp đồng giữa Alibaba ký với khách hàng là vi phạm cả về nội dung và hình thức, việc mua bán chỉ được thực hiện trên giấy, nên người dân yêu cầu nhận lại đất là khó được đáp ứng", luật sư Tú nêu quan điểm.
Đối với những thửa đất mà tại toà Luyện khai "đã làm thủ tục tách thửa và chuyển mục đích lên đất thổ cư nhưng chưa kịp sang tên cho khách hàng", dưới góc độ dân sự, giao dịch này chưa hoàn thành nên chưa phát sinh hiệu lực. Hiện tài sản bị trộn lẫn và trở thành tang vật trong vụ án hình sự, do đó khả năng cao là sẽ bị thu hồi.
"Không có quy định pháp luật nào cho phép được cùng lúc vừa tách thửa vừa chuyển mục đích sử dụng đất. Nếu có thì việc cấp giấy chứng nhận của chính quyền địa phương là chưa phù hợp, những giấy chứng nhận này sẽ bị thu hồi", luật sư Tú nói và cho biết thêm đây là vụ án hình sự, toàn bộ đất là tang vật đều bị phong tỏa kê biên và xử lý theo quy trình tố tụng hình sự. Theo đó, tài sản này phải được bán đấu giá trả tiền cho các bị hại. Người dân thực sự có nhu cầu lấy đất thì có thể nộp hồ sơ tham gia vào quá trình mua đấu giá để mua lại mảnh đất đã mua trước đó từ địa ốc Alibaba.
Cùng quan điểm, luật sư Võ Đan Mạch (Công ty Luật TNHH MTV Ta Pha) cho rằng, việc nhiều người yêu cầu được nhận lại đất là rất khó được tòa án chấp nhận. Dù bị cáo Luyện và người dân đều đồng thuận về việc tiếp tục thực hiện hợp đồng, giao đất cho người dân, nhưng sự tự nguyện này là không phù hợp với quy định của pháp luật.
"Bởi lẽ không có cơ chế pháp lý hay căn cứ hợp pháp nào để công nhận quyền sử dụng đất ở cho những người bị hại trong trường hợp này. Tại thời điểm xác lập giao dịch và thực tế hiện nay toàn bộ khu đất mà người bị hại đã mua thuộc loại đất nông nghiệp, chứ không phải là đất ở (thổ cư) như các cam kết thỏa thuận trên hợp đồng giữa Alibaba và khách hàng", ông Mạch nói, căn cứ vào dữ kiện vụ án đã được công khai tại tòa. "Hơn nữa, dù chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và cấp phép, nhưng Công ty Alibaba dưới sự chỉ đạo của Luyện đã tự vẽ ra các dự án không có thật để lừa người dân. Do vậy, quyền sử dụng đối với các khu đất chủ yếu nằm trên giấy chứ không tồn tại về mặt thực tế".
Đối với việc khách hàng yêu cầu trả tiền, theo luật sư Mạch, căn cứ vào các tài liệu chứng cứ bị hại giao nộp và trong hồ sơ vụ án, nếu yêu cầu của họ có căn cứ tòa sẽ ghi nhận trong bản án, buộc Luyện và người liên quan phải có trách nhiệm bồi thường. Việc thi hành án sẽ được thực hiện khi bản án có hiệu lực pháp luật và trải qua quá trình bán đấu giá các tài sản hiện có của Alibaba.
Tài sản đã thu giữ của Công ty Alibaba (khoảng 1.600 tỷ đồng) tính đến hiện tại không đủ để bồi thường cho tất cả bị hại, song đến thời điểm thi hành án cơ quan chức năng sẽ định giá lại, có thể đủ trả cho nạn nhân. Trường hợp không đủ để bồi thường, cơ quan thi hành án sẽ phải chia theo tỷ lệ.
"Việc tính toán chia như thế nào cho hơn 4.000 người cũng là vấn đề phức tạp, tốn kém rất nhiều thời gian và tiền bạc", luật sư Mạch nêu quan điểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận