Hàng loạt xe khách sử dụng tem đăng kiểm giả: Khi tính mạng hành khách bị xem nhẹ
Hàng loạt ô tô khách sử dụng tem kiểm định, sổ đăng kiểm giả lưu thông trên đường bị phát hiện gần đây đã khiến nhiều người dân bức xúc và cho rằng hành vi này rất nguy hiểm, coi thường tính mạng hành khách…
Theo Cục CSGT (Bộ Công an), từ cuối năm 2022 đến nay, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện gần 40 trường hợp ô tô sử dụng tem kiểm định, sổ đăng kiểm giả… lưu thông trên các tuyến đường. Lực lượng CSGT đã chuyển cơ quan điều tra 20 trường hợp, xử lý hành chính 9 trường hợp và 4 vụ việc đã khởi tố.
Mới đây, Cơ quan CSĐT huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phạm Văn Quảng (41 tuổi, quê Quảng Ninh) về tội Làm giả và sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức. Ông Quảng là chủ ô tô khách đưa đón công nhân tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà.
Khi chiếc xe trên đang lưu thông tại đường nội bộ trong Khu công nghiệp Texhong Hải Hà thì bị lực lượng CSGT ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Kết quả cho thấy, trên xe có một chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới và tem nộp phí sử dụng đường bộ bị làm giả, không có dữ liệu trong hệ thống đăng kiểm.
Những xe ô tô bị phát hiện sử dụng tem đăng kiểm và tem nộp phí sử dụng đường bộ giả
Còn tại Hà Nội, đầu tháng 3 vừa qua, Công an huyện Sóc Sơn đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với 3 đối tượng gồm Nguyễn Quốc Hoàng (SN 1979), Bùi Quốc Thành (SN 1982), Nguyễn Quý Hiếu (SN 1983, đều trú tại xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn) về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Trước đó, Công an huyện Sóc Sơn phát hiện 4 ô tô khách lưu thông từ xã Bắc Phú đi xã Tân Hưng (Sóc Sơn), sử dụng tem đăng kiểm và tem nộp phí sử dụng đường bộ giả. Tại cơ quan công an, các đối khai nhận đã mua tem trên mạng xã hội với giá từ 500.000 - 600.000 đồng/ bộ để dán trên xe.
Có thể nói, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là sự quá tải, vướng mắc trong công tác đăng kiểm tại một số địa phương thời gian qua gây khó khăn cho chủ phương tiện.
Do đó, để xe tiếp tục lưu thông trên đường một số chủ xe đã lên mạng mua tem kiểm định giả để dán vào. Hành vi này là phạm pháp và cá nhân thực hiện có thể bị xử lý hình sự về hành vi làm giả, sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức - luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.
Điều 341 BLHS 2015 quy định, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
Ngoài ra, cá nhân làm, buôn bán tem giả, vé giả còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 202 BLHS 2015. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà người làm giả, sản xuất tem kiểm định giả sẽ phạt tiền lên đến 500 triệu đồng, phạt tù đến 7 năm.
Trường hợp phương tiện sử dụng giấy tờ đăng kiểm giả gặp tai nạn giao thông trên đường mà nguyên nhân liên quan tới yếu tố kỹ thuật thì người điều khiển phương tiện có thể bị xử lý hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ với mức hình phạt lên tới 15 năm tù. Bên cạnh đó, chủ xe cũng phải chịu trách nhiệm liên đới - luật sư Thu nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận