Hàng loạt thương nhân xăng dầu trả giấy phép, điều gì đang xảy ra?
Bộ Công Thương cho biết lý do nhiều thương nhân phân phối xăng dầu trả giấy phép vì không đủ điều kiện. Nhưng bên cạnh điều kiện, liệu có còn lý do nào khác khi mà trước đó, nhiều doanh nghiệp liên tục than phiền về khó khăn khi kinh doanh mặt hàng này.
Năm 2023, có thời điểm số thương nhân phân phối xăng dầu lên đến hơn 330 thương nhân. Đến nay, thị trường còn 298 thương nhân phân phối tham gia. Từ đầu năm 2024 đến nay, có 16 thương nhân đề nghị trả lại và Bộ Công Thương đã thực hiện việc thu hồi Giấy chứng nhận theo đề nghị của DN theo quy định.
DN rút khỏi thị trường là “bình thường’?
Theo đại diện Bộ Công Thương, nhiều thương nhân phân phối đã không duy trì được điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu theo quy định, các thương nhân đã chủ động trả lại Giấy chứng nhận. Việc tham gia và rút khỏi thị trường của các DN nói chung vẫn diễn ra thường xuyên, trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện cũng không là ngoại lệ.
Nhiều DN phân phối xăng dầu xin trả giấy phép do không đáp ứng đủ điều kiện.
Việc các thương nhân phân phối xăng dầu không duy trì điều kiện làm thương nhân phân phối và trả lại Giấy chứng nhận, Bộ Công Thương cho hay nếu họ tiếp tục kinh doanh xăng dầu sẽ lựa chọn hình thức khác như làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho các thương nhân phân phối hoặc thương nhân đầu mối khác, khi đó các cửa hàng của họ vẫn hoạt động bình thường.
Nếu họ không tiếp tục kinh doanh xăng dầu thì họ chuyển nhượng hoặc cho thuê cơ sở vật chất cho DN kinh doanh xăng dầu khác để tiếp tục kinh doanh. Như vậy, về cơ bản các cửa hàng xăng dầu vẫn hoạt động bình thường.
Liệu rằng có còn lý do gì khác? Bởi trước đó tình trạng DN khó khăn, chết hàng loạt cũng được nêu ra. Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch Công ty CP thương mại Dầu khí Đồng Nai, phàn nàn chính sách của Nhà nước đang dành quá nhiều ưu ái cho đầu mối, được nhập khẩu, được mua trong nước, được bán cho các địa lý; còn thương nhân phân phối mua đầu mối thì bán cho cửa hàng thuộc hệ thống của mình. Trong khu vực Nam bộ, DN xăng dầu có những nơi đóng cửa, “chết” hàng loạt.
Trong khi đó, ông Đỗ Thanh Hán, Giám đốc Công ty CP Xăng dầu Sài Gòn, từng chia sẻ 2 năm nay, người bán xăng dầu đang bị nằm trên giường bệnh - rất khó khăn. Nghị định 83 kêu gọi DN đầu tư, bỏ vốn ra. Nhiều người không chỉ mang tài sản của mình, mà còn huy động của người thân để kinh doanh, nhưng nếu thị trường như hiện nay, khó khăn kéo dài. DN sẽ mất hết sản nghiệp chứ không phải mất tài sản.
Theo ông Hán, một số DN coi buôn bán xăng dầu như nghề truyền thống, có gia đình 3 đời kinh doanh nhưng chưa bao giờ khổ vậy. “Trong khi DN lớn phát triển mạnh cửa hàng, một số DN lại giảm quy mô. Những tháng đầu năm nay, riêng hệ thống của tôi giảm đi 3 cửa hàng không phải chuyển đại lý khác mà đóng cửa”, ông Hán chia sẻ.
Ông so sánh thêm, ở Mỹ, giá xăng dầu buổi sáng khác buổi chiều, ngày lễ và Chủ nhật khác. Ở Việt Nam, ngày lễ, ngày tết phải huy động nguồn lực nhiều hơn nhưng vẫn phải bán giá theo quy định.
Vì sao mà ai cũng kêu khổ?
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hạnh, Công ty CP Sơn Hải kiến nghị thương nhân phân phối xăng dầu làm dịch vụ bán hàng hóa cho các thương nhân đầu mối để được hưởng hoa hồng (lấy công làm lãi) mà các thương nhân đầu mối cho.
Ông chia sẻ: “Chúng tôi rất trăn trở thương nhân phân phối xăng dầu có nhất thiết phải có kho, trong thực tiễn điều kiện thương nhân phân phối không cần thiết vì chúng tôi không phải là thương nhân đầu mối”.
Đồng thời, đại diện công ty này kiến nghị điều hành giá kịp thời, 15 ngày một lần kể cả ngày nghỉ thay cho việc điều chỉnh giá vào thứ 5 hàng tuần trong thời gian vừa qua. Nếu điều hành giá 7 ngày/lần như hiện nay sẽ triệt tiêu động lực kinh doanh của các DN do thời gian quá ngắn, không đủ cho một chu kỳ lưu thông từ khâu nhập khẩu đến khâu bán lẻ.
Không chỉ DN bán lẻ, ngay chính các DN đầu mối cũng than phiền rằng hiện nay việc thanh, kiểm tra nhiều cũng khiến họ khó khăn. Ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT PVOIL bày tỏ lo ngại về việc thanh kiểm tra trong ngành xăng dầu. Ông cho rằng không nhất thiết năm nào cũng thanh tra, tốn nguồn lực Nhà nước, nhiều đoàn thanh tra kéo dài tới 3 tháng. “Tại sao, cơ quan quản lý không áp dụng theo mô hình giống hải quan là phân luồng xanh, luồng vàng, luồng đỏ”, ông Dương nói.
Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng cho rằng, trong thời gian vừa qua, nhiều DN rơi vào tình trạng chung khốn đốn liên quan tới thanh tra, kiểm tra. Cán bộ thanh tra, kiểm tra đối chiếu theo quy định, bởi vậy, dù quy định chưa phù hợp thực tiễn, nhưng đứng trên góc độ thanh tra là sẽ kết luận sai phạm.
Đại diện Petrolimex mong muốn rằng "cố gắng đừng để thương nhân xăng dầu vất vả vì thị trường lại phải cố gắng tranh luận về khái niệm".
Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Thành viên Văn phòng luật sư NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, nhìn nhận chính sách xăng dầu phải xác định làm cho ai, vì ai. An ninh xăng dầu của một quốc gia được đảm bảo bằng chuỗi cung ứng. Do vậy, nếu đặt ra điều kiện kinh doanh là trói DN, trái luật đầu tư.
Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)
Qua công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật của các thương nhân kinh doanh xăng dầu, các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xăng dầu từ trung ương đến địa phương đã nắm bắt sâu sát hơn với tình hình hoạt động của các DN, những khó khăn, vướng mắc để có những giải pháp quản lý, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp hơn với bối cảnh, tình hình. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu theo kế hoạch nhằm chấn chỉnh hệ thống kinh doanh xăng dầu hoạt động theo quy định. Đồng thời, tiếp tục tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu trình Chính phủ trong tháng 6/2024.
PGS.TS. Ngô Trí Long, Chuyên gia Kinh tế
Hiện nay ở Việt Nam, để phòng ngừa rủi ro về biến động giá trong kinh doanh xăng dầu thường sử dụng: Quỹ bình ổn giá; Mua hàng hoá dự trữ khi giá xăng dầu thế giới có xu hướng biến động; Đa dạng hoá nguồn cung cấp để tạo nguồn cung với mức giá thấp nhất. Trong khi đó, việc sử dụng công cụ bảo hiểm giá (Hedging) trong kinh doanh đối với DN xăng dầu vẫn rất hạn hữu. Một số rất ít DN sử dụng công cụ Hedging, giao dịch phái sinh để phòng ngừa rủi ro biến động giá, nhưng đều thất bại. Phương thức kinh doanh của DN xăng dầu nước ta chủ yếu là mua trực tiếp từ các tổ chức cung cấp theo thời giá thế giới, không mua theo giá cố định giao tương lai. Do vậy, có sự rủi ro rất lớn đối với DN kinh doanh xăng dầu khi có sự biến động về giá xăng, dầu thế giới.
Ông Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế
Kinh doanh xăng dầu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng qua phản ánh của DN, tôi giật mình không ngờ họ khổ đến vậy. Tại sao vẽ ra một đống điều kiện như vậy. Tôi tha thiết mong làm sao đảm bảo quyền tự do kinh doanh, tự do mua bán trên thị trường xăng dầu. Chúng ta làm sao giảm mức thấp nhất các điều kiện, chỉ giữ lại các điều kiện then chốt và khi ban hành một điều kiện thì phải ban hành luôn quy trình làm thế nào thực hiện được quy trình đó.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận