Hàng loạt "ông lớn" Nhà nước thua lỗ trăm tỷ đồng
Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kiểm toán năm 2020 gửi Quốc hội, trong đó nêu bật hoạt động kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Đáng lưu ý, nêu tên nhiều doanh nghiệp thua lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Theo Kiểm toán Nhà nước, năm 2020 dù đại dịch Covid-19 diễn ra nghiêm trọng, tác động nhiều mặt, gây khó khăn và thách thức lớn, song có đến 15/16 doanh nghiệp Nhà nước được kiểm toán kinh doanh có lãi.
Hàng loạt Tập đoàn, Tổng công ty thua lỗ trăm tỷ đồng
Nhưng, bên cạnh đó rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, thậm chí lỗ rất đậm. Cụ thể như Công ty mẹ - Vinachem có 5 trong tổng số 22 công ty con có lỗ lũy kế hết năm 2020 khoảng 15.400 tỷ đồng, 01 công ty con khác đang dừng hoạt động; Công ty TNHH MTV Petrolimex Lào thuộc Công ty mẹ Petrolimex lỗ lũy kế hết năm 2020 là hơn 114 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 57 tỷ đồng.
Công ty mẹ - PVGas có 2/6 công ty con có số lỗ luỹ kế trên 600 tỷ đồng; Công ty CP Nhiệt điện Cẩm Phả lỗ lũy kế gần 1.800 tỷ đồng.
Ngoài ra, số vốn đầu tư của các công ty con vào công ty liên kết, doanh nghiệp đầu tư bị thua lỗ mất vốn cũng khá nhiều. Trong đó, có 4/5 công ty liên kết, đầu tư của Công ty mẹ HUD thuộc hạng mục đầu tư dài hạn lỗ năm 2019 và 2020 là hơn 55 tỷ đồng.
Tại Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, có 2/9 công ty liên kết lỗ lũy kế trên 120 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam (2/5 khoản đầu tư phải trích lập dự phòng 95,25 tỷ đồng), Công ty CP Phân bón và Hóa chất Cần Thơ (1 khoản đầu tư phải trích lập dự phòng 9,83 tỷ đồng).
Bất ổn về cân đối tài chính
Bên cạnh kết quả kinh doanh thua lỗ và lỗ luỹ kế cao, Kiểm toán Nhà nước còn nêu ra thực trạng quản lý tài chính, các cân đối lớn trong hoạt động quản lý dòng tiền, tài chính của doanh nghiệp Nhà nước.
Cụ thể, theo kết luận không ít doanh nghiệp chưa xây dựng quy chế quản lý tiền, định mức tồn quỹ tiền mặt/tiền gửi ngân hàng, kế hoạch sử dụng dòng tiền hoặc quản lý dòng tiền chưa hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp có tiền nhưng không tiêu hoặc không giải ngân được.
Tại PVGAS, công ty mẹ chưa cân đối dòng tiền từ các hợp đồng tiền gửi đến ngày đáo hạn khi xây dựng kế hoạch dòng tiền tháng/quý.
Công ty mẹ - VNS duy trì số dư tiền gửi không kỳ hạn ở mức cao (trên 63 tỷ đồng/ngày, giai đoạn 12/10-28/12/2020 trên 152 tỷ đồng/ngày), chưa chào lãi suất đến các tổ chức tín dụng khi gửi tiền.
Tại Vinachem, Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển chưa xây dựng tiêu chí lựa chọn ngân hàng, chào lãi suất đến các tổ chức tín dụng khi gửi tiền.
Kiểm toán Nhà nước đưa ra thực trạng một số công trình được xây dựng hoàn thành nhiều năm nhưng chưa nghiệm thu, quyết toán.
Cụ thể như tại HUD, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng HUD 3 chưa nghiệm thu, quyết toán số tiền 46,64 tỷ đồng ở các dự công trình hệ thống thoát nước Bắc Ninh 15,98 tỷ đồng, Công trình Phần thô nhà công vụ cơ khí Quang Trung 24,73 tỷ đồng, Công trình Hạ tầng cụm KCN Đồng Mai 0,32 tỷ đồng, Công trình Kết cấu và hoàn thiện hỗn hợp tòa nhà HH1 Chúc Sơn 5,61 tỷ đồng)…
Một số đơn vị có số dư quỹ đầu tư phát triển lớn nhưng chưa xây dựng kế hoạch, phương án sử dụng quỹ. Cụ thể, tại PVGAS, công ty mẹ 18.597,25 tỷ đồng, Công ty CP Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam 178,26 tỷ đồng, Công ty CP CNG Việt Nam 131,55 tỷ đồng; Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam 83,82 tỷ đồng.
Một số đơn vị không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn (Công ty mẹ - Vinachem); mất cân đối tài chính (VNS: Công ty mẹ, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty TNHH MTV Thép tấm lá Phú Mỹ - VNSteel) hoặc bị đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt (Công ty CP Thép tấm Miền Nam, Công ty TNHH MTV Thép tấm lá Phú Mỹ - VNSteel, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty TNHH Tư vấn MDC - VNSteel, Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung, Công ty CP Thép tấm lá Thống Nhất, Công ty CP Tân Thành Mỹ, Công ty TNHH Natsteelvina).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận