Hàng loạt cổ phiếu tăng hơn 1.000%, điều gì đang xảy ra với TTCK Indonesia?
Những cổ phiếu này được gọi là “cổ phiếu chiên ngập dầu”, có những đặc tính chung là cấu trúc sở hữu tập trung, khối lượng giao dịch thấp, ít được các nhà phân tích chú ý, có mức định giá cao so với các công ty cùng ngành. Trong 3 năm qua, ít nhất 83 công ty Indonesia chứng kiến cổ phiếu tăng giá hơn 1.000% từ mức cao nhất đến mức thấp nhất, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.
Con số này chiếm khoảng 10% tổng số lượng cổ phiếu đang được niêm yết ở Sở giao dịch chứng khoán Indonesia và cao hơn nhiều so với các nước láng giềng Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam và Philippines.
Cổ phiếu biến động dữ dội khiến các nhà quản lý nước này công bố một danh sách theo dõi, nhằm nhanh chóng phát hiện các công ty đang gặp khó khăn để bảo vệ nhà đầu tư.
Sau đây là những cái tên ghi nhận giá cổ phiếu biến động mạnh trên sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất Đông Nam Á.
Loạt cổ phiếu tăng hàng nghìn %
Đầu tiên phải kể đến cổ phiếu của công ty khai thác than Adaro Minerals Indonesia.
Kể từ khi bắt đầu giao dịch tại sàn chứng khoán Jakarta hồi tháng 1/2022, cổ phiếu Adaro đã bắt đầu tăng phi mã, từ 100 Rupiah lên 2.990 Rupiah chỉ trong hơn ba tháng. Đà thăng hoa sau đó dần hạ nhiệt và điều chỉnh về mức 1.720 rupiah/cổ phiếu tính đến cuối năm 2022.
Qua nhiều biến động, Adaro vẫn ghi nhận mức tăng 1.595% so với đầu năm, trở thành mã cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thế giới trong năm 2022, bỏ xa 2.803 cổ phiếu còn lại trong rổ Bloomberg World Index, đồng thời tăng gấp đôi so với cổ phiếu đứng thứ hai là Turkish Airlines.
Sở dĩ cổ phiếu này được thị trường ưa chuộng bởi gắn với đà tăng trưởng của giá than đá trên toàn cầu, cùng với đó là chiến lược của Adaro trong việc sử dụng lợi nhuận từ than đá để da dạng hóa hoạt động sản xuất kinh doanh vào lĩnh vực nhôm và sản xuất pin cho xe điện.
Ngược về năm 2021, được hưởng lợi lớn từ quá trình chuyển đổi kỹ thuật số ở Indonesia, cổ phiếu của Công ty quản lý dịch vụ công nghệ thông tin DCI Indonesia tăng gần 14.000% trong 5 tháng sau khi niêm yết lần đầu năm 2021, đưa hai cổ đông kiểm soát Otto Toto Sugiri và Marina Budiman trở thành tỷ phú.
Tuy nhiên đà tăng giá bất thường khiến cổ phiếu DCI vài lần bị tạm ngừng giao dịch, thậm chí bị điều tra. Tuy nhiên trả lời Bloomberg, lãnh đạo của DCI cho biết cuộc điều tra đã kết thúc và không có dấu hiệu nào cho thấy DCI vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, cả Sugiri và Budiman năm 2021 đều cam kết không bán cổ phiếu để cho mọi người thấy rằng họ không tìm cách đẩy giá cổ phiếu.
Loạt cổ phiếu biến động mạnh khác
Giá cổ phiếu của công ty sản xuất than lớn thứ tư Indonesia, Bayan Resources đã tăng giá hơn 220% trong vòng 6 tuần cuối năm 2022, được thúc đẩy bởi sự gia tăng nhu cầu về than sau cuộc xung đột tại Ukraine.
Cổ phiếu tăng vọt giúp Low Tuck Kwong, người sáng lập kiêm chủ tịch của Bayan, kiếm được là 16 tỷ USD trong năm 2022 để nâng giá trị khối tài sản ròng của mình lên 18,6 tỷ USD, theo Forbes.
Khi cổ phiếu của Bayan tăng lên mức cao kỷ lục vào cuối tháng 12, tỷ phú Low Tuck Kwong đã mua thêm cổ phiếu. Trước khi cổ phiếu tăng đột biến, giá trị tài sản ròng của Kwong là 5 tỷ đô la, bằng khoảng 1/5 tổng số tài sản của ông hiện nay.
Cổ phiếu Bayan Resources đang giao dịch ở mức P/E là 16 lần, cao hơn tất cả các công ty cùng ngành trong khu vực.
Ngoài ra, công ty khai thác than và vàng PT Petrindo Jaya Kreasi cũng đã chứng kiến cổ phiếu tăng đến gần 370% trong 7 tuần đầu tiên sau khi niêm yết vào đầu tháng 3. Điều này đã mang lại may mắn cho cổ đông lớn nhất, "ông trùm" Prajogo Pangestu.
Tuy nhiên, chỉ sau 1 tuần lên sàn, sàn chứng khoán Indonesia đã phát hiện ra diễn biến bất thường đối với cổ phiếu này. Cổ phiếu Petrindo Jaya Kreasi có tỷ số P/B là 6,6 lần, cao hơn gấp 3 lần so với chỉ số JCI.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận