Hàng loạt cổ phiếu BĐS vẫn bứt phá bất chấp TTCK rung lắc trong phiên 12/8
Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn giảm giá và kéo VN-Index lùi xuống dưới mốc tham chiếu ở phiên 12/8. Nhóm cổ phiếu bất động sản giao dịch tích cực trở lại và ghi nhận nhiều mã bứt phá.
Thị trường chứng khoán bước vào phiên giao dịch ngày 12/8 vẫn với trạng thái thận trọng. Nhóm cổ phiếu lớn tiếp tục có sự phân hóa mạnh và khiến các chỉ số rơi vào trạng thái giằng co. Biên độ dao động của các chỉ số duy trì ở mức thấp trong phiên này.
Tương tự như phiên trước, áp lực bán mạnh tiếp tục xảy ra vào cuối phiên và khiến chỉ số chính VN-Index đóng cửa trong sắc đỏ. Hàng loạt cổ phiếu lớn như MWG, STB, FPT, MSN, ACB, LPB, TPB, HPG, GAS… đều giảm sâu và gây áp lực rất lớn lên các chỉ số. Trong đó, MWG giảm đến 2,9%, STB giảm 2,6%, FPT giảm 2,4%, MSN giảm 1,9%...
Bên cạnh đó, rất nhiều cổ phiếu thuộc các nhóm ngành tăng “nóng” đợt vừa qua như phân bón, vận tải biển, cảng biển… đều điều chỉnh trở lại. Đối với ngành phân bón, các cổ phiếu như LAS, BFC, DCM, DPM… đều có mức giảm trên 6%. Trong khi đó, các mã cảng biển, vận tải biển như HAH, TCL hay PHP đều bị kéo xuống mức giá sàn. Bên cạnh đó, VNA giảm 12,2%, MVN giảm 7,3%, DVP giảm 6%...
Tâm điểm của phiên 12/8 tập trung vào nhóm cổ phiếu xây dựng, vật liệu xây dựng và bất động sản. Đối với nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng, các cổ phiếu như BCC, HOM, DPG, CEE, FCN, HBC, TGG... đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, G36 tăng 7,4%, CVT tăng 6,8%, HT1 tăng 6,2%, HUT tăng 5,8%...
Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản, các cái tên như SSH, HTN hay SZC đều tăng trần. Trong đó, SSH đã có 7 phiên tăng trần liên tiếp từ mức chỉ 21.600 đồng/cp lên 69.400 đồng/cp. SZC tăng mạnh sau thông tin công bố 20/9 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông trả cổ tức 2020 bằng tiền tỷ lệ 10% mệnh giá. Thời gian thực hiện dự kiến 11/10.
DIG tăng 6,4% lên 32.550 đồng/cp. Mới đây, ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Chủ tịch HĐQT của DIG, đã mua hơn 3,04 triệu cổ phiếu trong tổng 5 triệu đơn vị đăng ký do diễn biến giá chưa phù hợp. Giao dịch được thực hiện từ ngày 12/7 đến 10/8 qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Bên cạnh đó, NBB tăng 5,7% lên 31.400 đồng/cp, CEO tăng 5,6% lên 9.500 đồng/cp, SCR tăng 4,5% lên 11.500 đồng/cp, AMD tăng 4% lên 4.680 đồng/cp. IJC tăng 3,2% lên 27.400 đồng/cp. IJC mới đây công bố quyết định HĐQT về việc nhận chuyển nhượng một phần dự án với Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex) - đây là doanh nghiệp sở hữu 49,76% vốn của IJC. Becamex IJC sẽ nhận chuyển nhượng 2 lô đất thuộc khu tái định cư Hòa Lợi thuộc Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương, phườngng Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương từ Becamex.
Nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn biến động khá tích cực khi những cái tên như BCM, VHM, THD hay VIC đều tăng giá. Trong đó, BCM tăng mạnh nhất với 1,1% lên 45.000 đồng/cp.
Ở hướng ngược lại, một số cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao giảm sâu như PVL, KHG, BII…
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 4,74 điểm (-0,35%) xuống 1.353,05 điểm. Toàn sàn có 185 mã tăng, 183 mã giảm và 43 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,11 điểm (-0,03%) xuống 334,33 điểm. Toàn sàn có 110 mã tăng, 104 mã giảm và 68 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,03 điểm (-0,03%) xuống 91,98 điểm.
Khối lượng khớp lệnh trên hai sàn suy giảm so với phiên trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên với 867 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh đạt 24.948 tỷ đồng.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng khoảng hơn 140 tỷ đồng trong phiên 12/8, trong đó, VRE, VIC, NLG và NVL đều nằm trong danh sách bán ròng mạnh của khối ngoại. Chiều ngược lại, DIG, KDH và SZC nằm trong danh sách các mã được khối ngoại mua ròng mạnh.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index điều chỉnh nhẹ trong phiên thứ hai liên tiếp với thanh khoản khớp lệnh suy giảm so với phiên trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán ra là khá mạnh. Và khối ngoại tiếp tục bán ròng với hơn 150 tỷ đồng trên hai sàn là một điểm nhấn tiêu cực khác.
Trên góc nhìn kỹ thuật, với hai phiên giảm liên tiếp với thanh khoản khá cao thì thị trường đang phát đi tín hiệu về việc kết thúc nhịp phục hồi để bước sang nhịp điều chỉnh mặc dù vẫn còn khả năng đi tiếp tới vùng quanh 1.400 điểm nếu giữ được ngưỡng 1.350 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần. Vì vậy, cần tiếp tục quan sát diễn biến trong phiên cuối tuần để nhận định chính xác hơn về xu hướng thị trường. Dự báo, trong phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index có thể tiếp tục điều chỉnh về vùng hỗ trợ gần nhất trong khoảng 1.325 - 1.350 điểm./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận