Hàng không Việt đặt cược vào sự phục hồi “hậu dịch”
Vietjet chi 400 triệu USD mua động cơ của Rolls-Royce, Bamboo mở đường bay đến Anh, Vietnam Airlines lên kế hoạch bay thẳng đến Mỹ tháng này. Tất cả đang đặt cược vào sự phục hồi sau dịch.
Theo tờ Bloomberg, hãng hàng không VietJet vừa ký hợp đồng với Rolls-Royce trong thương vụ mua động cơ máy bay Trent 700 và các dịch vụ kèm theo trị giá 400 triệu USD. Trong tuyên bố bằng thư điện tử của mình, VietJet cho biết sẽ trang bị cho “đội tàu bay thân rộng sắp tới” bằng động cơ Trent 700. Đây cũng là một phần trong kế hoạch mở rộng để bay đến nhiều lục địa của VietJet, bởi hiện tại đội bay của VietJet chỉ bao gồm 90 máy bay thân hẹp.
Đối thủ của VietJet, Bamboo Airways, cũng không chịu kém cạnh khi chính thức công bố đường bay thẳng Việt Nam - Vương quốc Anh vào ngày 31/10/2021. Theo thông tin ghi nhận, tần suất bay ban đầu sẽ là 6 chuyến khứ hồi/tuần, rồi sau đó tiếp tục nâng tần suất từ năm 2022. Đường bay thẳng Việt - Anh sẽ giúp rút ngắn thời gian bay xuống chỉ còn 12 - 13 tiếng đồng hồ, tức là tiết kiệm đến 7 tiếng so với bay quá cảnh tại các quốc gia khác.
Vietnam Airlines đặt kế hoạch sau khi có giấy phép sẽ thực hiện chuyến bay thẳng thương mại thường lệ đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ vào cuối tháng 11 năm nay.
Những động thái của các hãng bay cho thấy ngành hàng không Việt Nam đang dự báo sẽ quay trở lại mạnh mẽ “hậu dịch”. Thực tế trên thế giới, các nhà đầu tư cũng đang đặt cược rất lớn vào ngành hàng không, dù cho đây là thị trường chịu nhiều ảnh hưởng nhất trong dịch.
Chẳng hạn, ông trùm bất động sản Hồng Kông Bill Wong đang bắt đầu thành lập một hãng hàng không mới mục đích cạnh tranh và soán ngôi Cathay Pacific. Hoặc tại Ấn Độ, tỷ phú Rakesh Jhunjhunwala cũng đang rót tiền đầu tư vào hãng hàng không mới thành lập Akasa Air.
Còn tại Hoa Kỳ, David Neeleman - người đã thành lập các hãng JetBlue Airways, Azul Brazil Airlines và WestJet - cũng đã xây dựng hãng hàng không mới và đưa vào khai thác thương mại từ tháng 5 năm nay.
Thậm chí một nghiên cứu từ Công ty tư vấn IBA (Anh) cho thấy tính đến giữa năm 2021, có khoảng 132 hãng hàng không đang tìm cách bay lại trong năm nay.
Theo các chuyên gia, hàng không luôn là một ngành cực kỳ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Và trong đại dịch, họ lại tìm thấy nhiều yếu tố thuận lợi để bắt đầu thâm nhập thị trường này.
Thứ nhất, vì không cất cánh nên giá bán, giá thuê máy bay hiện tại cực kỳ rẻ, chỉ bằng một phần nhỏ. Đối với các loại máy bay thân hẹp đã qua sử dụng, giá thuê giảm tới 40%, còn chưa kể nhiều ưu đãi khác. Đây cũng là mục tiêu nhắm đến của những hãng hàng không mới thành lập.
Thứ hai, nhân lực ngành hàng không hiện tại rất dồi dào. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế, dịch bệnh đã khiến 2,3 triệu lao động ngành hàng không mất việc, trong đó có cả những vị trí tay nghề cao như phi công hoặc thợ máy. Vậy nên các hãng hàng không mới thành lập có thể tận dụng thời cơ này.
Vì những điều kiện thuận lợi này mà dù cho còn rất nhiều khó khăn phải đối mặt, các nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin rất lớn vào hàng không.
Tại Việt Nam, chính phủ đang xem xét, sẵn sàng mở lại đường bay quốc tế. Vậy nên những bước đi của 3 hãng hàng không Việt đều là những động thái thể hiện sự chủ động đón đầu xu hướng và hứa hẹn phục hồi mạnh mẽ sau dịch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận