Hàng không thay đổi chiến lược kinh doanh để tồn tại trong “cơn bão” Covid-19
Diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khiến các doanh nghiệp (DN) vận tải buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh để tồn tại. Các DN hàng không cũng nằm trong số đó.
Chuyển trọng tâm từ vận tải hành khách sang vận tải hàng hóa là chiến lược được hầu hết các DN vận tải sử dụng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Đối với hàng không, việc chuyển đổi này mang đến lợi ích kép cho DN.
Tăng chuyến chở hàng để giảm tàu bay "đắp chiếu"
Trong số những DN hàng không nước ta hiện nay, Vietnam Airlines là hãng có số lượng tàu bay hùng hậu nhất và có tầm phủ sóng lớn nhất. Tuy nhiên, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nỗi lo lớn nhất cũng thuộc về hãng bay này.
Dịch bệnh khiến cho đường bay quốc tế bị đóng băng, nhiều đường bay nội địa tạm dừng khai thác, lượng hành khách đi máy bay sụt giảm thảm hại... trong khi chi phí duy trì đội bay lên tới hàng trăm chiếc là một con số khổng lồ. Kể cả khi tàu bay "đắp chiếu" thì số tiền chi cho các dịch vụ liên quan vẫn gần như giữ nguyên. Dịch bệnh càng kéo dài, thua lỗ của Vietnam Airlines cũng sẽ càng lớn.
Trong bối cảnh khẩn nguy đó, Vietnam Airlines đã có sự thay đổi chiến lược kinh doanh hợp lý để tồn tại. Đó chính là tăng cường các chuyến bay chở hàng để giảm số lượng tàu bay phải "đắp chiếu". Chiến lược trên được Vietnam Airlines bắt đầu thực hiện rầm rộ từ tháng 3/2021.
Thống kê của hãng cho thấy, chỉ trong vòng 20 ngày cuối tháng 3/2021, Vietnam Airlines đã thực hiện 45 chuyến bay chuyên chở hàng đi quốc tế. Các chuyến bay này xuất phát từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đi đến các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Chiến lược này tiếp tục được Vietnam Airlines thực hiện trong những tháng sau đó nhằm đảm bảo giao thương trong nước và quốc tế. Điển hình là việc Vietnam Airlines đã vận chuyển hàng trăm tấn vải thiều Bắc Giang bằng máy bay thân rộng Boeing 787 và Airbus A350 đi đến TP Hồ Chí Minh và Nhật Bản.
Để tăng trọng tải, ngoài khoang hành lý, hãng đã sắp xếp đưa 40 tấn vải thiều từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh trên khoang hành khách. Trên thực tế, việc sử dụng máy bay chở khách để chở hàng hóa đã được Vietnam Airlines thực hiện từ năm 2020. Thời điểm đó, hãng bay nay đã thực hiện tháo ghế 5 tàu bay chuyên chở hành khách (bao gồm 2 tàu A350, 3 máy bay A321) nhằm phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa.
Những thay đổi cải biến khoang hành khách giúp nâng gấp 2 đến gần 7 lần tải trọng hàng hóa của máy bay so với việc chỉ chở hàng trong bụng máy bay, qua đó tối ưu hóa chi phí và doanh thu của từng chuyến bay chở hàng.
Lợi ích kép
Các chuyên gia cho rằng, khi dịch bệnh chưa biết khi nào mới được kiểm soát thì đây chính là hướng đi duy nhất để cho các hãng bay tồn tại. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - Chuyên gia hàng không nhận định, chiến lược tăng cường vận tải hàng hóa để bù vào khoảng trống mà vận tải hành khách để lại đang là xu hướng phổ biến trong hầu hết các lĩnh vực vận tải chứ không riêng gì hàng không.
"Việc chuyển đổi sang vận tải hàng hóa được các DN hàng không thực hiện từ năm 2020 nhưng chỉ mang tính chất "dò đường" chứ chưa thật sự rõ ràng và quyết liệt. Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất của dịch bệnh Covid-19 đã thúc đẩy các hãng bay mạnh tay hơn với chiến lược này bởi họ hiểu rằng, đây là cách duy nhất để giúp họ tiếp tục tồn tại khi mà dịch bệnh không biết đến bao giờ mới chấm dứt" - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.
Theo chuyên gia hàng không này thì điểm thuận lợi là tất cả các hãng hàng không hiện có ở nước ta đều được phép thực hiện song song cả vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa. Điều này giúp họ không phải mất thêm thời gian để xin thêm "giấy phép con".
Tuy nhiên, hạn chế nằm ở chỗ các hãng hàng không của Việt Nam chưa khai thác máy bay chở hàng chuyên dụng (freighter), do đó khả năng cung ứng thị trường vận chuyển hàng hóa không lớn.
"Tất cả các hãng bay muốn chở hàng đều phải sử dụng tàu bày chở khách. Điều này khiến cho sản lượng hàng hóa chở được trong mỗi chuyến bay không cao. Muốn tăng sản lượng chở, hãng phải tháo bớt ghế hành khách ra và việc này phải được sự cho phép của Cục Hàng không Việt Nam" - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết.
Nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh tài chính, PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế cho rằng, năng lực vận chuyển hàng hóa của các hãng hàng không Việt Nam không thể bằng các DN hàng không freighter. Bù lại, việc tận dụng tàu bày chở khách để chở hàng sẽ giúp các hãng bay tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ cho dịch vụ mặt đất.
"Các tàu bay chở khách dù có đem chở hàng hay không thì các DN hàng không vẫn phải bỏ tiền dịch vụ mặt đất đều đều. Do đó, thay vì để tàu bay "đắp chiếu", mang chúng đi chở hàng hóa chẳng phải sẽ tốt hơn rất nhiều sao. Đó chính là lợi ích kép" - PGS.TS Ngô Trí Long phân tích.
Chuyên gia kinh tế này cho biết, hiện nay hầu hết các chuyến bay chở hàng hóa mà các DN hàng không nước ta thực hiện đều là đi thuê nước ngoài với chi phí đắt đỏ. Do đó, nếu có thể sử dụng máy bay chở khách để chở hàng hóa sẽ mang lại lợi ích không nhỏ.
"Một đằng đi thuê máy bay nước ngoài chở hàng còn máy bay mình "đắp chiếu" còn một đằng sử dụng chính máy bay đang "đắp chiếu" để đi chở hàng. Rõ ràng lợi ích mang lại lớn hơn rất nhiều. Đặc biệt, việc duy trì được các chuyến bay, dù là chở hàng hóa sẽ giúp củng cố mối giao thương trong nước và quốc tế thường xuyên thay vì bị ngắt quãng" - Chuyên gia Ngô Trí Long khẳng định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận