Hàng không quốc tế vẫn ì ạch phục hồi: Cục hàng không bày tỏ những lo ngại
Thị trường hàng không quốc tế đang gặp nhiều khó khăn, tốc độ phục hồi chậm khi các đường bay vẫn chưa thể khôi phục như kỳ vọng.
Hàng không quốc tế chỉ khôi phục 40%
Trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng mạnh, thị trường hàng không nội địa bất ngờ tăng trưởng vượt mọi dự báo. Trong khi đó, thị trường bay quốc tế vốn được đặt mục tiêu đến hết năm nay sẽ khôi phục như thời điểm trước dịch lại chỉ đạt được những con số tăng trưởng khiêm tốn.
Khảo sát thực tế của PV tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất ngày 1/8, hiện tại đang là cao điểm hè, lượng khách tăng đột biến khiến sân bay nhiều thời điểm quá tải. Tuy nhiên, đa số khách đến, đi tập trung chủ yếu ở khu vực nhà ga quốc nội, nơi khai thác các chuyến đi trong nước. Lượng người và phương tiện phục vụ tập kết chủ yếu tại đây, tạo nên khung cảnh đông đúc, nhộn nhịp.
Trong khi đó, khung cảnh nhà ga quốc tế cách đó không xa lại khá vắng vẻ. Khu vực quầy làm thủ tục, soi chiếu an ninh khá yên tĩnh, trái ngược với khung cảnh tấp nập, dòng người xếp hàng nối đuôi nhau chờ đến lượt như phía bên nhà ga quốc nội.
Hàng không quốc tế vẫn chưa thể phục hồi sau dịch. Ảnh: H.T
Theo ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, doanh thu của hãng hàng không phần lớn phụ thuộc vào đường bay quốc tế, nhưng tỷ lệ khôi phục hiện mới đạt khoảng 40% so với thời điểm trước dịch.
Cụ thể, lãnh đạo Cục Hàng không thông tin, trong tháng 7, hành khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt gần 12 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa là 10,6 triệu lượt (tăng hơn 40%), lượng khách quốc tế 1,3 triệu lượt (giảm 65%).
7 tháng đầu năm, hơn 56 triệu khách qua các cảng hàng không, tăng 111% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, quốc tế đạt 3,8 triệu khách, tăng 1.463% so với cùng kỳ 2021; nội địa đạt 52,3 triệu khách, tăng 98,2% so với cùng kỳ 2021.
Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 27,7 triệu lượt khách, tăng 104% so với cùng kỳ 2021, trong đó khách quốc tế đạt 1,6 triệu, tăng 1.939% so với cùng kỳ 2021 và khách nội địa đạt 26,1 triệu khách, tăng 97% so với cùng kỳ 2021.
2 năm dịch Covid-19 đã làm tê liệt thị trường bay quốc tế. Ảnh: H.T
Lãnh đạo Cục Hàng không bày tỏ những lo ngại vì thị trường quốc tế đang gặp nhiều khó khăn, các đường bay vẫn chưa thể khôi phục như kỳ vọng. "Doanh thu của hãng hàng không phụ thuộc vào bay quốc tế, nhưng tỷ lệ khôi phục hiện mới đạt khoảng 40% so với thời điểm trước dịch.
Đặc biệt, quá trình mở lại các đường bay đến Hàn Quốc và Trung Quốc còn gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu đặt ra là đến hết năm 2022, các đường bay quốc tế sẽ được khôi phục như thời điểm trước dịch. Tuy nhiên, mục tiêu này cũng gặp rào cản nhất định khi thời điểm này, dịch đậu mùa khỉ xuất hiện, các quốc gia có xu thế siết chặt công tác kiểm soát dịch", Cục trưởng Đinh Việt Thắng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, bay quốc tế còn gặp khó khăn "kép" khi giá nhiên liệu vẫn neo ở mức cao. Năm 2021, giá nhiên liệu bình quân là 72 USD/thùng, nhưng 6 tháng đầu năm 2022 con số này đã là 116 USD/thùng, bình quân cả năm 2022 dự kiến lên tới 138-140 USD/thùng. Trên thế giới, có những hãng hàng không đã phải ngừng bay chỉ vì giá nhiên liệu cao như Nigeria Airways, Qantas Airlines…
Nỗ lực nối lại mạng bay quốc tế
Thời gian qua, các hãng bay nhanh chóng nối lại đường quốc tế, nhưng "bóng đêm" Covid-19 trong 2 năm qua khiến một số hãng bay rơi vào tình trạng lỗ nặng. Chưa kể giá nhiên liệu JetA1 vẫn biến động theo mức tăng, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của hàng không.
Đơn cử như Vietnam Airlines, hãng này ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường nội địa trong nửa đầu năm nay với gần 9,5 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 24,6% so với kế hoạch giúp cho mức lỗ của hãng giảm đáng kể. Tuy nhiên, thị trường quốc tế vốn mang tới 65% doanh thu của hãng lại phục hồi chậm chạp.
"Trong 6 tháng đầu năm, tổng thị trường quốc tế chỉ đạt khoảng 12% so với trước đại dịch, do các rào cản nhập cảnh khiến nhu cầu đi lại bị hạn chế đáng kể. Hãng mới nối lại 35 đường bay quốc tế, bằng 53% so sánh trước đại dịch là 2019. Chúng tôi chưa thể khai thác trở lại các đường bay đến Trung Quốc, Myanmar, Nga do những hạn chế từ phía nhà chức trách" - đại diện Vietnam Airlines thông tin.
Trong khi đó, một đại diện hàng không dân dụng khác là Vietjet Air cũng tích cực khôi phục các đường bay quốc tế. Cụ thể, hãng bay đã đẩy mạnh phát triển các đường bay quốc tế mới, trong đó tiên phong phát triển và mở rộng 17 đường bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ, đất nước với 1,4 tỉ dân, tới Delhi, Mumbai, Ahmedabad, Hyderabad, Bangalore; khai thác các đường bay mới từ TP.HCM, Đà Nẵng đi Busan (Hàn Quốc), từ Hà Nội đến Nagoya và Fukuoka (Nhật Bản)…
Lãnh đạo Cục Hàng không cho hay thị trường quốc tế đang dần hồi phục, tuy nhiên tốc độ hồi phục còn thấp do nhiều quốc gia, khu vực (đặc biệt là các quốc gia Đông Bắc Á) vẫn đang áp dụng các quy định, chính sách về hạn chế đi lại trong việc phòng chống dịch Covid-19.
Trong khi đó, chuyên gia Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, cho rằng để phục hồi đường bay quốc tế, nhà chức trách hàng không cần tiếp tục triển khai đàm phán với những quốc gia là thị trường có tiềm năng lớn mà hiện Việt Nam chưa khai thác được nhiều, để các hãng trong nước có điều kiện thâm nhập, khai thác. Trước mắt, cần tiếp tục đàm phán để mở rộng phạm vi thừa nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam, thỏa thuận các quy trình, thủ tục với hành khách bay đi và đến Việt Nam…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận