Hàng không hủy chuyến, du lịch không dám nhận khách vì lo tour bị 'bể'
Việc các hãng hàng không bất ngờ hủy chuyến bay gần đây khiến nhiều công ty du lịch gặp khó thêm trong giai đoạn hậu COVID-19.
Nhiều công ty du lịch, lữ hành cho biết từ sau khi du lịch dần hồi phục, các tour tuyến bắt đầu nóng lên, du khách đông dần thì họ gặp tình trạng hãng bay khan hiếm chuyến.
Không dám nhận khách
Điều này dẫn đến nhiều tour "nóng" nhưng công ty lữ hành cho hay không dám nhận khách vì không có vé máy bay, rủi ro tour bị "bể" tăng cao.
Ông Trần Thế Dũng, phó giám đốc Công ty du lịch Thế hệ trẻ, cho biết rất nhiều lần ông đã phản ánh tình trạng hãng hàng không "lập lờ" trong việc bán vé, đặc biệt những đường bay hiếm như về Côn Đảo hay các sân bay nhỏ.
Không chỉ có tình trạng làm giá, "đi chợ đen" mới có được vé, các công ty du lịch còn gặp rủi ro hãng thông báo hủy chuyến bất thình lình, khiến khối lữ hành điêu đứng vì tour tuyến xem như phải dừng lại.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, phụ trách marketing của Công ty du lịch TST, cũng cho biết hiện một số tour đi Tây Bắc rất hấp dẫn du khách nhưng vì không thể lấy vé máy bay nên đành để tình trạng không nhận khách.
Trong phát triển du lịch liên tuyến, vé máy bay là phương tiện quyết định vì chỉ cần hãng bay trễ giờ so với kế hoạch là toàn bộ chương trình tour nối liền sau đó sẽ "phá sản".
Thiệt hại lớn
Theo ông Mẫn, khách có thể không kiện cáo nhưng thiệt hại với các công ty du lịch không hề nhỏ.
Ví dụ, một chương trình đoàn 30 khách với số phòng khách sạn đặt trước là 20 phòng, khi đến sân bay đoàn mới vỡ lẽ không có chuyến ngày thì điều đó đồng nghĩa số tiền đặt cọc 20 phòng kia cũng sẽ "bay", chưa kể các phát sinh khác, xem như chuyến đó công ty du lịch ôm trọn lỗ.
"Trước dịch, tình trạng chuyến bay trễ khá phổ biến, nhưng từ sau dịch đến nay còn có tình trạng hủy chuyến, các công ty du lịch tổ chức tour mà rất hồi hộp. Chúng tôi đành chọn những hãng có tỉ lệ trễ, hủy chuyến thấp, đồng thời mua thêm bảo hiểm để giảm thiểu thiệt hại.
Tuy nhiên, vẫn cần có sự giám sát và hình thức xử phạt đích đáng cho những trường hợp chưa có giấy phép bay nhưng vẫn liều bán vé", ông Mẫn đề xuất.
Các doanh nghiệp du lịch cho biết hiện nay ngành du lịch đang dần lấy lại niềm tin về du lịch an toàn để khách mạnh dạn đi lại, du lịch nhiều hơn, chọn chặng xa hơn. Thế nhưng chất lượng dịch vụ của ngành hàng không đang khiến quá trình này bị "cà giật", doanh nghiệp lữ hành thêm phần khó.
Một số công ty lữ hành phải cơ cấu lại sản phẩm, ưu tiên các tour tuyến đường bộ hoặc đường thủy, giảm phụ thuộc vào đường hàng không.
TS TRẦN QUANG CHÂU (chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ hàng không VN):
Đề xuất bay đêm để giảm tải
Việc sửa chữa đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất đáng ra phải làm từ nhiều năm trước, thậm chí mới nhất là trong thời điểm bùng phát dịch, được thế bây giờ có lẽ đã đỡ hơn nhiều.
Do chiếc áo thể chế quá chật, việc quyết sửa đường băng kéo dài nên đến nay trách nhiệm thuộc về ai vẫn còn đang tranh cãi.
Thực tế trên thế giới có nhiều sân bay vẫn khai thác một đường băng với tần suất rất cao. Do đó, hiện Tân Sơn Nhất và Nội Bài chỉ còn một đường băng vẫn đảm đương tần suất khai thác ổn định nếu khâu tổ chức, điều hành tốt.
Vai trò "cầm cân nảy mực" thuộc vào Bộ GTVT, Cục Hàng không VN để quyết liệt khâu quản lý, điều hành công bằng. Các hãng cũng phải chấp hành nghiêm ngặt theo quy định cấp slot để tránh việc ùn tắc.
Cần tính tránh tập trung vào khung giờ bay hành chính, thúc đẩy bay đêm để giảm tải cho hạ tầng...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận