menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quang Sang

Hàng không cần 25.000 tỷ: Tránh chạy đua xin cơ chế

Hỗ trợ ngành hàng không phải tính toán thận trọng, không phải xin là cho.

Hỗ trợ ngành hàng không cần được nhìn nhận một cách toàn diện, tránh tình trạng xin cho, xin bao nhiêu cũng được.

Ông Vũ Đức Quyết - nguyên Giám đốc Sở Công thương Bắc Ninh, cho rằng, ngành hàng không gặp khó khăn là sự thật, tuy nhiên, đó là khó khăn chung mà toàn nền kinh tế đang phải gánh chịu. Do đó, kiến nghị xin hàng loạt cơ chế hỗ trợ, trong đó có kiến nghị xin gói hỗ trợ vay gói tín dụng 25.000-27.000 tỷ đồng của Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho các hãng hàng không cần phải cân nhắc thận trọng, tránh chạy đua xin cơ chế, hỗ trợ dàn trải.

Đánh giá một cách toàn diện, ông Quyết nhìn nhận ngành hàng không là một loại hình vận tải có vai trò quan trọng trong kết nối giao thương, vận chuyển hàng hóa, vận chuyển hành khách, thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước cũng như xuất khẩu.

Cùng với đường sắt, đường bộ, đường hàng không cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh Covid-19 gây ra. Nhất là trong vận chuyển hành khách, do nhu cầu đi lại giảm sút, lượng khách vận chuyển cũng ít đi. Tuy nhiên, hàng không vẫn là loại hình giao thông quan trọng trong vận chuyển hàng hóa, nhất là các mặt hàng xuất khẩu như điện tử. Vì thế, vẫn cần thiết phải duy trì một phần hoạt động cho ngành hàng không, một mặt để giữ thương hiệu, mặt khác là để giữ vững các hoạt động vận chuyển hàng hóa, bảo đảm kết nối logistics giữa trong nước và quốc tế.

Nhìn nhận từ góc độ này, ông Quyết cho rằng việc hỗ trợ cho ngành hàng không là cần thiết, vấn đề là hỗ trợ như thế nào thì cần phải tính toán rất thận trọng.

"Cũng giống như các lĩnh vực khác, chính sách hỗ trợ cần có trọng tâm, trọng điểm và có mục đích rõ ràng, không có chuyện cứ khó khăn là xin, xin là cho và xin bao nhiêu cũng được.

Về nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ nên xác định theo thứ tự ưu tiên, theo đó, trong bối cảnh dịch bệnh ưu tiên cần hỗ trợ số 1 là sức khỏe con người, là các vấn đề an sinh xã hội. Vấn đề bảo đảm an sinh xã hội phải luôn được đặt lên hàng đầu, song song với đó là các cơ chế bảo đảm ổn định cho nền kinh tế phát triển.

Tiếp theo là xác định đối tượng, lĩnh vực cần được hỗ trợ. Các cơ quan quản lý cần xác định rõ tiêu chí, mục tiêu của chính sách hỗ trợ. Nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh, mọi hoạt động giao thương vận chuyển hàng hóa đang bị đình trệ, việc xác định hỗ trợ ngành hàng không như thế nào, hỗ trợ một phần hay hỗ trợ tất cả phải được tính toán kỹ lưỡng, hỗ trợ vừa bảo đảm cho ngành hàng không thông suốt, chuỗi vận chuyển không bị đứt gãy nhưng cũng phải cân đối hài hòa với các lĩnh vực khác.

Tôi nhắc lại, khó khăn là khó khăn chung, dịch bệnh đang ảnh hưởng chung tới toàn bộ các lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế. Vì thế, đối tượng muốn được hỗ trợ, cần được hỗ trợ không chỉ có một mình lĩnh vực hàng không. Nếu không tính toán thận trọng, một khi, ngành hàng không xin được gói hỗ trợ 25.000 tỷ, lập tức các ngành khác cũng muốn xin.

Điều này rất tai hại, bởi khi nguồn lực trong nước đang rất hạn chế, công tác phòng chống bệnh dịch vẫn diễn ra phức tạp, nhưng chính sách hỗ trợ lại không đúng, không trúng sẽ vừa gây lãng phí, vừa không cứu được nền kinh tế", ông Quyết lưu ý.

Nhấn mạnh tới cơ chế hỗ trợ, nguyên Giám đốc Sở Công thương Bắc Ninh nhấn mạnh, cứ liên quan tới chính sách hỗ trợ cơ chế ưu đãi là có vấn đề, có tiêu cực, có xin cho. Tình trạng lợi ích cục bộ, người nhà xin cho nhau, hoặc cố tình lợi dụng chính sách hỗ trợ để tư lợi, vun vén cho doanh nghiệp mình, cho ngành của mình là có thật và đã diễn ra trên thực tế.

Lấy lại ví dụ từ việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người nghèo trong mùa covid-19, ông Quyết cho hay, chính sách là hỗ trợ người nghèo nhưng rất nhiều người giàu có, người có xe, có nhà vẫn nằm trong diện nhận hỗ trợ. Tức là chủ trương thì đúng nhưng cơ chế thực hiện đã bị làm sai, khiến cho phần hỗ trợ của một số người nghèo đã bị rơi vào túi của người giàu.

Dù không phải địa phương nào cũng xảy ra tình trạng này nhưng việc làm sai, hỗ trợ sai là có. Chuyện xin chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng vậy, ngay từ khi Chính phủ có chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, lập tức đã có hàng loạt những đề xuất xin hỗ trợ như: Bộ Xây dựng thì xin hỗ trợ cho BĐS, Bộ Giáo dục lại xin cho trường tư, rồi đến lượt các bộ ngành khác đi xin cho tập đoàn kinh tế nhà nước...

Nếu không tính toán thận trọng, chuyện hỗ trợ người nghèo có thể sẽ lặp lại ở chính việc thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế.

"Phải tuyệt đối tránh tình trạng chạy đua xin hỗ trợ, hỗ trợ sai đối tượng, sai mục đích, nguồn lực đất nước bị phân bổ nhầm, chảy ngược lên vùng cao. Những đối tượng yếu thế, đang lâm cảnh kiệt quệ vì dịch bệnh bây giờ lại không xin được cơ chế, không xin được hỗ trợ thì không khác nào người chết đuối lại bị dìm thêm một lần nữa cho chết hẳn.

Trong khi những doanh nghiệp, tập đoàn lớn vốn có thế mạnh, có quan hệ, lại được nhận nhiều ưu đãi nay lại được ưu đãi nhiều hơn. Việc này không khác nào chính sách hỗ trợ là để hỗ trợ người giàu, cuối cùng người khó vẫn khó, người giàu vẫn cứ giàu thêm", ông Quyết cảnh báo.

Từ phần tích trên, vị chuyên gia nhấn mạnh, nếu không giải quyết tốt bài toán ưu đãi, thì không những không cứu được nền kinh tế mà ngay cả ngành hàng không cũng không cứu nổi. Vì hoạt động của ngành hàng không còn liên quan tới rất nhiều hoạt động khác trong nền kinh tế, ví dụ như du lịch, sản xuất. Du lịch, sản xuất có phát triển, ngành hàng không mới phát triển.

"Việc này cũng giống như người mắc ung thư vậy, quan trọng là chẩn đoán và phương pháp điều trị phù hợp nếu không sẽ xảy ra tình trạng chẩn đoán sai, điều trị cũng sai thì cuối cùng tiền vẫn mất mà tật vẫn mang, không giải quyết được gì, thậm chí còn kéo theo nhiều nỗi khổ khác.

Vì vậy, hỗ trợ muốn bảo đảm công bằng, minh bạch, đúng người, đúng việc thì việc trước hết phải xem cơ chế hỗ trợ như một bài toán đầu tư.

Ở đây hỗ trợ là nhằm khắc phục tình huống khó khăn, vực dậy nền kinh tế, do đó, phải xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn để hỗ trợ cho thật chuẩn. Dựa trên tiêu chí, tiêu chuẩn đó mới áp vào từng đối tượng để thực hiện việc xem xét hỗ trợ.

Vấn đề quan trọng không kém chính là quá trình thực hiện phải bảo đảm nghiêm minh, công tâm, khách quan, được giám sát chặt chẽ, nghiêm túc, minh bạch.

Luôn nhớ, hỗ trợ là vì mục đích phát triển chung cho toàn nền kinh tế, hướng tới sự phát triển chung, chứ không vì lợi ích của một doanh nghiệp hay vì lợi ích của một ngành, một đơn vị nào", ông Quyết nhấn mạnh.

Link Nguồn
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả