Hàng hoá qua cảng biển Việt Nam đạt kỷ lục gần 363 triệu tấn
Theo đại diện Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT), trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ghi nhận mức sản lượng đạt gần 363 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ của năm 2020. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây.
Cảng biển Việt Nam bội thu
Dữ liệu thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, song tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển Việt Nam bất ngờ đạt tốc độ tăng trưởng rất mạnh so với cùng kỳ 2020.
Đáng chú ý, riêng mặt hàng container vẫn giữ nhịp tăng trưởng mạnh với hơn 12,4 triệu TEUs, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hàng container xuất khẩu ước đạt gần 4 triệu TEUs, tăng 17%; hàng container nhập khẩu ước đạt hơn 4,1 triệu TEUs, tăng tới 26% và hàng container nội địa ước đạt hơn 4,3 triệu TEUs, tăng 24%. Trước đó trong 5 tháng đầu năm 2021, các cảng biển Việt Nam tiếp nhận hơn 195.300 lượt tàu thông qua. Trong đó, hơn 24.700 lượt tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài (tăng 11%) và trên 26.300 lượt tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam. Với việc tăng trưởng về lượt phương tiện giúp sản lượng hàng hóa thông qua cảng Việt Nam bằng tàu biển cũng tăng 9% so với cùng kỳ, đạt hơn 209 triệu tấn.
Thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam cũng cho thấy, chỉ riêng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển tại các cảng do Vinalines quản lý đạt 23,7 triệu tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 13,7% tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển của cả nước. Trong đó, Cảng Hải Phòng có khối lượng hàng hóa thông qua lớn nhất với 5,896 triệu tấn, chiếm 24,9% và Cảng SSIT đứng thứ hai với 3,11 triệu tấn, chiếm 13,1% so với tổng khối lượng hàng hóa do Vinalines quản lý. Đặc biệt, Cảng Cái Cui đạt sản lượng tăng cao nhất với 143%, tiếp đến là Cảng Bến Thủy tăng 67% và Cảng Tiên Sa tăng 46% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, trong những tháng đầu năm 2021, một số khu vực cảng biển có sản lượng hàng container thông qua có mức tăng đột biến như: Khu vực Mỹ Tho tăng 74%; khu vực An Giang tăng 50%; khu vực Thành phố Hồ Chí Minh tăng hơn 17%; khu vực Vũng Tàu tăng 38%. Tuy nhiên, cũng có một số khu vực cảng biển lại có sản lượng hàng container giảm mạnh như: Khu vực Quảng Ninh giảm 97%; khu vực Thanh Hóa giảm 60% và khu vực Cần Thơ, Bình Thuận giảm 10%.
Hiệu quả từ các biện pháp can thiệp kịp thời
Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, thời điểm cuối năm 2020 và đầu năm 2021, ngoài ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, sản lượng hàng hóa đi bằng đường biển còn chịu ảnh hưởng và tác động rất lớn bởi tình trạng thiếu chỗ trên tàu và thiếu container rỗng.
Các vướng mắc này khiến thị trường hàng xuất khẩu Việt Nam nói riêng và chuỗi cung ứng hàng hóa trên thế giới bị chậm lại. Tuy nhiên, với sự can thiệp kịp thời của cơ quan chức năng, các hãng tàu vẫn bố trí luân chuyển vỏ container rỗng về Việt Nam để phục vụ đóng hàng xuất khẩu thay vì dồn container sang vận chuyển hàng hóa tại Trung Quốc để tranh thủ thời cơ lợi nhuận cao. Việc bố trí luân chuyển khiến ảnh hưởng của tình trạng thiếu vỏ container rỗng đến sản lượng hàng hóa qua cảng biển vì thế cũng chưa lớn.
Tuy nhiên trái ngược với gia tăng của tàu biển, số lượt phương tiện thủy nội địa thông qua cảng biển lại giảm 5% so với cùng kỳ năm 2020 với hơn 144.200 lượt. Trong đó, lượt tàu thông qua bằng phương tiện sông pha biển (VR-SB) đạt gần 17.000 lượt, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 12% tổng lượt thông qua bằng phương tiện thủy nội địa.
Theo đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, diễn biến tích cực là mặc dù sụt giảm về số lượt phương tiện thông qua nhưng lượng hàng do phương tiện thủy nội địa vận chuyển thông qua cảng biển vẫn ghi nhận tăng trưởng với mức 4%, đạt hơn 93,3 triệu tấn. Trong đó, khối lượng hàng hóa thông qua bằng tàu pha sông biển đạt gần 26 triệu tấn, tăng tới 36% so với cùng kỳ năm 2020.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận