Hàng giả trên mạng xã hội: Cần thêm chế tài để xử lý
Cần bổ sung và hoàn thiện pháp luật về chống hàng giả, hàng nhái, trong đó có hành vi bán hàng giả thông qua bán hàng online.
Thực hiện lệnh cách ly toàn xã hội và tránh sự lây lan của dịch bệnh, mua sắm trực tuyến đang bùng nổ và đem lại nhiều thuận tiện cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, tình trạng mua bán trên các mạng xã hội hiện nay đang diễn biến phức tạp và thiếu sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Chính vì vậy, hiện tượng bán hàng giả đang là vấn đề nhức nhối và ảnh hưởng không chỉ tới người tiêu dùng, mà còn đối với nhiều DN làm ăn chân chính. Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương cho rằng, đây cũng đang là vấn đề nan giải cần có những chế tài xử lý cụ thể.
Hiện nay, vấn nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ tràn lan trên thị trường đang ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý mua sắm của người tiêu dùng. Đặc biệt, đối với những ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm, hoá mỹ phẩm, dược phẩm… hàng giả mạo, không đảm bảo chất lượng còn đe doạ trực tiếp đến sức khoẻ, thậm chí tính mạng của người tiêu dùng khi sử dụng. Bên cạnh nhiều vụ bị bắt giữ và xử lý thì hiện vẫn còn một lượng lớn hàng giả, hàng nhái còn được phân phối trên mạng xã hội gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý.
Anh Nguyễn Văn Hoan (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, do tình hình dịch bệnh và cách ly xã hội nên việc mua sắm trực tiếp tạm thời rất hạn chế, cùng với đó, mua sắm online lại rất nhộn nhịp. Theo anh Hoan, hiện nay các mặt hàng rao bán trên mạng xã hội rất đa dạng, đủ mọi loại hàng hóa từ bình dân đến cao cấp, đủ đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh đó, hàng còn được giao nhận tận nơi, tiết kiệm chi phí; tránh được rủi ro khi tiếp xúc chỗ đông người. Tuy nhiên không phải mặt hàng nào cũng chuẩn như những lời quảng cáo mà rất nhiều shop, cá nhân đăng một kiểu, bán kiểu khác.
Anh Hoan kể, nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, anh tìm mua quà để tặng vợ và đã chọn được bộ sản phẩm làm đẹp của một shop chuyên bán hàng mỹ phẩm livestream trên facebook bán bộ sản phẩm Chanel chính hãng với giá khuyến mại trên 50%. Sau khi đặt hàng 2-3 ngày thì anh nhận được hàng chuyển đến tận nơi. Đúng ngày 8/3 anh tặng quà và khi vợ mở hộp quà thì phát hiện đây là hàng nhái bán đầy trên thị trường với giá rất rẻ và không dám dùng vì chất lượng kém. Đến lúc này anh Hoan mới biết mình bị lừa và tìm lại trang cá nhân của shop thì tài khoản đã bị khóa. Chính vì vậy, bây giờ mua sắm trên mạng xã hội phải rất cẩn thận, chủ yếu phải tìm hiểu kỹ shop và lựa chọn những nơi tin tưởng, kiểm duyệt được các sản phẩm, anh Hoan cho biết.
Trên thực tế, trong mênh mông các mặt hàng kinh doanh, mua bán trên mạng xã hội thì thật giả, vàng-thau nhiều lúc lẫn lộn, khiến người tiêu dùng không khỏi hoa mắt và rất dễ bị dính những cú lừa phải hàng kém chất lượng. Theo một shop bán đồng hồ chính hãng tại Hà Nội thì hiện nay, rất nhiều người kinh doanh trên mạng với đủ loại thành phần, giới tính, sử dụng một hoặc nhiều tài khoản khác nhau, địa chỉ không rõ ràng… và cũng bán tràn lan hàng kém chất lượng, hàng nhái thông qua các ứng dụng mạng xã hội như zalo, facebook. Giá hàng nhái chỉ bằng nửa, thậm chí bằng 20-30% giá hàng chính hãng, nhưng người tiêu dùng rất khó phân biệt được hàng thật hàng giả. Điều này không chỉ xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của các cửa hàng, DN làm ăn chân chính.
Theo Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tình trạng mua bán trên các mạng xã hội rất phổ biến, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh hiện nay. Tuy nhiên, việc kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng bày bán là rất khó khi mà việc trao đổi, mua bán diễn ra trực tiếp giữa người mua và người bán không thông qua đơn vị kiểm soát chất lượng nào. Trong thời gian gần đây, số lượng người tiêu dùng phản ánh, khiếu nại về mua hàng trên mạng chất lượng không như quảng cáo, mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng... ngày càng gia tăng. Trong đó, nhiều những địa chỉ bán hàng của cá nhân trên mạng không đăng ký với các cơ quan chức năng rất khó trong việc xác minh, xác định tên và địa chỉ người vi phạm. Nhiều trường hợp bị phản ánh đã khóa tài khoản không liên hệ được.
Như vậy, làm thế nào để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên mạng xã hội, trên internet là một trong những mối quan tâm hàng đầu không chỉ của người tiêu dùng mà của cả các DN bị làm giả, làm nhái và các cơ quan chức năng. Theo Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hiện nay bán hàng trên mạng chưa có cơ chế quản lý nào, cho nên cũng rất khó để xử lý các trường hợp gian dối.
Trước thực tế đó, rất cần thiết phải có sự quản lý chặt chẽ hơn nữa nhằm xử lý nghiêm các hành vi gian dối, trục lợi, đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong hoạt động kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng. Trước mắt, cần bổ sung và hoàn thiện pháp luật về chống hàng giả, hàng nhái, trong đó có hành vi bán hàng giả thông qua bán hàng online.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận