Hàng chục nghìn điểm bán lẻ được phép làm đại lý thanh toán ngân hàng
Theo chuyên gia, các chuỗi bán lẻ với hàng trăm, hàng nghìn cửa hàng trên cả nước sẽ là những lựa chọn hàng đầu của ngân hàng khi tìm đại lý thanh toán.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã công bố dự thảo thông tư quy định về hoạt động giao đại lý thanh toán hướng đến mục tiêu phục vụ cho phổ cập tài chính toàn diện.
Theo đó, các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể giao đại lý thanh toán đối với các bên như ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Các nghiệp vụ được giao cho đại lý thanh toán bao gồm nhận hồ sơ mở tài khoản, nhận hồ sơ mở thẻ, nhận hoặc trả tiền mặt cho khách hàng nhằm thực hiện các giao dịch nộp/rút tiền mặt vào/từ tài khoản thanh toán của khách hàng,…
Chuỗi bán lẻ hưởng lợi
Ba mô hình dịch vụ thanh toán từng được NHNN cho phép thí điểm là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) và Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Trong đó, M_Service là đơn vị sở hữu ví điện tử MoMo, Viettel sở hữu ứng dụng Viettel Money và chuỗi cửa hàng Viettel, Petrolimex có hệ thống chuỗi bán lẻ xăng dầu. 2 trong số 3 đơn vị từng tham gia mô hình dịch vụ thanh toán sở hữu những chuỗi bán lẻ với các chi nhánh trải dài khắp cả nước.
PGS. TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng, đây chính là điểm mạnh để trở thành một đại lý thanh toán của ngân hàng.
Thực tế, các chuỗi bán lẻ có sẵn chi nhánh, cửa hàng, nhân lực và nguồn tiền nhàn rỗi. Trong đó sự hiện diện của các chuỗi bán lẻ như Thế giới Di động, Bách hoá Xanh, FPT shop, Winmart... tại các vùng nông thôn còn rõ nét hơn các chi nhánh ngân hàng. Ở những tỉnh thành xa xôi, phải di chuyển 5 - 10km mới có 1 chi nhánh ngân hàng. Trong khi những chuỗi bán lẻ lại có mặt ở khắp mọi nơi, thậm chí chỉ cần vài bước chân là có thể tìm được
“Theo hướng mở của dự thảo mà NHNN công bố, mọi tổ chức và doanh nghiệp đều có thể tham gia làm đại lý thanh toán của ngân hàng, miễn là được cấp phép. Tuy nhiên, các chuỗi bán lẻ với hàng trăm, hàng nghìn cửa hàng trên cả nước sẽ là những lựa chọn hàng đầu của ngân hàng khi tìm đại lý thanh toán”, TS Nguyễn Hữu Huân cho biết.
Trong khi đó, việc được chọn làm đại lý thanh toán của ngân hàng được cho là sẽ không tạo ra quá nhiều lợi thế cho ví điện tử cũng như các công ty Fintech.
Theo TS Nguyễn Hữu Huân, ví điện tử hay Fintech chỉ có trụ sở, không có chi nhánh, cửa hàng và hiện cũng đang tận dụng chi nhánh, cửa hàng của những chuỗi bán lẻ khác.
Vị chuyên gia này cho rằng, đang có 1 sự chồng chéo giữa các đại lý thanh toán là chuỗi bán lẻ và ví điện tử. Theo đó, ở thời điểm được thí điểm làm mô hình dịch vụ thanh toán, 1 số chức năng của ví điện tử được người dùng đánh giá là tiện ích nhất là nạp/rút tiền mặt tại điểm cố định.
Trong đó, MoMo đã kết hợp với các chuỗi bán lẻ Thế giới Di động, Điện máy Xanh và chuỗi cửa hàng tiện lợi như Circle K, Ministop để thực hiện các dịch vụ nạp/rút tiền mặt 24/7.
Như vậy, theo dự thảo thông tư quy định về hoạt động giao đại lý thanh toán của NHNN, các ngân hàng thương mại hoàn toàn có thể hợp tác trực tiếp với các chuỗi bán lẻ, thay vì thông qua ví điện tử.
“Bản thân ví điện tử đang là trung gian thanh toán, nếu được chọn làm đại lý thanh toán của ngân hàng, ví điện tử sẽ vẫn thực hiện những chức năng vốn có, đại diện cho ngân hàng để giúp người dùng thanh toán”, TS Nguyễn Hữu Huân cho biết.
Vì thế, dự thảo này sẽ mang đến lợi ích rõ ràng hơn cho các chuỗi bán lẻ so với ví điện tử hay Fintech. Ví điện tử có thể có thêm 1 số đặc quyền nhất định định để cạnh tranh với các ví khác, nhưng bài toán lợi thế sẽ nghiêng về các chuỗi bán lẻ.
Cẩn trọng rủi ro về đạo đức
Theo phân tích của các chuyên gia, việc cho phép ngân hàng thương mại giao đại lý thanh toán là hướng đi đúng đắn để hướng tới tài chính toàn diện (Financial Inclusion), đặc biệt ở các tỉnh thành xa xôi. Nghiệp vụ này sẽ mang lại hiệu quả hoạt động cho các ngân hàng thương mại khi giảm được chi phí mở chi nhánh, phòng giao dịch, chi phí về nguồn nhân lực mà vẫn có thể lan toả các dịch vụ ngân hàng cơ bản đến với nhiều người dùng hơn.
Về phía bên được giao đại lý, các tổ chức này có thể nhận được 1 khoản hoa hồng từ phía ngân hàng. Cùng với đó, doanh thu và lợi nhuận cũng sẽ gia tăng nhờ tiếp cận được thêm 1 tệp khách hàng. Bên được giao đại lý có thể tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh từ những giá trị có sẵn như cửa hàng, nhân lực, tiền nhàn rỗi.
Tuy nhiên, vấn đề không thể không kể đến là rủi ro về đạo đức. Theo TS Nguyễn Hữu Huân, bên được giao đại lý có thể lợi dụng danh tiếng của ngân hàng để gây nên những hành vi phạm pháp như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, huy động vốn bất hợp pháp,…
Những vụ việc lừa đảo tương tự đã xảy ra trong chính chi nhánh của các ngân hàng thương mại, chưa nói đến các đại lý. Vì thế, các ngân hàng nên tìm và chọn đại lý thanh toán uy tín và phải yêu cầu bên được giao đại lý thực hiện ký quỹ trong thời gian đầu để gia tăng niềm tin đối tác giữa 2 bên.
Theo NHNN, mặc dù giao đại lý là nghiệp vụ gia tăng của ngân hàng nhưng ngân hàng phải chịu trách nhiệm toàn bộ vì ngân hàng có quyền lựa chọn giao đại lý thanh toán hay không trên cơ sở năng lực quản lý của mình.
Việc có nhiều chủ thể trong đó có cả chủ thể là doanh nghiệp (non-bank) tham gia vào cung ứng nghiệp vụ đại lý dễ phát sinh nhiều rủi ro; do đó, bên giao đại lý phải thiết lập một môi trường kiểm soát hoạt động của đại lý với các quy trình quản trị phù hợp, thiết lập các bộ phận chịu trách nhiệm quản trị hoạt động, quản trị rủi ro, kiểm toán nội bộ với vai trò rõ ràng để bổ sung hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình vận hành.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận