Hàn Quốc tăng gấp 2 lần ODA cho Việt Nam
KOICA cho biết sẽ tăng quỹ hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho 6 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lên gấp 2 lần vào năm 2023.
Động thái này nhằm hưởng ứng chính sách ngoại giao của Chính phủ Hàn Quốc đối với khu vực ASEAN gồm Lào, Myanmar, Việt Nam, Campuchia, Indonesia và Philippines.
Theo đó, KOICA dự kiến sẽ tăng quỹ ODA cho lên 180,4 tỷ won (khoảng 151 triệu USD) vào năm 2023, từ mức 87 tỷ won trong năm nay.
Kế hoạch này phù hợp với định hướng của KOICA trong việc thực hiện các chương trình ODA cho những nước này, trong đó bao gồm hỗ trợ giáo dục, phát triển nông thôn và đô thị, công nghệ thông tin và viễn thông, cũng như lĩnh vực giao thông vận tải.
Tuyên bố trên của KOICA được thực hiện trong bối cảnh Seoul đang đẩy mạnh mối quan hệ với các quốc gia ASEAN theo "Chính sách hướng Nam mới".
Chủ tịch KOICA Lee Mi-kyung cho biết "KOICA sẽ đóng góp các nỗ lực nhằm giúp các quốc gia ASEAN đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ bằng cách tăng quy mô ODA dành cho các nước ASEAN thêm 20% theo từng năm, đồng thời thúc đẩy hội nhập và sự hiệu quả của ODA thông qua phối hợp với các đối tác bên trong và bên ngoài nước".
Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc hướng tới chấm dứt tình trạng đói nghèo, chống lại sự bất bình đẳng và bất công, cũng như đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Gần đây nhất, trong báo cáo của HSBC cũng nhận định rằng, trong bối cảnh tăng cường dòng chảy thương mại nội khối để bù đắp thương mại toàn cầu đi xuống, các nền kinh tế ASEAN có thể cải thiện phần nào tình hình thương mại đi xuống nếu sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc sang Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, việc tăng cường hỗ trợ các dòng chảy hàng hóa và dịch vụ trong nội khối ASEAN diễn ra thuận lợi sẽ khiến cho xu hướng dịch chuyển này diễn ra sâu rộng hơn.
Việt Nam với lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất ngày càng tăng trở thành thị trường có thể hưởng lợi nhiều nhất từ sự dịch chuyển thương mại đến từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Cuối năm ngoái - 2018, chính phủ Hàn Quốc đã ký kết Hiệp định khung với Việt Nam cho các khoản tín dụng từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) lên đến 1,5 tỷ USD vốn ODA cho giai đoạn 2016 - 2020. Theo Hiệp định tín dụng khung 2016 - 2020, chính phủ Hàn Quốc cung cấp cho Chính phủ Việt Nam khoản tín dụng ODA trị giá 1,5 tỷ USD cùng một số điều kiện cơ bản đi kèm. Khoản tín dụng này sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án do chính phủ 2 nước lựa chọn.
Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt gần 60 tỷ USD với hơn 6.300 dự án, chiếm xấp xỉ 18% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Các nhà đầu tư Hàn Quốc có mặt tại nhiều lĩnh vực của nền kinh tế và hiện diện tại 55/63 tỉnh thành Việt Nam. Nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu của Hàn Quốc đã lựa chọn Việt Nam để phát triển trung tâm sản xuất khu vực và kết nối trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận