Hàn Quốc: Cứ 4 sinh viên thì có một người đầu tư vào tiền điện tử
Theo một nghiên cứu của trang Alba Heaven, có tới 23,6% sinh viên đại học tại Hàn Quốc, trong số 1.750 người đang đầu tư vào tiền điện tử.
Giới trẻ Hàn Quốc đổ xô đầu tư tiền điện tử
Những người tham gia khảo sát cho biết lợi nhuận cao, đầu tư dễ dàng, yêu cầu thấp và mong muốn nhanh chóng đổi đời là một trong những lý do khiến họ đầu tư tiền điện tử. Nghiên cứu được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 17 đến ngày 19/5 vừa qua.
Nghiên cứu chỉ ra rằng sinh viên nam đầu tư vào tiền điện tử nhiều hơn với tỷ lệ 34,4%, trong khi các sinh viên nữ là 14,4%.
Trung bình, các sinh viên tham gia khảo sát đã đầu tư 1,41 triệu won (gần 30 triệu VNĐ). Trong đó, 2/3 số tiền đầu tư này họ kiếm được từ công việc bán thời gian, phần còn lại là xin bố mẹ.
Tuy nhiên, chỉ 40,5% số người tham gia khảo sát cho biết họ kiếm lời từ các khoản đầu tư của họ (được khoảng 1,67 triệu won).
Một phần ba trong số đó đã bị mất trắng, với mức thua lỗ trung bình là 740.000 won. Thậm chí họ có thể mất nhiều tiền hơn do sự biến động của thị trường.
Những sinh viên tham gia vào thị trường tiền điện tử này tiết lộ rằng đó không phải là sự thử sức đơn thuần mà một số người đã trải qua các vấn đề tâm lý khác nhau.
Nghiên cứu ghi nhận rằng 68,3% thừa nhận bị các vấn đề tâm lý, chẳng hạn như mất ngủ, căng thẳng và nghiện ngập, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày cũng như học tập của họ.
Theo ước tính, Hàn Quốc đã trở thành một điểm nóng đầu cơ vào tiền điện tử, chiếm 10% các giao dịch trên toàn thế giới.
Từ năm 2017, Hàn Quốc đã có khoảng 3 triệu người chơi tiền ảo, chiếm 6% tổng dân số (khoảng 50 triệu người). Phần lớn họ thuộc Millennials (1981 - 1996) hay Gen Y, và công nhân viên chức, với tỷ lệ lên tới 80%.
Ước tính vào năm 2017, cứ 10 người làm công ăn lương ở Hàn Quốc thì có 3 người đầu tư vào tiền điện tử.
Theo báo cáo kết quả thống kê trong tháng 4/2021 về tỷ lệ người chơi tiền ảo trên độ tuổi mới cho thấy, 60% thuộc độ tuổi 20 - 30.
Giấc mộng đổi đời
Trào lưu chơi tiền ảo ở Hàn Quốc đã dẫn tới thuật ngữ “kimchi premium” (tạm dịch laf phần bù kim chi). Thuật ngữ này dùng để nói về phần giá trị tăng thêm mà một đồng tiền ảo hàng đầu có thể đạt được ở thị trường Hàn Quốc. Có thời điểm, “kimchi premium” vượt mức 20%.
Nhiều người trẻ Hàn Quốc thậm chí đã vay nợ để chơi tiền ảo. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết nợ của các hộ gia đình ở nước này tăng 8% ở thời điểm cuối năm 2020 so với cùng kỳ năm trước. Riêng nợ của những người trong độ tuổi 20 - 39 tăng 17%. Có vẻ như người trẻ nước này đã rất nóng lòng làm giàu cho dù việc đó đồng nghĩa họ phải đi vay tiền.
Kim So-young, Giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul, chia sẻ: “Mức độ vay nợ của những người trẻ tuổi không quá lớn, vì vậy hàng loạt vụ vỡ nợ cá nhân của họ sẽ chỉ có tác động nhỏ đến hệ thống tài chính. Tuy nhiên, nếu những người trẻ tuổi sắp gia nhập thị trường lao động bị phá sản và không thể lập kế hoạch cho tương lai, điều này sẽ dẫn đến tổn thất cho nền kinh tế nói chung”.
Theo Nikkei Asia, thanh niên Hàn Quốc ngày nay đang ngày càng thiếu kiên nhẫn và thiếu cơ hội như các thế hệ đi trước. Ngay cả những người giành chiến thắng trong cuộc đua cam go để có được cho một vị trí tại một trong những tập đoàn hàng đầu của đất nước cũng không thể mua nhà chỉ với mức thu nhập đó do bong bóng nhà đất.
Cuộc khủng hoảng này đã khiến nhiều người trẻ tin rằng con đường thông thường để đạt được hạnh phúc mà cha mẹ họ đã đi là kết hôn, mua nhà và sinh con giờ đây phần lớn là không thể đạt được. Đầu tư vào tiền điện tử và cổ phiếu là những lựa chọn ít ỏi mà họ có để thay đổi số phận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận