menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Long

Hạn chế nợ xấu liên quan bất động sản, trái phiếu

Ngày 14/4, tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42 ngày 21/6/2017 của Quốc hội và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm. Ngân hàng Nhà nước đề nghị kéo dài thêm 2 năm, song Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định, chỉ kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 tới hết năm 2023.

Vụ FLC, Tân Hoàng Minh có ảnh hưởng tới nợ xấu?

Trình bày báo cáo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực, xử lý nợ xấu thông qua hình thức khách hàng tự trả nợ; xử lý, bán, phát mại tài sản bảo đảm; mua nợ theo giá trị thị trường... tăng cao. Toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo nghị quyết này toàn hệ thống đến cuối năm 2021 là 412,7 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 17,2% so với giữa tháng 8/2017, thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực.

Chính phủ đề xuất ban hành Luật Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, bền vững cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Trong khi chờ luật, Chính phủ đề nghị Quốc hội thông qua nghị quyết kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết 42 thêm 2 năm (đến hết ngày 15/8/2024). “Việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 là cơ sở pháp lý để xử lý nợ xấu còn tồn đọng và những khoản nợ theo Nghị quyết 42 bị chuyển thành nợ xấu do tác động của đại dịch COVID-19”, bà Hồng nêu.

Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, ngoài các dữ liệu xử lý nợ xấu, cần đánh giá thêm về cơ cấu nợ trong mỗi lĩnh vực. Nợ trong bất động sản, chứng khoán, tín dụng tiêu dùng như thế nào, rồi nợ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp là bao nhiêu. Theo Chủ tịch Quốc hội, vấn đề trái phiếu doanh nghiệp đã cảnh báo nhiều lần, không phải bây giờ mới cảnh báo” và “chắc chắn tới đây rất nóng”. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước đánh giá thêm về sở hữu chéo trong hệ thống. “Chúng ta mà lơi vấn đề này thì vĩ mô rất khó khăn”, ông Huệ cảnh báo. Mất ổn định vĩ mô là mất căn bản, giữ được ổn định vĩ mô mới xử lý được nợ xấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề cập việc xử lý các tập đoàn lớn có vi phạm gần đây. Theo bà, cử tri băn khoăn, liệu việc xử lý đó có ảnh hưởng đến nợ xấu của các tổ chức tín dụng hay không. Bà Thanh đề nghị, Ngân hàng Nhà nước tham mưu cho Chính phủ tiếp tục rà soát, xây dựng các phương án, kịch bản linh hoạt để sẵn sàng xử lý tình huống phát sinh như ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, bất ổn chính trị, liên quan đến số lượng lớn khách hàng có dư nợ lớn... để sớm phục hồi, làm lành mạnh thị trường tài chính, tiền tệ. “Ngân hàng Nhà nước nên phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá và có những phương án ứng xử phù hợp nhằm ổn định thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư liên quan thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp gần đây, đặc biệt liên quan hai tập đoàn là FLC và Tân Hoàng Minh”, bà Thanh nói.

Cho phép kéo dài đến hết năm 2023

Đại diện cơ quan thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban tán thành kéo dài thời gian áp dụng nghị quyết thêm 2 năm. Tuy vậy, đề nghị Chính phủ bổ sung phạm vi áp dụng của khoản nợ xấu tại nghị quyết này, theo hướng không giới hạn thời điểm (15/8/2017), mà các khoản nợ phát sinh trong thời gian áp dụng nghị quyết thì đều được xử lý theo cơ chế của Nghị quyết 42. “Nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu cùng với hoạt động của ngành ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung, nhất là nợ xấu có xu hướng gia tăng trong 2 năm vừa qua do ảnh hưởng của dịch COVID -19. Việc mở rộng phạm vi áp dụng của khoản nợ xấu nhằm tạo điều kiện thúc đẩy xử lý nợ xấu, khơi thông nguồn vốn hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế”, ông Thanh nêu.

“Việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 là cơ sở pháp lý để xử lý nợ xấu còn tồn đọng và những khoản nợ theo Nghị quyết 42 bị chuyển thành nợ xấu do tác động của đại dịch COVID-19”. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Cũng tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Chính phủ bóc tách và báo cáo rõ các khoản nợ xấu phát sinh sau 15/8/2017 xử lý theo Luật Tổ chức tín dụng mà không theo Nghị quyết 42 thì hiện thế nào, có vướng mắc gì hay không. Việc này nhằm so sánh xử lý nợ xấu theo cách nào hay hơn. Chính phủ cũng cần nêu rõ mục tiêu của việc kéo dài thời hạn xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42. “Nếu kéo dài xử lý thêm 2 năm thì có xử lý hết nợ xấu hay không, hay xử lý được tỷ lệ bao nhiêu?”, ông Định đặt vấn đề.

Ông Định đề nghị kéo dài hết năm 2023 là tối đa, khớp với thời gian thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, kéo dài thêm thời hạn Nghị quyết 42 đến hết năm 2023, tức còn khoảng 1,5 năm để ngành ngân hàng xử lý thêm các khoản nợ xấu trong hệ thống, và cũng là thời gian để nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật xử lý nợ xấu. Giải trình sau đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhiều lần tha thiết mong Quốc hội cho phép kéo dài thời hạn Nghị quyết thêm 2 năm.

“Nếu kéo dài xử lý thêm 2 năm thì có xử lý hết nợ xấu hay không, hay xử lý được tỷ lệ bao nhiêu?”. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Cuối phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, chỉ kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 tới hết năm 2023, không mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng nghị quyết này. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42 và hồ sơ đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42. Ủy ban Kinh tế thẩm tra chính thức để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp tháng 5/2022.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại