Hai yếu tố hỗ trợ chấm dứt chính sách tiền tệ thắt chặt
Chuyên gia cho rằng có hai yếu tố hỗ trợ giúp NHNN sớm chấm dứt chính sách thắt chặt tiền tệ, bên cạnh đó tăng trưởng dự báo có thể tiếp tục giảm tốc trong quý 1.
Dự báo về các chỉ số vĩ mô và tiền tệ thời gian tới, ông Hoàng Huy, Chuyên viên phân tích của Công ty TNHH Chứng khoán Maybank (MBKE) cho rằng lạm phát giảm và thị trường ngoại hối ổn định có thể hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm chấm dứt chính sách thắt chặt tiền tệ, có thể là vào nửa cuối 2023.
Trong tháng 2, lạm phát toàn phần tăng 4,3% so với cùng kỳ (mức tăng này giảm so với 4,9% trong tháng 1). So với tháng trước, lạm phát tăng 0,4% (trước đó tháng 1 tăng 0,5%).
Lạm phát cơ bản ở mức 5% (giảm so với mức tăng 5,2% trong tháng 1) cũng chậm lại nhưng vẫn cao hơn lạm phát toàn phần.
Động lực chính khiến lạm phát toàn phần chậm hơn là hàng ăn và dịch vụ ăn uống (33,6% trong rổ CPI) chỉ tăng 4,3% (so với mức tăng 6,1% trong tháng 1) do nhu cầu tiêu dùng giảm sau Tết.
Chuyên gia của MBKE dự báo lạm phát toàn phần cả năm ở mức 4,3%. Mức tăng 4,9% trong tháng 1 có thể là mức cao nhất của năm nay. Việc nhu cầu của người tiêu dùng cuối cùng sụt giảm sẽ trở thành lực cản đối với lạm phát. Tuy nhiên, lạm phát sẽ vẫn ở mức cao, do các yếu tố chi phí đẩy như giá điện bán lẻ có khả năng tăng, mức lương tối thiểu sắp tăng 20,8% từ tháng 7 và chi phí năng lượng có thể tăng trở lại khi giá dầu toàn cầu phục hồi cùng với sự mở cửa trở lại của Trung Quốc.
Về thị trường ngoại hối, mặc dù lãi suất mục tiêu của Fed cao hơn, thị trường ngoại hối tại Việt Nam có vẻ bình lặng, với tỷ giá USD/VND chủ yếu dao động quanh mức tỷ giá tham chiếu của NHNN.
Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Báu, CEO của WiGroup cũng cho rằng không có nhiều cơ sở để NHNN quay trở lại với chính sách thắt chặt, thay vào đó sẽ là chính sách có phần nới lỏng hoặc ít nhất là trung hoà.
Nói cách khác áp lực lên thị trường tài chính từ yếu tố chính sách điều hành tiền tệ năm 2023 là rất thấp thậm chí có phần hỗ trợ.
CEO WiGroup cho rằng đỉnh của lãi suất quỹ liên bang sẽ khoảng 5,5- 5,75%. Đây cũng là con số mà nhiều đơn vị trong và ngoài nước đã đưa ra dự báo trong thời gian gần đây. Mức lãi suất này đang thấp hơn mức lãi suất tín phiếu 6% mà NHNN duy trì làm "sàn" của lãi suất liên ngân hàng. Với diễn biến như hiện tại thì áp lực tỷ giá là chưa quá căng thẳng để NHNN phải có những hành động mạnh tay hơn lúc này.
Chuyên viên phân tích của MBKE dự báo năm nay nền kinh tế sẽ tăng trưởng 6,3%. Tăng trưởng sẽ hạ nhiệt so với năm ngoái do những trở ngại từ nhu cầu quốc tế yếu hơn từ các thị trường phương Tây, chính sách thắt chặt tiền tệ và khủng hoảng thanh khoản bất động sản, mặc dù được bù đắp một phần bởi triển vọng tích cực của việc Trung Quốc mở cửa trở lại.
Dự báo tăng trưởng quý I sẽ khoảng 4,8% (thấp hơn so với mức tăng 5,9% trong quý 4/2022), với sự suy giảm sản xuất do xuất khẩu sụt giảm trong khi các dịch vụ phục vụ trực tiếp vẫn được hỗ trợ bởi doanh thu bán lẻ ổn định và lượng khách du lịch phục hồi.
Trong khi đó, các chuyên gia của VNDirect dự báo tăng trưởng quý 1 đạt 5,6%. Động lực tăng trưởng chính trong quý này sẽ đến từ khu vực dịch vụ, trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do suy giảm kinh tế toàn cầu và thị trường bất động sản trong nước ảm đạm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận