Hai yếu tố được kỳ vọng giúp cổ phiếu ngành logistics phục hồi
Lạm phát hạ nhiệt tại quốc gia phát triển cùng tính chất chu kỳ hàng hóa giúp cổ phiếu logistics hưởng lợi, theo đại diện DNSE.
Bên cạnh sự phục hồi của kinh tế trong nước, bà Nguyễn Ngọc Linh - Giám đốc tự doanh Chứng khoán DNSE phân tích hai yếu tố bên ngoài tác động vào nhóm cổ phiếu logistics.
Lạm phát đã có sự hạ nhiệt ở các quốc gia phát triển. Cụ thể, lạm phát tại Mỹ đã giảm từ mức 8,9% hồi giữa năm 2022 về mức hơn 3%. Ở EU, mức lạm phát cũng từ 8,8% xuống còn hơn 4%. Lạm phát hạ nhiệt kết hợp với thị trường tiêu thụ lớn giúp tiêu dùng ở các thị trường này trở nên tích cực, góp phần thúc đẩy logistics phát triển.
Yếu tố thứ hai được bà Linh nhận định là tính chất chu kỳ của hàng hóa ở các thị trường chính lớn của Việt Nam như Mỹ, EU và Trung Quốc.
Theo đó mùa khai giảng và lễ hội trong các tháng cuối năm ở cả Mỹ và EU được dự báo sẽ đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc, giày dép. Đây là những mặt hàng chiếm tỷ trọng chính tính theo giá trị xuất khẩu container của Việt Nam. Trong khi đó, xuất khẩu vào Trung Quốc được trợ lực nhờ nhóm hàng rau củ và thực phẩm do xu thế tăng tiêu dùng và dự trữ hàng hóa trước Tết âm lịch 2024.
"Hai yếu tố này có thể giúp nhóm ngành tiếp tục xu hướng hồi phục trong quý cuối cùng của năm 2023 cũng như giai đoạn đầu năm 2024", bà Linh nhận xét.
Bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc tự doanh Chứng khoán DNSE. Ảnh: DNSE
Trước đó, cổ phiếu ngành logistics sau giai đoạn giảm mạnh năm 2022, có sự phục hồi nhất định, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư. Nhóm logistics ghi nhận mức tăng hơn 40%, so với mức tăng hơn 10% của VN-Index.
Đại diện DNSE nhìn nhận sự kỳ vọng của nhà đầu tư là có cơ sở khi số liệu vĩ mô trong các tháng gần đây phản ánh "tia sáng" phục hồi của ngành. Cụ thể, chỉ số PMI lần đầu tiên vượt mức 50 điểm sau nhiều tháng dưới ngưỡng này. Xuất nhập khẩu tháng 9 cũng quay trở lại mức tăng trưởng dương sau 6 tháng suy giảm liên tiếp.
Về lưu ý lựa chọn cổ phiếu, chuyên gia chia cổ phiếu ngành logistics tại thị trường Việt Nam thành hai nhóm chính gồm nhóm cảng biển và nhóm vận chuyển đường biển. Ngoài ra, còn có những doanh nghiệp hoạt động trong các mảng kinh doanh khác như dịch vụ kho bãi hàng không, vận chuyển hàng hóa đường bộ... tuy nhiên, quy mô khá nhỏ và phân mảnh.
Với nhóm cảng biển, đây là nhóm ngành phụ thuộc lớn vào vị trí địa lý hoạt động. Cả nước có 4 khu vực cảng chính là Hải Phòng, miền Trung, Vũng Tàu và TP HCM - Đồng Nai. Mỗi khu vực sẽ có một đặc thù khác nhau về đặc điểm, mức độ cạnh tranh và khách hàng.
Cảng Cát Lái tại TP HCM. Ảnh: Trần Quỳnh
Đơn cử, nhóm cảng miền Bắc sẽ phục vụ nhiều hơn cho thị trường xuất nhập khẩu sang châu Á. Trong khi đó, nhóm cảng miền Nam sẽ phục vụ chính cho thương mại sang Mỹ và EU. Do đó, các doanh nghiệp đang phục vụ cho mỗi khu vực sẽ có một sự "lệch pha" nhất định. Để lựa chọn được doanh nghiệp tốt nhất trong ngành, nhà đầu tư cần tìm hiểu rõ về chuỗi giá trị và lựa chọn doanh nghiệp trong cụm cảng có tiềm năng phát triển, ít chịu cạnh tranh.
Còn nhóm vận tải biển, đây thuộc nhóm ngành có đặc thù đầu tư lớn vào tài sản cố định nên chi phí chính của các doanh nghiệp là chi phí khấu hao. Do đó, việc nhìn vào con số lợi nhuận thường không phản ánh chính xác dòng tiền doanh nghiệp thu vào được.
"Đối với những doanh nghiệp trong nhóm này, việc phân tích dòng tiền và phân tích tài sản đôi khi lại quan trọng hơn nhìn vào kết quả kinh doanh", bà Linh lưu ý.
Nhà đầu tư vẫn có thể tìm được những cơ hội đầu tư hấp dẫn nếu tìm được những doanh nghiệp có giá trị tài sản hoặc dòng tiền cao hơn giá trị trường của chúng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận