Hai vụ không kích rúng động Trung Đông
Ông Ismail Haniyeh, thủ lĩnh chính trị của nhóm Hamas tại Dải Gaza, thiệt mạng trong một vụ tấn công nghi bằng tên lửa rạng sáng 31-7 ngay tại thủ đô Tehran của Iran.
Chỉ vài giờ trước đó, chỉ huy quân sự cấp cao Fuad Shukr của nhóm Hezbollah bị sát hại trong vụ không kích thẳng vào ngoại ô thủ đô Beirut của Lebanon.
Theo báo chí khu vực Trung Đông, ông Haniyeh đến Tehran dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian hôm 30-7 và bị tử vong vào khoảng 2 giờ sáng hôm sau tại nơi ông trú ngụ. Ngay sau đó, Hamas đổ lỗi cho Israel về cái chết của ông Haniyeh và gọi đó là "sự leo thang nghiêm trọng". Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng tuyên bố việc sát hại ông Haniyeh là "một hành động hèn nhát và là một diễn biến nguy hiểm".
Hai vụ việc trên không chỉ là đòn giáng mạnh xuống Hamas và Hezbollah mà còn gây ra nguy cơ cho Iran, quốc gia hậu thuẫn 2 nhóm vũ trang này. Trong một bài đăng trên X ngay sau khi Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran họp để thảo luận về các biện pháp ứng phó ngày 31-7, tân Tổng thống Iran Pezeshkian khẳng định đất nước của ông sẽ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và danh dự, đồng thời khiến những kẻ ra tay "phải hối hận". Trong khi đó, Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết Iran và các lực lượng ủy nhiệm sẽ đáp trả vụ sát hại ông Haniyeh "một cách cứng rắn và đau đớn".
Israel từ chối bình luận về cái chết của ông Haniyeh. Tuy nhiên, từ sau vụ tấn công của Hamas vào Israel ngày 7-10-2023, Israel tuyên bố sẽ tiêu diệt tất cả thủ lĩnh Hamas. Trước ông Haniyeh, ông Saleh Al Arouri, một trong những người sáng lập cánh vũ trang của Hamas, cũng thiệt mạng trong một vụ không kích của Israel vào Beirut.
Thủ lĩnh cấp cao của nhóm Hamas Ismail Haniyeh (trái) trong cuộc gặp lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei tại Tehran hôm 30-7. Ảnh: REUTERS
Trái lại, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) chính thức xác nhận đã không kích vào Beirut hôm 30-7, giết chết ông Fuad Shukr, chỉ huy quân sự cao cấp của Hezbollah mà Israel cho là chịu trách nhiệm về vụ phóng tên lửa vào Cao nguyên Golan, hiện do Israel kiểm soát, vào cuối tuần qua khiến 12 thanh thiếu niên thiệt mạng. Trong ngày 31-7, Hezbollah xác nhận ông Shukr có mặt trong tòa nhà ở vùng ngoại ô phía Nam Beirut vào thời điểm Israel tấn công, song không xác nhận về số phận của ông mà chỉ cho biết "một số công dân" đã thiệt mạng.
Nhiều quốc gia đã phản ứng 2 vụ sát hại nêu trên, như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Jordan…, bày tỏ lo ngại xung đột sẽ lan ra toàn Trung Đông. Đài ABC (Úc) nhận định Israel không muốn xảy ra cuộc chiến toàn diện vì họ biết rất rõ khả năng chiến đấu của lực lượng Hezbollah đáng gờm hơn nhiều so với Hamas.
Theo ước tính tình báo đáng tin cậy, số lượng tên lửa của Hezbollah ở miền Nam Lebanon, gần biên giới Israel, vào khoảng 120.000 - 150.000 tên lửa. Dù hệ thống phòng thủ Vòm Sắt (Iron Dome) hiện đại của Israel có tốt đến đâu thì cũng không thể đối phó với 20.000 hoặc 30.000 tên lửa được bắn cùng lúc. Nhìn chung, tên lửa của Hezbollah có khả năng gây sát thương cao hơn tên lửa của Hamas. Các chuyên gia tình báo Israel cũng thừa nhận kho tên lửa của Hezbollah có thể vươn tới mọi thành phố ở Israel. Tương tự, Hezbollah cũng không muốn xảy ra cuộc xung đột lớn. Nền kinh tế của Lebanon đang suy thoái do ảnh hưởng từ số lượng lớn người tị nạn từ Syria, đại dịch COVID-19...
Vấn đề chính hiện tại là phản ứng của Iran. Hezbollah sẽ không tuyên chiến toàn diện nếu không có sự chấp thuận của Tehran, theo đánh giá của đài CNN. Một cuộc xung đột toàn diện sẽ là thảm họa đối với cả Israel, Lebanon và Iran. Về mặt quân sự, Israel với sự giúp đỡ của Mỹ có thể sẽ chiến thắng nhưng hàng ngàn dân thường sẽ thiệt mạng và cả 3 quốc gia đều thiệt hại nghiêm trọng. Trước viễn cảnh này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết Mỹ đang "làm mọi cách để hạ nhiệt tình hình" nhưng sẽ bảo vệ Israel nếu nước này bị tấn công.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận