Hai vấn đề lớn khiến Mỹ - Trung khó thoát vòng xoáy căng thẳng
Giới chuyên gia cho rằng, hai vật cản lớn khiến Mỹ - Trung khó thoát vòng xoáy căng thẳng là vấn đề Đài Loan và hoạt động kiểm soát vũ khí.
Mỹ - Trung được cho sắp tiến hành đối thoại chiến lược để ngăn chặn căng thẳng vượt ngoài tầm kiểm soát, sau cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến lần đầu tiên giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Giới phân tích Trung Quốc nhận định, các cuộc đàm phán giải quyết căng thẳng sẽ giúp Mỹ - Trung đưa ra thêm những biện pháp mới để ngăn chặn xung đột bùng nổ. Tuy nhiên, Mỹ - Trung dường như sẽ gặp khó trong việc đạt được thỏa thuận liên quan tới các vấn đề nhạy cảm như Đài Loan và kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Ông Zhao Tong, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, nhấn mạnh “Bắc Kinh và Washington có mục đích khác nhau khi theo đuổi mối quan hệ chiến lược ổn định. Đối với Trung Quốc, duy trì mối quan hệ song phương với Mỹ là yếu tố quan trọng liên quan tới sự phát triển trong tương lai của quốc gia”.
Trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên vào ngày 15/11, ông Biden và ông Tập cũng đã đồng thuận “tiến hành thêm các cuộc trao đổi về sự ổn định chiến lược đôi bên”.
Sau đó, hôm 15/11, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói trong hội thảo được Viện Brookings ở Washington tổ chức rằng, Mỹ - Trung sẽ cho triển khai chuỗi đối thoại cấp cao về hoạt động kiểm soát vũ khí, bên cạnh vấn đề an ninh, công nghệ và ngoại giao.
Liên quan tới vấn đề Đài Loan, ông Sullivan cho hay, “đối thoại rõ ràng và tránh hiểu lầm là khía cạnh quan trọng và cần tăng cường trong quá trình hợp tác giữa quân đội hai nước, giữa các hội đồng an ninh quốc gia và giữa các nhà ngoại giao”.
“Hoạt động tăng cường đối thoại nhằm đảm bảo mọi hành lang trong quá trình cạnh tranh không rơi vào xung đột”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Sullivan.
Trong cuộc họp trực tuyến đầu tiên, ông Biden và ông Tập nhấn mạnh sẵn sàng xây dựng và phát triển mối quan hệ song phương bền vững. Các nhà phân tích cũng cho rằng, hai nước có thể hợp tác cùng nhau trên các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, kiểm soát dịch Covid-19 và cấm phổ biến vũ khí hạt nhân.
Cụ thể, Tân Hoa Xã đưa tin ông Tập kêu gọi Mỹ - Trung cần hợp tác mạnh mẽ hơn trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, ngoại giao, an ninh, kinh tế và thương mại.
Ông Zhou Chenming, nhà nghiên cứu ở Viện Khoa học Quân sự và Công nghệ Yuan Wang tại thành phố Bắc Kinh, cho hay “Mỹ - Trung vẫn thiếu sự tin tưởng lẫn nhau”, do đó thế giới không nên kỳ vọng hai bên sẽ tạo được đột phá.
“Sự tin tưởng lẫn nhau cần được xây dựng thông qua những chuyện từ nhỏ tới lớn”, ông Zhou nhận định, Đài Loan hiện là vấn đề chính gây bất đồng giữa hai cường quốc kinh tế.
“Chuyến thăm gần đầy của các nghị sĩ Mỹ tới Đài Loan và di chuyển bằng máy bay quân sự Mỹ bị Trung Quốc xem là hành động khiêu khích nhằm thách thức các giới hạn đỏ”, ông Zhou nói.
Hồi tuần trước, một nhóm nghị sĩ đảng Cộng hòa trong Quốc hội đã dùng máy bay của hải quân Mỹ để thực hiện chuyến thăm đảo Đài Loan. Chuyến đi này được giữ kín và không thông báo trước với báo chí. Ngay lập tức, quân đội Trung Quốc cho triển khai một cuộc diễn tập tuần tra chung thử nghiệm năng lực sẵn sàng chiến đấu gần đảo Đài Loan.
Trước đây, chuyến thăm của các nghị sĩ Mỹ tới Đài Loan hồi tháng Sáu cũng đã khiến Trung Quốc điều động các chiến đấu cơ áp sát hòn đảo này.
Lâu nay, Trung Quốc chỉ xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và nhiều lần khẳng định Đài Loan là “vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong mối quan hệ Mỹ - Trung”. Về phần mình, Mỹ cũng cam kết tôn trọng chính sách "một Trung Quốc" được thi hành kể từ khi Mỹ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào năm 1979.
Tuy nhiên, hồi cuối tháng 10, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn lần đầu tiên xác nhận lính Mỹ đang có mặt trên đảo Đài Loan, “nhưng số lượng không nhiều như mọi người nghĩ”.
Theo CNN, Lầu Năm Góc từng nhắc tới sự hiện diện của 32 binh sĩ Mỹ ở Đài Loan, tăng từ con số 10 người hồi năm 2018.
Hiện không rõ số lượng binh sĩ Mỹ được điều động thêm tới đảo Đài Loan là lực lượng đặc nhiệm chịu trách nhiệm bảo vệ cơ sở ngoại giao của Mỹ ở Đài Bắc, hay họ là những cố vấn quân sự đi theo bản hợp đồng mua bán vũ khí trị giá khoảng 5 tỉ USD.
Cũng theo ông Zhao, hoạt động kiểm soát vũ khí đang là trở lại tiếp theo khiến Mỹ - Trung khó tìm được tiếng nói chung.
“Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã yêu cầu quân đội nước này đẩy mạnh hiện đại hóa quân sự và đây cũng là tư tưởng chung của người dân Trung Quốc. Trên thực tế, quân đội Trung Quốc mới bước vào giai đoạn đầu trên con đường trở thành đội quân hùng mạnh. Do đó, Trung Quốc sẽ không nhân nhượng tham gia lĩnh vực kiểm soát vũ khí trong tương lai gần”, ông Zhou nói thêm.
Song theo ông Zhou, một khi Bắc Kinh sẵn sàng tham gia thảo luận kiểm soát vũ khí, các cuộc đối thoại có thể liên quan tới nhiều lĩnh vực như vũ trụ, hệ thống phòng thủ tên lửa và đầu đạn hạt nhân.
Bản báo cáo mới nhất được Lầu Năm Góc công bố hôm 3/11 cho hay, Trung Quốc đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân nhanh hơn nhiều so với dự đoán của giới chức Mỹ cách đây một năm.
Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, kho hạt nhân của Trung Quốc có thể đạt 700 đầu đạn hạt nhân có thể chuyển giao vào năm 2027 và có thể tăng lên thành 1.000 đầu đạn vào năm 2030, kho vũ khí lớn gấp 2,5 lần so với những gì Lầu Năm Góc dự đoán cách đây một năm.
Hồi tháng 10, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay kho hạt nhân của Mỹ chỉ còn 3.750 vũ khí tính tới tháng 9/2020, giảm từ con số hơn 20.000 vũ khí vào cuối thời Chiến tranh Lạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận