Hải Phòng chuẩn bị triển khai tiêm mũi 3 vaccine Covid-19
Sở Y tế Hải Phòng vừa ban hành văn bản số 6357/SYT-TTKSBT về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine Covid-19 cho người dân, trong đó có hướng dẫn triển khai tiêm mũi bổ sung và nhắc lại.
Theo đó, các trường hợp được ưu tiên tiêm mũi vaccine tăng cường sẽ là người cao tuổi, mắc bệnh nền hoặc nhân viên y tế. Cụ thể, về mũi vaccine bổ sung, thành phố sẽ tiêm cho nhóm từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên người trên 50 tuổi đã tiêm đủ liều cơ bản, có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng (như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng...).
Đồng thời, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân trong độ tuổi chỉ định; đảm bảo an toàn theo các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt lưu ý và ưu tiên tiêm chủng cho đối tượng là người từ 50 tuổi trở lên, người mắc bệnh nền. Hoàn thành việc bao phủ mũi 1 cho 100% dân số từ 12 tuổi trở lên trước ngày 20/12/2021 và tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.
Loại vaccine được sử dụng cho mũi bổ sung sẽ giống liều cơ bản hoặc vaccine mRNA (Pfizer). Khoảng cách tiêm mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản là 28 ngày.
Với mũi vaccine nhắc lại, đối tượng tiêm là người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung. Hải Phòng cũng ưu tiên người trên 50 tuổi, có bệnh nền, cần được chăm sóc dài hạn tại cơ sở y tế hoặc trường hợp trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế. Loại vaccine được sử dụng cho mũi nhắc lại được phân thành 3 trường hợp. Đó là, nếu mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vaccine, mũi nhắc lại sẽ được tiêm loại vaccine đó hoặc vaccine mRNA (Pfizer); Nếu từng tiêm các loại vaccine khác nhau, mũi nhắc lại sẽ sử dụng vaccine mRNA (Pfizer); Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vaccine của Sinopharm, mũi nhắc lại có thể dùng cùng loại đó, vaccine mRNA (Pfizer) hoặc vaccine vector virus (AstraZeneca). Khoảng cách tiêm mũi nhắc lại là ít nhất 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc bổ sung.
Về tình hình phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, thông tin từ Sở Y tế, tính hết ngày 13/12, Hải Phòng tiếp tục ghi nhận số F0 tăng với 229 ca, trong đó chủ yếu là các ca F1 chuyển thành F0 ở các ổ dịch, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 2.764 ca. Tổng số mũi tiêm đến thời điểm hiện tại: 2.833.085 (gồm: 1.599.253 mũi 1; 1.233.832 mũi 2).
Ngoài ra, thành phố cũng đã ghi nhận trường hợp tử vong thứ 3 do Covid-19. Đó là trường hợp bà N.T.M.P., sinh năm 1960, ở phường Niệm Nghĩa (quận Lê Chân). Vào lúc 0h10’ ngày 12/12, người bệnh được Trung tâm y tế Lê Chân đến Khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp cơ sở An Đồng) với chẩn đoán: suy hô hấp, nhiễm COVID- 19 mức độ nặng và ung thư phổi. Người bệnh vào viện trong tình trạng: hôn mê sâu, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp, SpO2 không đo được... Người bệnh được bóp bóng mask có oxy, lập đường truyền tĩnh mạch, đặt ống nội khí quản, cấp cứu ngừng tuần hoàn nhưng sau 30 phút tim không đập trở lại, người bệnh tử vong vào hồi 0h50’ ngày 12/12.
Trước đó, Thành phố cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp dừng việc tiếp nhận lao động nếu chưa được tiêm vaccine. Bắt đầu từ ngày 01/01/2022, các trường hợp F0 (không có chống chỉ định tiêm phòng Covid-19) nhưng không thực hiện tiêm vaccine phải tự chi trả phí điều trị. Thành phố cũng kêu gọi người dân mua test thử để tự xét nghiệm, máy đo nồng độ oxy để chủ động kiểm tra sức khỏe của mình. UBND các quận, huyện thực hiện nghiêm việc cách ly F1 và điều trị F0 đủ điều kiện tại nhà. Các bệnh viện tuyến huyện và bệnh viện dã chiến (sẽ được thành phố cân nhắc phương án thành lập bổ sung trong thời gian tới) chỉ sử dụng để điều trị bệnh nhân trung bình và nặng. Trạm y tế lưu động được thành lập là trên nguyên tắc là để phục vụ điều trị F0 tại nhà, do đó phải công khai số điện thoại của đội ngũ y bác sĩ để người dân thuận lợi liên lạc khi cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận