Hai 'ông lớn' dầu khí Trung Quốc lỗ 5 tỉ đô la
Hai “ông lớn” dầu khí Trung Quốc gồm Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (PetroChina) và Tập đoàn hóa chất và dầu khí Trung Quốc (Sinopec) ghi nhận mức lỗ tổng cộng 5 tỉ đô la trong quí 1-2020 do giá dầu sụt giảm mạnh và nhu cầu tổn thương vì dịch Covid-19.
Cắt giảm mạnh đầu tư sau khi lỗ nặng vì Covid-19
Hôm 29-4, PetroChina cho biết trong quí 1, tập đoàn này lỗ ròng 16,2 tỉ nhân dân tệ (2,3 tỉ đô la Mỹ) so với mức lãi 10,2 tỉ nhân dân tệ vào cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của PetroChina trong quí vừa qua giảm 14% về mức 509 tỉ nhân dân tệ. Dù sản lượng dầu và khí đốt của PetroChina tăng 6% nhưng giá bán dầu giảm 9%, trong khi đó, giá bán khí đốt giảm đến 23%.
Trong khi đó, Sinopec ghi nhận mức lỗ ròng 19,1 tỉ nhân dân tệ (gần 2,7 tỉ đô la Mỹ) trong quí 1, xóa hết lợi nhuận 15,4 tỉ nhân dân tệ kiếm được hồi cùng kỳ năm ngoái.
Tập đoàn này chịu tổn thương nặng nề khi nhu cầu xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu giảm mạnh do tác động của Covid-19. Công suất chế biến dầu thô của Sinopec trong quí vừa qua giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, doanh thu giảm 23%, về mức 555 tỉ nhân dân tệ do giá bán giảm.
Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) cho biết không lỗ trong quí 1 nhưng không công bố đầy đủ kết quả kinh doanh. Sản lượng dầu khí của CNOOC tăng 10% trong quí vừa qua nhưng doanh thu lại giảm 6%.
Trước cơn khủng hoảng của thị trường dầu, cả ba ông lớn dầu khí Trung Quốc PetroChina, Sinopec và CNOOC, đồng loạt thông báo cắt giảm chi tiêu đầu tư trong năm nay tổng cộng 19 tỉ đô la, trong đó, PetroChina cắt giảm đến 32% ngân sách đầu tư.
CNOOC cho biết phân bổ 75-85 tỉ nhân dân tệ cho các hoạt động đầu tư trong năm nay, giảm 11% so với mức dự kiến 85-95 tỉ nhân dân tệ.
Cắt giảm đầu tư của CNOOC chủ yếu được thực hiện ở các dự án quốc tế, bao gồm các dự án dầu đá phiến ở Mỹ, nơi chi phí sản xuất cao hơn nhiều so với ở Trung Quốc.
Xu Keqiang, Giám đốc điều hành CNOOC, nói: “Thị trường dầu khí đang đố mặt với một tình thế chưa có tiền lệ trong quí 1-2020 vì tác động của đại dịch Covid-19 và giá dầu quốc tế giảm sâu. Do môi trường phức tạp ở bên ngoài, CNOOC tiến hành các biện pháp chủ động để đương đầu với các thách thức và nỗ lực giảm nhẹ tác động tiêu cực.
Trong thời gian còn lại của năm, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát chi phí nghiêm ngặt và tăng cường quản lý dòng tiền của chúng tôi”
PetroChina dự kiến giảm ngân sách đầu tư trong năm nay từ mức 295 tỉ nhân dân tệ đã được phê duyệt hồi đầu năm về mức 200 tỉ nhân dân tệ (28 tỉ đô la). Dù cắt giảm đầu tư như PetroChina vẫn giữ mục tiêu nâng sản lượng dầu thô và khí đốt thêm 5% trong năm nay. Trong khi đó, ngân sách đầu tư của Sinopec sẽ bị cắt giảm 20-25% về mức 108-115 tỉ nhân dân tệ.
Giá dầu giảm sâu không phải là món quà
Động thái cắt giảm chi phí đầu tư quyết liệt của các tập đoàn dầu khí dẫn đầu Trung Quốc diễn ra một năm sau khi họ đẩy mạnh đầu tư theo lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình để đảo ngược xu thế giảm sản lượng dầu trong nước của Trung Quốc, khiến nước này gia tăng phụ thuộc vào dầu nhập khẩu.
Các công ty dầu khí Trung Quốc đặc biệt nhạy cảm với giá dầu ở các mức thấp vì các mỏ dầu của họ đều có tuổi đời già cỗi, có chi phí khai thác cao.
Công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy ước tính Trung Quốc cần giá dầu Brent duy trì ở mức tối thiểu 41 đô la/thùng để đạt điểm hòa vốn, so với mức 13 đô la đối với Saudi Arabia hay 11 đô la đối với Iraq. Tuy nhiên, hiện nay, giá dầu Brent đang giảm sâu so với hồi đầu năm. Kết thúc phiên giao dịch hôm 1-5, giá dầu Brent giao tháng 7 ở thị trường London giảm nẹ 0,2%, về mức 26,44 đô la/thùng.
Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới vào năm 2017 và năm sau đó, nước này cũng trở thành nước nhập khẩu khí đốt đứng đầu thế giới.
Năm ngoái, dầu nhập khẩu chiếm đến 72% tổng tiêu thụ dầu của Trung Quốc. Do vậy, Bắc Kinh có động lực lớn để thúc đẩy sản lượng dầu nội địa thông qua 3 “ông lớn” PetroChina, Sinopec và CNOOC.
Sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu và cuộc chiến thương mại với Mỹ buộc Chủ tịch Tập Cận Bình phải hối thúc các “ông lớn” dầu khí Trung Quốc gia tăng sản lượng dầu nội địa vào tháng 8-2018 để bảo đảm an ninh năng lượng trong nước.
Trong đợt sụp đổ giá dầu vào năm 2016, PetroChina phải đóng các mỏ dầu không còn hy vọng có lợi nhuận. Sản lượng dầu của PetroChina giảm kể từ đó, từ mức đỉnh 4,3 triệu thùng/ngày vào năm 2015, xuống còn 3,8 triệu thùng/ngày vào năm 2018, khiến tập đoàn này tụt từ hạng 3 xuống hạng 8 trong danh sách những công ty sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Khi giá dầu về mức 20 đô la/thùng, lẽ ra đó là “món quà” lớn cho Trung Quốc. Nhưng thực tế, Trung Quốc không hồ hởi đón nhận nó vì nếu giá dầu thấp duy trì trong thời gian dài, điều đó cũng có nghĩa là 3 ông lớn dầu khí
PetroChina, Sinopec và CNOOC sẽ đối mặt các mức thua lỗ lớn trong các quí tiếp theo, làm phá sản tham vọng cải thiện nguồn cung dầu nội địa của Bắc Kinh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận