menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thúy Quỳnh

Hai kênh đào lớn cùng gián đoạn, vận chuyển toàn cầu hỗn loạn

Sự gián đoạn ở Kênh đào Panama và Kênh đào Suez đã khiến nhiều doanh nghiệp lẫn các chủ tàu rơi vào khó khăn. Nếu sự gián đoạn này kéo dài, người tiêu dùng sẽ là đối tượng tiếp theo bị ảnh hưởng.

Hai kênh đào lớn cùng gián đoạn, vận chuyển toàn cầu hỗn loạn

Hơn 50 tàu, từ tàu chở thực phẩm đến tàu chở khí propan đang xếp hàng dài để đợi đến lượt đi qua kênh đào Panama trong những ngày gần đây. Hạn hán kéo dài buộc đơn vị điều hành kênh đào Panama phải giảm số lượt tàu qua kênh, khiến thời gian chờ đợi lâu hơn. Phí cầu đường mà các tàu phải trả hiện cũng đắt hơn bình thường khoảng 8 lần.

Cách đó hơn 7.000 dặm, các tàu vận chuyển qua kênh đào Suez của Ai Cập cũng phải xếp hàng, nhưng là để chờ hải quân hộ tống. Số khác lại lựa chọn tuyến đường dài hơn, vòng qua Nam Phi chỉ để tránh tuyến đường này do lo ngại các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen. Lực lượng Houthi đã tấn công hơn 50 tàu kể từ tháng 11/2023, trong đó có một tàu chở phân bón bị chìm xuống Biển Đỏ và 3 người trên một con tàu khác thiệt mạng.

Vấn đề ở kênh đào Suez là địa chính trị còn ở kênh đào Panama là khí hậu nhưng rõ ràng sự gián đoạn ở cả hai kênh đào này có chung một tác động là làm xáo trộn vận tải và thương mại toàn cầu.

Hai kênh đào lớn cùng gián đoạn, vận chuyển toàn cầu hỗn loạn

Kênh đào Panama.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển qua hai kênh đào này đã giảm hơn 1/3, hàng trăm tàu buộc phải chuyển hướng sang các tuyến đường dài hơn. Việc giao hàng theo đó bị chậm trễ, chi phí vận chuyển cũng tăng vọt và gây thiệt hại kinh tế cho nhiều bên.

Trên khắp thế giới, các chủ hàng đang phải trả chi phí đắt đỏ hơn. Mức giá vận chuyển hàng ngày dọc các tuyến từ châu Á đến châu Mỹ đã tăng hơn gấp đôi trong tháng 1 so với một năm trước đó, theo dữ liệu từ công ty môi giới Braemar ở Anh. Giá cước cho các chuyến đi từ châu Á đến châu Âu cũng đã tăng 67%.

Ông Tim Hasen, giám đốc điều hành của Stamford, cho biết: “Đây là lần đầu tiên cả hai kênh đào lớn đồng thời bị gián đoạn. Và dù các tàu có lên kế hoạch vận chuyển như thế nào thì họ cũng phải trả rất nhiều tiền”.

Mặc dù sự gián đoạn ở hai kênh đào trên chưa có tác động lớn đến người tiêu dùng nhưng các doanh nghiệp đã bắt đầu cảm nhận được những tác động tiêu cực. Hai nhà sản xuất ô tô Tesla và Volvo phải tạm dừng sản xuất ô tô 2 tuần trong tháng 1/2024 do thiếu phụ tùng.

Một số công ty may mặc buộc phải chọn vận chuyển hàng thời trang mùa xuân bằng đường hàng không với chi phí đắt đỏ hơn thay vì đường biển để đảm bảo hàng hóa được giao đúng hạn.

Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp đã rút ra bài học từ sự hỗn loạn về nguồn cung trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Một số tích trữ lượng hàng trong kho lớn hơn để tránh việc “cháy hàng”, khan hàng.

Ông Jesper Brodin, Giám đốc điều hành của Ingka Group, công ty điều hành hầu hết các cửa hàng IKEA trên thế giới, cho biết sự gián đoạn của Suez đã kéo dài thời gian vận chuyển trung bình thêm khoảng 10 ngày, nhưng người tiêu dùng không bị ảnh hưởng bởi “lượng hàng trong kho của công ty đang ở trạng thái tốt”.

Thế nhưng khi thời gian gián đoạn kéo dài thêm, người tiêu dùng sẽ là đối tượng tiếp theo bị ảnh hưởng. Ông Peter Sand, nhà phân tích trưởng của nền tảng vận chuyển Xeneta có trụ sở tại Na Uy, nhận định: “Đây là thời điểm bước ngoặt đối với người tiêu dùng vì họ đã quen với xu hướng toàn cầu hóa, tức họ có thể nhận hàng hóa từ mọi nơi, ở bất kỳ thời điểm nào. Nếu không bảo vệ được chuỗi cung ứng hàng hải, người tiêu dùng sẽ phải chịu gián đoạn như thời Covid-19”.

Nhà điều hành của hai kênh đào Panama và Suez cũng không mấy vui vẻ. Kênh đào Panama cung cấp tuyến đường ngắn nhất cho các tàu khởi hành từ Vịnh Mexico để giao hàng cho khách hàng ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hai kênh đào lớn cùng gián đoạn, vận chuyển toàn cầu hỗn loạn

Nhiều chủ tàu rơi vào cảnh khốn đốn.

Khoảng 14% thương mại đường biển ra vào Mỹ đều đi qua đường thủy. Một số quốc gia Mỹ Latinh sử dụng kênh đào Panama để vận chuyển khoảng 1/4 lượng hàng xuất khẩu của họ.

Thế nhưng vì hạn hán, nhà điều hành kênh đào Panama phải cắt giảm số tàu đi qua mỗi ngày, từ 24 tàu/ngày vào tháng 11/2023 xuống còn 18 tàu/ngày vào tháng 2. Một chuyến hàng đi qua kênh đào Panama có giá khoảng 500.000 USD nhưng giờ đây, các chủ tàu phải trả giá đắt hơn và phải đợi lâu hơn.

Trong khi đó, theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, khối lượng thương mại đi qua kênh đào Suez đã giảm hơn 40% trong tháng 12 và tháng 1 so với cùng kỳ năm trước. Khi số lượng tàu qua kênh Suez giảm, nhà điều hành của Suez đã buộc phải tăng phí vận chuyển lên cao hơn, khiến nhiều chủ tàu khốn đốn.

Anh Ayad, một chủ tàu thường xuyên hoạt động trong khu vực kênh đào Suez, có thể kiếm khoảng 800 USD/tháng nhờ nhận vận chuyển thực phẩm, dầu nhờn và phụ tùng thay thế.

Anh thừa kế chiếc tàu của cha mình từ khoảng một thập kỷ trước và nó là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình anh. Thế nhưng khi chiến sự nổ ra, gia đình anh, gồm vợ và 3 con nhỏ, đang phải sống nhờ tiền tiết kiệm.

“Nếu tình trạng này kéo dài thêm một tháng nữa, tôi sẽ phải bán tàu để trả nợ”, anh nói. Ayad đang nghĩ đến việc nhập cư vào Mỹ, nơi người thân có thể giúp anh ấy tìm việc làm nếu công việc kinh doanh ở Suez không sớm quay trở lại.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
7 Yêu thích
22 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại