menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Huỳnh Văn Bảy

Hai giải pháp giúp bến xe Miền Đông mới đông khách

Tổ chức thêm mạng lưới trung chuyển để khách dễ tiếp cận, xử lý nghiêm "xe dù, bến cóc" được cho là giải pháp giúp bến xe Miền Đông mới thu hút khách.

Sau hai năm vận hành, từ ngày 11/10 bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) thêm 79 tuyến được dời qua từ bến cũ ở quận Bình Thạnh, nâng tổng số tuyến hoạt động ở đây lên hơn 100. Tuy nhiên, trong khoảng nửa tháng các xe dời về, bến thống kê mỗi ngày hụt gần 300 chuyến so với khi còn ở địa điểm cũ. Điều này cho thấy hiệu quả của bến mới chưa cao so với quy mô được cho lớn nhất nước, khả năng vận chuyển nhiều triệu lượt khách mỗi năm.

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô khách du lịch TP HCM, nói với số lượng hàng trăm chuyến rời đi phần nào cho thấy vị trí mới chưa thuận tiện với khách cũng như nhà xe. Hiện, bến có một số tuyến buýt kết nối, song chưa giải quyết nhu cầu thực tế cho khách ra vào. Trong đó, xe buýt chủ yếu dành cho người thu nhập thấp, có nhiều thời gian, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu những khách muốn sử dụng dịch vụ tốt hơn. Thành phố nên nghiên cứu phương án bố trí bến bãi nhỏ ở nội thành và tạo mạng lưới trung chuyển như taxi, xe công nghệ... mới đáp ứng nhu cầu.

"Quy hoạch bến xe ở xa trung tâm phù hợp trong bối cảnh hơn 10 năm trước, khi các loại hình đi lại, kinh tế, công nghệ... chưa phát triển. Hiện, các phương thức vận chuyển rất đa dạng, nhu cầu của khách cũng cao hơn nhiều nên họ sẽ so sánh, chọn cách thuận tiện nhất cho mình", ông Tính nói và cho rằng Sở giao thông Vận tải cùng đơn vị quản lý bến nên thống kê, đánh giá nhu cầu, nguyện vọng của đơn vị vận tải để đưa ra giải pháp giúp bến mới hoạt động hiệu quả.

Đồng tình quan điểm trên, ông Lê Văn Đào, Giám đốc điều hành hãng xe Hoa Mai, chạy trên tuyến TP HCM đi Vũng Tàu, cũng cho rằng bến mới ở xa, khó đi lại, nên nếu có lựa chọn tốt hơn khách sẽ không vào. Đặc biệt những tuyến đường ngắn như đi Vũng Tàu, từ khu trung tâm đến bến xe bằng nửa thời gian đi xe khách nên người dân càng khó lựa chọn. Doanh nghiệp dù có thể bố trí xe trung chuyển để khách thuận tiện hơn, nhưng nếu kéo dài cũng "khó duy trì".

Vấn đề tăng xe trung chuyển cũng được Tổng công ty cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn TNHH một thành viên (Samco - chủ đầu tư) đưa ra, khi cho rằng đi lại của khách từ nội thành đến bến xe mới chưa thuận lợi. Đơn vị trên so sánh một ôtô giường nằm loại 40 chỗ nếu đủ khách cần ít nhất ba xe 16 chỗ trung chuyển. Điều này ngoài làm tăng chi phí còn ít doanh nghiệp đảm bảo được vì khó đủ vốn đầu tư ôtô trung chuyển vào nội đô đón trả khách.

Vì vậy Samco đã đề xuất thí điểm phương án kết hợp một số đơn vị vận tải trung gian thực hiện chuyển tiếp khách từ nội thành đến bến xe. Việc này dự tính chia làm hai giai đoạn, trong đó từ nay đến năm 2025 sẽ phát triển các tuyến trung chuyển qua một khu vực như quận 1, 3, 5, 6 10, Tân Bình, Tân Phú... cùng các bệnh viện, trường học. Sau đó, thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện mạng lưới trung chuyển để kết nối bến xe với các khu vực còn lại.

Ngoài đẩy mạnh kết nối, việc xử lý "xe dù, bến cóc" cần được thực hiện nghiêm, tạo điều kiện cho xe vào bến Miền Đông mới hoạt động ổn định. Nhiều năm qua, xử lý "xe dù, bến cóc" đã được thành phố lưu tâm, song làm chưa nghiêm, địa bàn vẫn còn nhiều bến tự phát gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng các bến chính. Điển hình là các khu vực trá hình để đón khách ở số 397 Đinh Bộ Lĩnh, đường Điện Biên Phủ đoạn từ ngã tư Hàng Xanh đến cầu Sài Gòn (Bình Thạnh), quốc lộ 1 trước khu du lịch Suối Tiên, nhiều cây xăng dọc quốc lộ 13 (TP Thủ Đức)...

Theo Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Võ Khánh Hưng, từ nay đến cuối năm thành phố tập trung xử lý nghiêm tình trạng xe đón trả khách sai phép ở các khu vực trên. Thanh tra giao thông đang điều chỉnh lại vị trí các camera để tăng cường giám sát, phạt nguội xe vi phạm. Hiện, trên các trục đường chính từ bến xe Miền Đông cũ qua bến mới, thanh tra giao thông lập ba đội túc trực ở đường Điện Biên Phủ, quốc lộ 13 và gần khu du lịch Suối Tiên.

Cùng với hai giải pháp quan trọng trên, thành phố kỳ vọng Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến hoàn thành cuối năm sau, kết nối đến bến xe giúp khu vực thành đầu mối giao thông với nhiều loại hình vận tải hành khách cỡ lớn, trung chuyển khách đi liên tỉnh và ra vào trung tâm thành phố. Để chuẩn bị cho Metro số 1 đưa vào khai thác, thành phố đề xuất triển khai dự án tăng kết nối xe buýt với tuyến đường sắt này, trong đó các tuyến buýt cũng liên kết với bến xe tạo thành mạng lưới giao thông công cộng cho cả khu vực.

Bến xe Miền Đông mới tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một khoảng 740 tỷ đồng. Đây là bến xe lớn nhất nước, có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm. Tuy nhiên, từ khi đưa vào khai thác tháng 10/2020, bến vắng khách vì bị cho khá xa trung tâm, kết nối chưa thuận tiện.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả