Hai doanh nhân Việt lọt top 10 nhà từ thiện hào phóng nhất châu Á
Hai vợ chồng người đồng sáng lập Công ty Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành vừa được ghi danh vào danh sách 30 "anh hùng từ thiện" của Tạp chí Forbes.
Tạp chí Forbes mới đây công bố danh sách 30 "anh hùng từ thiện" hàng năm lần thứ 13 nhằm tôn vinh các tỷ phú, doanh nhân và người nổi tiếng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã có nhiều cống hiến cho hoạt động từ thiện.
Trong danh sách năm nay, tỷ phú Azim Premji tiếp tục củng cố danh hiệu nhà từ thiện hào phóng nhất châu Á bằng việc quyên tặng 7,6 tỷ USD giá trị cổ phiếu Wipro cho quỹ từ thiện tập trung vào lĩnh vực giáo dục do ông sáng lập.
Ngoài ra, danh sách năm nay còn có nhiều gương mặt nổi tiếng như: nữ minh tinh Angel Locsin của Philippines hay tỷ phú Úc Judith Neilson, đặc biệt là tỷ phú Jack Ma - người gần đây đã nhận được giải thưởng Thành tựu trọn đời của Malcolm S. Forbes sau khi từ chức Chủ tịch của Alibaba để dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động từ thiện...
Việt Nam cũng có hai doanh nhân góp mặt trong danh sách là ông Lê Văn Kiểm (74 tuổi) - Đồng sáng lập và Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Golf Long Thành và bà Trần Cẩm Nhung (73 tuổi) - Đồng sáng lập và Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Golf Long Thành. Cả hai xếp thứ 7 trong top 10 nhà từ thiện hào phóng nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2019.
Theo Forbes, kể từ năm 2018, ông Kiểm và bà Nhung đã đóng góp 11 triệu USD cho các hoạt động từ thiện ở Lào và Việt Nam. Là một cựu chiến binh, ông Kiểm đã quyên góp gần 5 triệu USD để hỗ trợ các gia đình các cựu chiến binh kể từ đầu năm 2018 đến tháng Tư năm nay. Trong khi đó, bà ông Nhung hồi tháng Tư đã trao hơn 5 triệu USD cho các tổ chức từ thiện, chủ yếu để hỗ trợ cho trẻ sơ sinh bị suy tim và hỗ trợ tài chính cho sinh viên.
Cặp vợ chồng này bắt đầu giàu lên từ những năm 1980 nhờ ngành dệt may và cao su khi Việt Nam bắt đầu cải cách kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay, mảng kinh doanh chính của họ là bất động sản và sân golf.
Từ năm 2009 khi thành lập quỹ học bổng, ông Kiểm đã trao 900.000 USD học bổng cho sinh viên theo học tại trường Đại học Thủy Lợi Hà Nội, nơi ông từng theo học. Trong 10 năm qua ông cũng đã trao hơn 20 triệu USD cho hoạt động từ thiện tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Nhật Bản.
Dưới đây là 9 nhà từ thiện hảo tâm khác trong top 10:
Azim Premji, 74 tuổi - Người sáng lập và Chủ tịch Wipro (Ấn Độ)
Hồi tháng 3, tỷ phú Premji đã củng cố vị trí là nhà từ thiện hào phóng nhất châu Á bằng việc cho đi số cổ phần trị giá 7,6 tỷ USD của tập đoàn công nghệ Wipro cho Quỹ Azim Premji do ông sáng lập. Quỹ này được thành lập năm 2000 và hiện đang làm việc với hơn 200.000 trường công lập trên khắp Ấn Độ để đào tạo giáo viên và cung cấp các chương trình giảng dạy chất lượng hơn.
Tháng 7/2019, vị tỷ phú 74 tuổi đã từ chức Chủ tịch điều hành của Wipro sau hơn 50 năm cầm quyền để tập trung nhiều hơn vào hoạt động từ thiện. Ông cũng là người Ấn Độ đầu tiên ký cam kết Giving Pledge và đã từ thiện tổng cộng là 21 tỷ USD.
Theodore Rachmat, 76 tuổi - Người sáng lập Triputra Group (Indonesia)
Ông trùm khai thác và kinh doanh nông nghiệp Rachmat từ năm 2018 đến nay đã quyên góp gần 5 triệu USD cho quỹ từ thiện do ông sáng lập - A&A Rachmat Compassionate Service Foundation.
Quỹ A&A Rachmat Compassionate Service ra mắt vào năm 1999 như một quỹ học bổng và đã trao học bổng cho 21.000 người trong những năm qua, trong đó tỷ phú Rachmat đóng góp 12,5 triệu USD. Năm 2005, quỹ mở rộng sang lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, thiết lập các phòng khám giá rẻ ở khu vực nông thôn với chi phí khám bệnh chưa tới 2 USD/lần. Ngoài ra, quỹ cũng có những khoản hỗ trợ đối với các trại trẻ mồ côi.
Jeffrey Cheah, 74 tuổi - Chủ tịch Sunway Group (Malaysia)
Thông qua quỹ từ thiện cùng tên, Jeffrey Cheah đã quyên góp gần 39 triệu USD để tài trợ học bổng và các hoạt động giáo dục kể từ năm 2018. Cheah cũng đã tài trợ cho các trường tiểu học công lập, trao 2,5 triệu USD cho SJKC Chee Wen ở bang Selangor và SJKC Gunong Hijau ở bang Perak cùng 6 triệu USD khác cho các trường học trên khắp Malaysia.
Cheah là Người sáng lập và Chủ tịch của Sunway Group. Từ năm 2009, ông đã dần chuyển toàn bộ cổ phần trị giá hơn 238 triệu USD do ông nắm giữ tại Tập đoàn Giáo dục Sunway sang Quỹ Jeffrey Cheah.
Jack Ma, 55 tuổi - Người sáng lập Quỹ Jack Ma (Trung Quốc)
Jack Ma mất hai thập kỷ để xây dựng Tập đoàn Alibaba trở thành tập đoàn internet khổng lồ tại Trung Quốc. Khi tuyên bố sẽ trao lại quyền chủ tịch điều hành cho CEO Daniel Zhang hơn một năm trước, Jack Ma cho biết ông cũng đã mất một thập kỷ để chuẩn bị cho kế hoạch nghỉ hưu và tập trung thời gian cùng nỗ lực cho hoạt động giáo dục, từ thiện và môi trường.
Năm 2006, Alibaba đã ra mắt hoạt động từ thiện đầu tiên để giúp đỡ những bà mẹ kém may mắn ở Trung Quốc, được mệnh danh là chương trình người mẹ mẫu mực. Năm 2010, Alibaba bắt đầu dành 0,3% doanh thu cho hoạt động từ thiện. Hai năm sau, tập đoàn này thành lập Quỹ Alibaba để quản lý các hoạt động từ thiện. Với 56 tỷ USD doanh thu cho năm tài chính 2019 thì 0,3% sẽ tương đương 168 triệu USD (Alibaba không tiết lộ con số thực tế).
Hoạt động từ thiện cá nhân của Jack Ma bắt đầu từ năm 2014, khi ông thành lập Quỹ Jack Ma. Vào tháng Tư cùng năm - khoảng sáu tháng trước khi Alibaba IPO trên Sàn giao dịch chứng khoán New York - Jack Ma đã tuyên bố dành 35 triệu cổ phiếu để đưa vào quỹ từ thiện mang tên ông. Hiện nay, Quỹ Jack Ma sở hữu 23 triệu cổ phiếu Alibaba, trị giá khoảng 4,6 tỷ USD.
Judith Neilson, 73 tuổi - Người sáng lập và bảo trợ của JN Projects (Australia)
Neilson đã cam kết quyên tặng 100 triệu đô la Úc (72 triệu USD) vào tháng 11 năm ngoái để thành lập Viện Báo chí & Ý tưởng Judith Neilson tại Sydney. Viện này chuyên đóng góp các khoản tài trợ, hỗ trợ giáo dục và các sự kiện để khuyến khích tự do báo chí.
Judith Neilson sở hữu 21% cổ phần của Platinum Asset Management, tập đoàn đầu tư toàn cầu được thành lập năm 1994 bởi chồng cũ của bà - ông Kerr Neilson. Ngoài ra, bà cũng sở hữu một trong những bộ sưu tập nghệ thuật đương đại giá trị nhất thế giới, được trưng bày trong phòng trưng bày nghệ thuật White Rabbit của bà tại Sydney.
Andrew Forrest, 57 tuổi - Chủ tịch Fortescue Metals Group và Forola Nicola, 57 tuổi - Đồng sáng lập Quỹ Minderoo (Australia)
Hồi tháng 5, cặp vợ chồng tỷ phú này đã quyên góp 655 triệu đô la Úc (tương đương 455 triệu USD) cho Quỹ Minderoo. Đây là khoản từ thiện lớn nhất tại Australia từ một nhà tài trợ còn sống và nâng tổng số tiền đã trao tặng của cặp vợ chồng này lên 1,5 tỷ đô la Úc.
Quỹ Minderoo chuyên hỗ trợ nghiên cứu ung thư, hỗ trợ trẻ em, bình đẳng giới, bảo vệ đại dương và xóa bỏ chế độ nô lệ hiện đại. Minderoo được tài trợ bằng cổ tức mà vợ chồng Forrest nhận được từ công ty khai thác quặng sắt Fortescue Metals Group do Andrew thành lập năm 2003. Ông hiện nắm giữ 35% cổ phần tại công ty.
Suh Kyung-bae, 56 tuổi - CEO Amorepacific Group (Hàn Quốc)
Quỹ khoa học Suh Kyung-bae hồi tháng Chín đã trao 10 tỷ won (9 triệu USD) cho bốn nhà khoa học Hàn Quốc để nghiên cứu về khoa học thần kinh và di truyền học. Ông Suh đã thành lập quỹ khoa học mang tên ông vào năm 2016 với khoản tài trợ cá nhân trị giá 300 tỷ won.
Suh Kyung-bae - người đứng đầu công ty mỹ phẩm lớn nhất của Hàn Quốc - được thừa hưởng Amorepacific từ cha Suh Sung-hwan, người tin rằng khoa học là không thể thiếu đối với sự đổi mới.
Kể từ năm 2017, tổ chức này đã trao 14 khoản tài trợ cho các nhà khoa học trị giá từ 1,5 tỷ đến 2,5 tỷ won. Năm 2016, Suh cam kết sẽ quyên góp các khoản cần thiết để nâng tổng số tiền tài trợ lên tới 1.000 tỷ won.
Gong Junlong, 50 tuổi - Người sáng lập Hengyu Group (Trung Quốc)
Gong đã cam kết ủng hộ 50 triệu USD vào tháng 6/2018 để xây dựng Bệnh viện Nhân dân số 2 Lufeng tại quê hương Quảng Đông. Ngoài ra, ông cũng đã quyên góp 5,6 triệu USD vào năm ngoái để tài trợ cho việc mở rộng một trường trung học ở Shanwei. Trước đây, ông đã hỗ trợ 35 triệu USD để xây dựng một khuôn viên mới cho trường trung học Jiazi, nơi ông từng theo học.
Angel Locsin, 34 tuổi - Diễn viên (Philippines)
Sau khi trận động đất tấn công đảo Mindanao hồi tháng 10, Locsin đã quyên góp 1 triệu peso (19.000 USD) cùng nhiều xe tải chở hàng cứu trợ cho các nạn nhân bị ảnh hưởng.
Trong một thập kỷ qua, Locsin đã quyên góp tới 15 triệu peso cho các hoạt động từ thiện như học bổng giáo dục cho sinh viên, hỗ trợ các quyền kinh tế và chính trị của người bản địa, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, nạn nhân của thiên tai...
Locsin cũng đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người theo dõi trang mạng xã hội của cô để cùng làm từ thiện.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận