24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hai chiến lược phân tích cơ bản hữu hiệu cho nhà đầu tư chứng khoán

Trong lĩnh vực đầu tư tài chính, phân tích cơ bản (Fundamental Analysis, FA) là phương pháp không thể thiếu để đầu tư hiệu quả.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng có hai cách tiếp cận phương pháp này, đó là chiến lược Top-down (từ trên xuống dưới), tập trung vào phân tích các yếu tố “ở trên”, hay các yếu tố vĩ mô; và chiến lược Bottom-up (từ dưới lên trên), tập trung vào phân tích các yếu tố “ở dưới”, nghĩa là các yếu tố vi mô.

TOP-DOWN (Từ trên xuống dưới)

Những nhà đầu tư sử dụng chiến lược Top-down sẽ chú trọng hơn vào bức tranh tổng thế của nền kinh tế, vào các yếu tố liên quan đến kinh tế vĩ mô. Những yếu tố này sẽ tạo ra ảnh hưởng rất lớn đến thị trường tài chính và tất nhiên là cả giá cổ phiếu nữa. Sử dụng chiến lược Top-down cũng đồng nghĩa là sẽ quan tâm đến sự phát triển của các ngành cụ thể, vì khi một ngành nào đó có tiềm năng phát triển thì giá cổ phiếu của hầu hết các doanh nghiệp thuộc ngành đó đều có xu hướng đi lên. Những nhà đầu tư theo đuổi chiến lược này sẽ luôn tập trung theo dõi các sự kiện, các cuộc họp, hội thảo, diễn đàn kinh tế ở trong và ngoài nước, ví dụ như các cuộc họp của các tổ chức như FED, OPEC, IMF,...

Những nhà đầu tư sử dụng chiến lược phân tích Top-down sẽ chủ yếu quan tâm đến các yếu tố như sau:

  • Sự phát triển của nền kinh tế thông qua GDP (cả kinh tế quốc nội lẫn kinh tế thế giới)
  • Sự tăng/giảm lãi suất thông qua các chính sách tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương.
  • Lạm phát và sự tăng/giảm giá của các loại hàng hóa, tài sản (vàng, xăng dầu, năng lượng, VLXD,...)
  • Giá và lợi suất của các loại trái phiếu.

Tại sao các yếu tố này lại quan trọng trong đầu tư?

Chỉ cần lấy ví dụ về một yếu tố quan trọng như lãi suất, ta có thể thấy rằng nếu lãi suất giảm thì có khả năng sẽ kích thích sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán khi mà các cá nhân và doanh nghiệp dễ dàng vay được vốn để đầu tư. Ngược lại, nếu lãi suất tăng thì thường làm tăng tình trạng thất nghiệp và làm chậm đi sự phát triển của nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán. Có thể nói lãi suất là một yếu tố cần được quan tâm hàng đầu đối với các nhà đầu tư trên thị trường tài chính.

Mối tương quan giữa mức lãi suất của Mỹ và chỉ số P/E của S&P 500

Hay ngoài ra, giá của các loại hàng hóa cũng được các nhà đầu tư Top-down theo dõi rất sát sao. Các sự kiện và vấn đề thời sự sẽ có tác động rất lớn lên xu hướng giá của các loại hàng hóa, ví dụ như giá dầu, giá vàng, giá nguyên vật liệu,... từ đó giúp cho các nhà đầu tư này có thể tìm kiếm cơ hội sinh lời trong các ngành có tiềm năng phát triển. Ví dụ, những nhà đầu tư nếu theo dõi kĩ càng biến động của giá thép có thể nắm bắt trước cơ hội để đầu tư vào cổ phiếu các doanh nghiệp ngành thép như HPG, HSG,... hoặc cơ hội để bán hoặc bán khống (short) các cổ phiếu ngành xây dựng (do sự tăng giá của nguồn cung nguyên vật liệu).

BOTTOM-UP (Từ dưới lên trên)

Những nhà đầu tư theo đuổi chiến lược Bottom-up sẽ ít chú trọng vào diễn biến của nền kinh tế cũng như xu hướng của thị trường. Thay vào đó họ sẽ tập trung nhiều hơn vào phân tích cơ bản các doanh nghiệp, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ hay các sản phẩm đầu tư một cách riêng rẽ. Nói cách khác, các nhà đầu tư sẽ quan sát nhiều hơn vào các yếu tố vi mô, từ đó tìm kiếm ra những doanh nghiệp nắm giữ các lợi thế cạnh tranh và có khả năng phát triển mạnh mẽ hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành. Một trong những huyền thoại theo đuổi phương pháp đầu tư này chính là Warren Buffett.

Những nhà đầu tư thực hiện chiến lược Bottom-up sẽ tập trung nghiên cứu và phân tích các yếu tố sau:

  • Tình trạng của doanh nghiệp thông qua các hạng mục trong BCTC
  • Khả năng phát triển của một doanh nghiệp, thông qua earning growth, revenue growth,..
  • Các tỷ số như P/E, biên lợi nhuận, khả năng thanh toán, ROE, ROA,... để đánh giá sức khỏe tài chính và khả năng sinh lời của doanh nghiệp
  • Năng lực và phẩm chất của ban lãnh đạo doanh nghiệp
  • Các yếu tố liên quan đến hoạt động kinh doanh như lợi thế cạnh tranh, sản phẩm, chuỗi giá trị, thị phần, nhân sự,...

Cốt lõi của chiến lược Bottom-up là tìm ra các doanh nghiệp riêng biệt có khả năng kinh doanh vượt trội hơn (outperform) so với các đối thủ trong ngành. Khác với Top-down, các nhà đầu tư Bottom-up cho rằng cổ phiếu của những doanh nghiệp “ngoại hạng” này vẫn sẽ duy trì sự ổn định và có khả năng tăng trưởng tốt trong dài hạn cho dù sự phát triển của ngành và nền kinh tế có bị suy giảm. Những nhà đầu tư theo đuổi chiến lược này sẽ phải có phương án quản trị rủi ro hiệu quả và cố gắng đa dạng hóa danh mục của mình để tối ưu hóa được lợi nhuận. Ví dụ, với mỗi một nhóm ngành, nhà đầu tư sẽ chọn ra các doanh nghiệp “ngoại hạng” và xây dựng một rổ các cổ phiếu cho danh mục của mình, sau đó thực hiện buy-and-hold. Trong dài hạn, danh mục đó sẽ có khả năng sinh lời rất đáng kể.

Trong ngành nước giải khát, cổ phiếu của hãng Monster (màu cam), rõ ràng tỏ ra "ngoại hạng" hơn so với Coca-Cola (màu xám) và PepsiCo (màu xanh).

ĐÂU LÀ PHƯƠNG PHÁP HIỆU QUẢ NHẤT?

Thực tế là không có phương pháp đầu tư nào là hiệu quả cho tất cả mọi người mà điều đó còn phải tùy thuộc vào mục tiêu, khả năng, kinh nghiệm và phẩm chất của từng cá nhân. Cả hai chiến lược Top-down và Bottom-up đều có những ưu nhược điểm riêng nhưng chúng lại không hoàn toàn trái ngược nhau. Vì thế, các nhà đầu tư và quỹ đầu tư chuyên nghiệp sẽ thường cố gắng kết hợp cả hai phương pháp này để xây dựng một danh mục đầu tư đa dạng và hiệu quả. Ví dụ, tôi sẽ sử dụng phương pháp Top-down để tìm ra các nhóm ngành đang có tiềm năng phát triển và sử dụng phương pháp Bottom-up để lựa chọn các cổ phiếu “ngoại hạng” của nhóm ngành đó để đưa vào danh mục của mình. Tuy nhiên, điều này này sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian cũng như kiến thức để phân tích và nghiên cứu trong một phạm vi rất rộng và phức tạp.

Về ý kiến cá nhân, tôi khuyên những ai đang đầu tư trên thị trường tài chính hãy luôn cố gắng tạo ra sự cân bằng cho phương pháp đầu tư của mình. Những người đang theo đuổi chiến lược Bottom-up thì đừng quên nắm bắt và theo dõi các diễn biến quan trọng của nền kinh tế. Những người đang áp dụng chiến lược Top-down cũng hãy cố gắng phân tích các yếu tố vi mô thật kĩ càng và chính xác để đưa ra các quyết định đầu tư hợp lý.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả